Liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều bạn đọc của Báo Người Lao Động tiếp tục bày tỏ thái độ không đồng tình. Đặc biệt, rất nhiều người đánh giá cao ý kiến của bà Trần Thị Diệu Thúy, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM.
"Tôi đồng ý với chị Diệu Thuý, đề nghị Quốc Hội có các cuộc điều tra xã hội học xem ý kiến của các tầng lớp lao động về việc tăng tuổi hưu thế nào. Thêm nữa cần xem việc sử dụng Quỹ BHXH đã đúng chưa? Chi phí cho hệ thống nhân viên Bảo hiểm có cao quá không"- bạn đọc Nguyễn Trọng Khanh, bày tỏ. Đồng suy nghĩ, bạn đọc Hoàng Huy, đặt câu hỏi: "Thử hỏi có được bao nhiêu người làm việc trong môi trường độc hại hưởng được lương hưu, chắc chắn là tỉ lệ rất ít?"
Các viện dẫn của ban soạn thảo khi đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) chưa hợp lý bởi độ tuổi có sức khỏe để làm việc của mỗi quốc gia khác nhau.
Trong khi đó, bạn đọc Phan Khắc Huy thì cho rằng các viện dẫn của ban soạn thảo khi đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) chưa hợp lý bởi độ tuổi có sức khỏe để làm việc của mỗi quốc gia khác nhau.
Cùng góc nhìn ấy, bạn đọc Văn Đức, nêu chính kiến: "Khi muốn tăng tuổi hưu thì các ban soạn toàn so sánh với các nước phương Tây. Khổ nỗi lại không ai so sánh điều kiện sống, điều kiện chăm sóc y tế của các nước đó với Việt Nam cả. Xin hãy khảo sát xem những người ở tuổi 60 trong các lĩnh vực còn bao nhiêu % đủ sức khỏe làm việc, trong các lĩnh vực nào?".
Công nhân thoát nước làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại ẢNH: BẠCH ĐẰNG
Còn bạn đọc tên Quyên thì cho rằng việc đem so sánh 1 giáo viên ở Việt Nam dạy 1 lớp 50 học sinh, chương trình nặng nề, lớp học nóng bức với giáo viên ở các nước phương Tây để tăng tuổi hưu thì quá vô lý. Theo một bạn đọc tên Minh, người VN tăng tuổi thọ, nhưng chưa chắc sức khỏe đã tăng.
Đời sống công nhân hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn
Bạn đọc Lê Ngọc, thì gay gắt hơn: "Ai đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu trên 60 thì cho họ đi công nhân nhà máy xi măng, nhà máy gạch hoặc xưởng đóng tàu…...xem có làm nỗi không". Đồng quan điểm, bạn đọc Tú An, bày tỏ: "Hoan hô cô Diệu Thuý đã hiểu cho người lao động trực tiếp như chúng tôi. 55 tuổi còn chẳng có sức mà làm nữa là tăng thêm 60 mắt mờ, chân tay run rồi sao làm nổi". Tương tự, bạn đọc Hồng Ngự cho rằng người đứng đầu tổ chức Công đoàn TP HCM rất hiểu tâm lý CNVC-LĐ. Bạn đọc này cho biết chỉ mới nghỉ hưu được hai năm mà giờ sức khỏe đã suy giảm rất nhiều, nếu còn đi làm không biết ra sao. Một bạn đọc khác tên Hiền chỉ ra thực trạng từ 35 tuổi trở đi rất nhiều người lao động đã bị sa thải, nếu đợi đến 60 tuổi thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Bạn đọc tên Hùng thì góp ý: "Tôi phản đối tăng tuổi nghỉ hưu. Nên trưng cầu ý dân về việc này".
2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu
Cụ thể, theo phương án 1, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Với phương án 2, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định tuổi nghỉ hưu trong một số trường hợp đặc biệt. Đó là NLĐ được nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi do bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.
Đồng thời, NLĐ cũng được nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi nếu có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, hoặc làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Bình luận (0)