Tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động (NLĐ) tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi khi đa số công nhân (CN) trực tiếp sản xuất đều không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu.
Phân tích những bất cập của chính sách BHXH hiện hành, bạn đọc Hà Minh Tuệ bày tỏ: "Nguyên tắc của BHXH là đóng hưởng. Tôi thắc mắc là tại sao khi NLĐ đóng BHXH vượt số năm theo quy định thì vẫn trừ tỉ lệ 2% mỗi năm do không đủ tuổi nghỉ hưu. Do đó tôi đồng tình với ý kiến không trừ tỉ lệ hưởng lương hưu đối với những người đã đủ số năm đóng BHXH theo quy định mà thiếu tuổi khi nghỉ hưu. Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Kim Bính, đề nghị nên cho phép NLĐ hoán đổi: thừa mỗi năm đóng BHXH được nghỉ hưu sớm 1 năm không trừ %.
Những ngành công nghiệp nặng độc hại có thể giải quyết cho NLĐ nhận trợ cấp 1 lần
Thẳng thắn hơn, bạn đọc có nickname Thanhha78 thì cho rằng khi nào giảm được giờ làm việc thì hãy nói đến tăng tuổi hưu. Đời người như một hằng số, tuổi thọ lao động cũng vậy. Giảm giờ làm phải đi trước khoảng 10-15 năm thì mới nói chuyện bắt đầu tăng tuổi hưu được. Bạn đọc Nguyễn Thị Hằng thì đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay. "Sau 55 tuổi với nữ, 60 tuổi với nam ai có nhu cầu thì đi làm việc khác, còn tôi sẽ trông cháu cho con đi làm, cũng là vẫn tham gia lao động mà còn tốt cho con cho cháu" – bạn đọc này viết.
Cùng góc nhìn, bạn đọc Nguyễn Thanh Cũng kiến nghị chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu cho những người đóng BHXH từ năm 2020 vì sức khỏe của NLĐ trước đây trải qua thời gian bao cấp không được chăm sóc đầy đủ nên khó đảm bảo sức khỏe để làm việc có hiệu quả. Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Thế Dũng lại cho rằng nên giảm tuổi nghỉ hưu cùa NLĐ (Nam 55, nữ 50) vì khi NLĐ bị thải hồi mà số năm đóng bảo hiểm vẫn còn để nghỉ hưu lúc đó đời sống rất khó khăn.
Bạn đọc Báo Người Lao Động đề nghị Quốc hội chỉ tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động khối làm việc văn phòng, riêng đối tượng làm việc trực tiếp thì giữ nguyên như hiện hành.
Bạn đọc Lê Văn Như thì góp ý: "Đề nghị Quốc hội tăng tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ khối làm việc văn phòng và làm công tác quản lý các đối tượng làm việc trực tiếp thì giữ nguyên như hiện hành". Theo bạn Vũ Pha Lê, các nước công nghệ tiên tiến, họ làm việc toàn bộ tự động hóa. Ở họ một người có thể làm việc thay cho 20 đến 30 người Việt nam, còn ở Việt nam, công nghiệp lạc hậu. "Theo tôi những ngành công nghiệp nặng độc hại có thể giải quyết cho họ nhận bảo hiểm một lần, nếu họ có yêu cầu" – bạn đọc này đề xuất.
Bình luận (0)