Tăng lương tối thiểu vùng phản ánh một thông điệp vô cùng quan trọng: Chính phủ cho phép người lao động có một điểm tựa lớn hơn trong thỏa thuận tiền lương với chủ sử dụng lao động.
Điều đó giúp người lao động (có vị thế hơn) yên tâm quay trở lại làm việc, thị trường lao động hoạt động bình thường, giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề thiếu lao động trong thời điểm hiện nay. Ông Nguyễn Tú Anh - thành viên độc lập của Hội đồng Tiền lương Quốc gia - cho biết như trên khi trao đổi với phóng viên Báo Lao Động.
Người lao động trong các doanh nghiệp mong ngóng tăng lương để được cải thiện thu nhập, đời sống. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân
- Việc tăng LTTV vào thời điểm hiện nay là vô cùng cần thiết, vì 3 lý do sau:
Thứ nhất, nền kinh tế đang phục hồi. Hiện nay, Chính phủ vẫn tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người yếu thế. Như vậy, Chính phủ đang lùi một bước trong việc hưởng lợi từ tăng trưởng. Đối với doanh nghiệp và NLĐ, cần chia sẻ lợi ích với nhau. Doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ các gói hỗ trợ của Chính phủ (giảm thuế VAT, hỗ trợ lãi suất, tín dụng…) thì NLĐ, đặc biệt là những người nghèo, những người có thu nhập thấp cần phải được chia sẻ lợi ích từ phục hồi tăng trưởng này.
Thứ 2, dịch COVID-19 cho thấy cuộc sống của những người thu nhập thấp đang đối diện với rất nhiều rủi ro. Cuộc sống của họ phải tăng thêm chi phí để phòng ngừa những rủi ro về bệnh tật, những cú sốc bên ngoài không lường trước được (như nhiều NLĐ tại TPHCM phải bỏ về quê thời điểm tháng 9,10 năm 2021). Chính vì thế, để đảm bảo NLĐ yên tâm quay trở lại làm việc, thị trường lao động hoạt động bình thường và thu hút được NLĐ vào các trung tâm công nghiệp, việc tăng LTTV là không thể tránh khỏi và cần phải làm nhanh.
Thứ 3, trong những năm vừa qua, ngành nông nghiệp phát triển khá tốt, năng suất lao động trong ngành này tăng lên. Điều đó có nghĩa những người làm việc trong khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng có thể có thu nhập cao hơn. Nếu không tăng LTT, việc thu hút NLĐ ra khỏi nông nghiệp, nông thôn là rất khó. Bằng chứng là thời gian qua, đã có rất nhiều NLĐ từ khu vực chính thức quay trở lại khu vực phi chính thức. Chính vì vậy, để thu hút lại lực lượng lao động, duy trì nền kinh tế năng động, không có cách nào khác là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ trong khu vực chính thức phải tăng LTT lên để làm sao cao hơn thu nhập ở nông thôn.
Thưa ông, vừa qua, 8 Hiệp hội ngành hàng kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ lùi thời gian áp dụng tăng LTTV, từ 1.1.2023 thay vì từ 1.7.2022. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Tăng LTTV chính là giúp cho doanh nghiệp, cần thiết cho doanh nghiệp để thu hút NLĐ vì doanh nghiệp đang thiếu lao động, nhất là các doanh nghiệp phía Nam. Ở góc độ NLĐ, họ không chỉ căn cứ vào mức tiền lương giữa người chủ sử dụng lao động và NLĐ thoả thuận với nhau, mà cần có một sự bảo đảm về an sinh xã hội tính trên tiền LTT. Chính vì vậy, tăng tiền LTTV phản ánh một thông điệp vô cùng quan trọng: Chính phủ cho phép NLĐ có một điểm tựa lớn hơn trong thỏa thuận tiền lương với giới chủ. Khi NLĐ có vị thế hơn thì sẽ yên tâm hơn khi quay trở lại làm việc, giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề thiếu lao động trong thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới đều cho thấy khi LTTV tăng lên thì năng suất lao động tăng lên. Nguyên nhân là khi áp lực về tiền lương tăng lên thì người chủ sử dụng lao động tìm mọi cách để tăng năng suất lao động (mới duy trì được mức lợi nhuận bình thường). Áp lực bắt buộc tăng năng suất khiến người sử dụng lao động phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, kỹ năng của NLĐ, quản lý, cắt giảm các chi phí không cần thiết… Chính vì vậy, việc tăng LTTV là một trong những công cụ khá quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất lao động, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Thưa ông, ông có đồng tình với việc cần phải tăng LTTV 6% từ 1.7.2022?
- Theo quan điểm của tôi, cần phải tăng LTTV càng nhanh càng tốt, vì năm 2022, nền kinh tế được dự báo tăng trưởng từ 6,5%. Đây là tính theo giá cố định, còn giá danh nghĩa cộng lạm phát thì phải tăng khoảng 10%. Như vậy, thu nhập của cả nước tăng 10% thì tại sao không tăng lương cho những người đang phải hưởng mức LTT. Mức tăng 6% là cân đối tất cả các vùng, khá phù hợp, không thể nào không tăng LTTV trong tháng 7.2022 vì NLĐ phải tiếp tục được hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế.
Đối với mức tăng 6%, trong bối cảnh hiện nay, đây là sự chia sẻ giữa NLĐ và doanh nghiệp. Nếu đáp ứng được thì có thể cần phải tăng cao hơn, nhưng vào thời điểm hiện nay, doanh nghiệp vừa mới phục hồi, như người yếu mới khỏi ốm, phải chịu rất nhiều sức ép thì mức 6% là phù hợp.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)