Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, những nội dung lớn về Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cần đảm bảo các yêu cầu: (1). Giải quyết các vướng mắc của thực tiễn, các tổ chức công đoàn phản ánh trong thời gian 5 năm trở lại đây; (2). Thể chế hóa các quan điểm được ghi nhận trong Hiến pháp 2013; (3). Đáp ứng các Hiệp định, các công ước quốc tế về các nguyên tắc cơ bản cho người lao động tại nơi làm việc…
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp phát biểu tại Hội thảo
Bộ LĐ-TB&XH cho biết quan điểm sửa Bộ luật Lao động là giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người lao động. Qua các sửa đổi, dự luật hướng tới mục tiêu quan trọng là nâng cao năng suất lao động, chất lượng việc làm.
"Việt Nam sẽ điều chỉnh tăng lương không phụ thuộc nhiều thâm niên, mà phụ thuộc vào năng suất, kỹ năng lao động", Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định.
Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH cho biết dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi có 10 nhóm chính sách được đề nghị sửa đổi. Đặc biệt, dự luật sẽ đưa vào các định hướng chính sách theo các nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương và nghị quyết 28 về chính sách bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, thực hiện Nghị quyết 27, sẽ có những sửa đổi về chính sách tiền lương tối thiểu ở mức đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động trên cơ sở sửa đổi khái niệm tiền lương tối thiểu; các tiêu chí xác định lương tối thiểu. Đồng thời, tiếp tục thể chế hóa chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường, từng bước mở rộng, tạo quyền tự chủ cho người sử dụng lao động và người lao động trong trả lương. Đặc biệt, dự luật sẽ xác định rõ khái niệm về tiền lương, với việc đảm bảo "tiền lương của người lao động là mọi khoản tiền mà người lao động nhận được từ việc thực hiện công việc đã được thỏa thuận". Ngoài ra, các quy định sẽ đảm bảo doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước được tự quyết định chính sách tiền lương...
Thực hiện nghị quyết 28, dự luật đưa ra các quy định để thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu chung từ năm 2021. Theo đó, thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đảm bảo quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn nhưng không quá 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung áp dụng cho những ngành nghề đặc biệt.
Dự thảo cũng đề ra các sửa đổi về chính sách nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức, mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm, mở rộng cơ chế về giải quyết tranh chấp lao động, đảm bảo quyền của người lao động trong việc thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức của người lao động...
Bình luận (0)