Theo tôi, suy nghĩ của đại bộ phận CN là có cơ sở. Ở nước ta, nhân công rẻ được xem là lợi thế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, điều này cũng khiến NLĐ phải đánh đổi nhiều thứ, chẳng hạn mức lương thấp, môi trường và điều kiện làm việc kém, từ đó phát sinh bệnh tật. Các đợt khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ ra do thu nhập không đủ sống nên CN phải nai lưng làm thêm và điều này càng khiến sức khỏe thêm suy kiệt, khó trụ lại lâu dài với nghề. Tuổi cao thì năng suất lao động kém và NLĐ phải đối diện với nguy cơ bị sa thải. Tuổi thọ tăng nhưng sức khỏe kém, nếu tăng tuổi nghỉ hưu, liệu NLĐ có cơ hội nhận được lương hưu?
Phần đông công nhân không muốn tăng tuổi nghỉ hưu Ảnh: AN CHI
Vì lẽ đó, tôi rất tán thành ý kiến hết sức tâm huyết của ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khi đề nghị nên giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại, vì đa số CN là lao động chân tay. Đặc biệt, đối với lao động nữ trong các ngành cạo mủ cao su, dệt may, da giày, thủy sản, hầm lò..., rất nhiều người không thể nào làm đến 60 tuổi để có được sổ hưu. Việc tăng tuổi nghỉ hưu buộc họ chọn cách nhận BHXH một lần, dù vẫn mong muốn được hưởng hưu khi hết tuổi lao động.
Mỗi đại biểu Quốc hội khi bấm nút thông qua xin hãy đặt mình vào vị trí của NLĐ, hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả và cả mong ước của họ. Tôi đề nghị Quốc hội nên giữ nguyên quy định về tuổi nghỉ hưu như hiện nay (55 với nữ, 60 với nam) và thực hiện đúng quy định tại khoản 3, điều 187 Bộ Luật Lao động hiện hành: Chỉ tăng tuổi nghỉ hưu cao hơn không quá 5 năm đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác.
Bình luận (0)