Lưu ý của người đứng đầu QH là có cơ sở bởi thực tế qua thu thập ý kiến của số đông NLĐ, hầu hết đều không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu. Lao động Việt Nam chủ yếu là lao động giản đơn, hao tốn sức lực. Các nước trên thế giới tăng tuổi nghỉ hưu do thiếu hụt lao động, trong khi Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào cần được tạo điều kiện tham gia thị trường lao động… Ở các nhà máy, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may, giày da, phần lớn nữ công nhân phải làm việc với cường độ lao động cao và điều này khiến họ mệt mỏi. Bước sang tuổi 40, nhiều người đã muốn nghỉ hưu, do vậy nếu tăng theo đề xuất dự thảo thì liệu họ có đủ sức làm việc? Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp có xu hướng đầu tư máy móc công nghệ để thay thế lao động phổ thông, nguy cơ mất việc của lao động lớn tuổi ngày càng lớn. Bị mất việc làm, cuộc sống của NLĐ và gia đình họ sẽ bị xáo trộn.
Việc tính toán tăng tuổi nghỉ hưu phải có tầm nhìn dài hạn
Theo tôi, việc tính toán tăng tuổi nghỉ hưu cần được thiết kế linh hoạt hơn, trong đó phải xem xét đến các yếu tố như: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề. Với các đối tượng như công nhân trực tiếp sản xuất, giáo viên mầm non, tiểu học, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật hay nghiên cứu khoa học, ban soạn thảo phải đánh giá tác động nhiều chiều và tiếp tục lắng nghe ý kiến trực tiếp từ họ để tránh những phản ứng chính sách như đã từng xảy ra trong thực tế. Việc xem xét nâng tuổi nghỉ hưu của NLĐ nói chung phải có tầm nhìn dài hạn, tính đến yếu tố già hóa dân số, cân bằng giới, thị trường lao động, vấn đề thất nghiệp. Trong đó, cần chú trọng bảo đảm bình đẳng giới trong điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, quy định cơ chế để thực hiện quyền nghỉ hưu ở tuổi 55 đối với nữ, 60 đối với nam và tạo điều kiện ưu tiên cho lao động nữ nghỉ hưu sớm... Đồng thời, bổ sung dự thảo danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm theo quy định.
Bình luận (0)