Trong khi số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) những tháng đầu năm 2020 đều sụt giảm so với cuối năm 2019 bởi tác động của dịch Covid-19 nhưng riêng số người tham gia BHXH tự nguyện tăng. Đến đầu tháng 8-2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 737.000 người, tăng trên 163.000 người, tương ứng tỉ lệ tăng trên 28% so với năm 2019 và đạt tỉ lệ 1,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất thấp, nhất là số người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện 2 năm qua chỉ chiếm dưới 3% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện.
Chưa hấp dẫn lao động tự do
Thống kê cho thấy độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện đã có sự thay đổi rõ rệt, trung bình là 36 tuổi thay vì 50 tuổi như trước đây. Tuy nhiên, theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH tự nguyện dù tăng nhanh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. "Việc vận động người dân tham gia còn không ít khó khăn, thách thức do chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn với người lao động (NLĐ) tự do có mức thu nhập thấp, bấp bênh, trong khi thời gian đóng tối thiểu để hưởng dài tới 20 năm" - ông Đào Việt Ánh nói.
Mức hỗ trợ còn thấp là một trong những lý do khiến người dân chưa mặn mà với BHXH tự nguyện Ảnh: MINH CHIẾN
Nguyên nhân, theo đại diện BHXH Việt Nam, là do mức hỗ trợ của nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện thấp. Hiện người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30%, tương ứng 46.200 đồng/tháng; hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, tương ứng 38.500 đồng/tháng; các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%, tương ứng 15.400 đồng/tháng nên nhiều người dân không đủ nguồn lực để tham gia.
"Số tiền hỗ trợ năm 2018 là 25.496 tỉ đồng, năm 2019 là 90.467 tỉ đồng và dự kiến năm 2020 là 170.000 tỉ đồng" - đại diện BHXH Việt Nam dẫn chứng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu còn dài (đủ 20 năm trở lên và đủ 55 tuổi đối với nữ, đủ 60 tuổi đối với nam).
Cần nâng mức hỗ trợ
Mới đây, BHXH Việt Nam đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ tăng mức hỗ trợ từ nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, để nhiều người có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện, hạn chế số người đang tham gia nhưng vì không có điều kiện tiếp tục tham gia đã phải dừng đóng, hưởng BHXH một lần. Cụ thể, nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.
Nói về đề xuất tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện, ông Mai Đức Thắng, nguyên Phó trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam, phân tích khi tham gia chính sách này, người dân sẽ để ý đến 2 yếu tố đó là lợi ích và nhà nước sẽ trợ giúp thế nào. "Về lý thuyết, khi lợi ích càng nhiều càng kích thích người dân tham gia. Mong muốn của người dân, nhất là lực lượng lao động nữ, đó là được hưởng bảo hiểm ngắn hạn về chế độ ốm đau, thai sản. Tuy nhiên, chính sách chưa ban hành đồng bộ nên đây là rào cản tạo ra sự chưa hấp dẫn của BHXH tự nguyện" - ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, khi điều chỉnh mức hỗ trợ, người tham gia sẽ "thích" hơn nhưng yếu tố này có lẽ chưa đủ bởi theo phân tích, một trong những chính sách sát sườn với người dân là BHYT. Đối với nhóm cận nghèo, mặc dù nhà nước đã hỗ trợ tới 70% mức đóng, một số địa phương đã hỗ trợ thêm từ 10% - 20%, tức là người dân chỉ còn đóng tỉ lệ rất nhỏ để tham gia BHYT nhưng nhiều người vẫn không tham gia. Có thể do họ chưa thấy được hết ý nghĩa của thẻ BHYT nhưng cũng có trường hợp không có tiền để tham gia.
Trong khi đó, với chính sách BHXH tự nguyện, hiện mức hỗ trợ còn rất thấp. "Với người nghèo, tôi cho rằng nên hỗ trợ ở mức 90% và người cận nghèo là 50%. Đồng thời, tăng quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện. Dĩ nhiên, khi tăng quyền lợi sẽ phải tăng mức đóng nhưng trước mắt cần nâng mức hỗ trợ và quyền lợi để "kích cầu" người dân tham gia" - ông Thắng phân tích.
Theo Luật BHXH 2014, từ ngày 1-1-2018, quy định người tham gia BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ tiền đóng gồm: 30% với người nghèo, dân tộc thiểu số; 25% với người cận nghèo và 10% với đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
Theo dự kiến của BHXH Việt Nam về kế hoạch tài chính - ngân sách giai đoạn 2021-2025, nếu nhà nước hỗ trợ theo mức đề nghị này, số người tham gia BHXH tự nguyện dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 3,6 triệu người, đến năm 2030 đạt 8,9 triệu người. Đồng thời, số tiền chi hỗ trợ tăng dần từng năm, đến năm 2025 ở mức 1.167 tỉ đồng (chiếm 0,3% chi cho an sinh xã hội) và đến năm 2030 ở mức 3.141 tỉ đồng (chiếm 0,71% chi cho an sinh xã hội).
Bình luận (0)