Nhiều năm trở lại đây, mỗi năm có trên dưới 100.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Với những thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc thì thời gian làm việc theo hợp đồng phổ biến từ 3 - 5 năm. Vì vậy, mỗi năm, số lượng lao động về nước cũng khá lớn. Họ sẽ làm gì để xây dựng sự nghiệp của mình với ngần ấy năm kinh nghiệm ở xứ người?
Nền móng cho sự nghiệp
Sau khi tốt nghiệp THPT tại Vĩnh Long, anh Nguyễn Hải Quỳnh (25 tuổi, ngụ TP HCM) quyết định lựa chọn Nhật Bản để du học. Trước quyết định lớn nhất trong cuộc đời, Quỳnh phải tham khảo nhiều nơi, nhiều nguồn và cả những người đi trước để thuyết phục ba mẹ ủng hộ.
Sau gần 1 năm trau dồi tiếng Nhật và hoàn tất hồ sơ đăng ký nhập học tại một trường đại học thuộc TP Shunan, tỉnh Yamaguchi - Nhật Bản, tháng 3-2016, Quỳnh đặt chân đến xứ sở hoa anh đào. Quỳnh cho biết dù đã chuẩn bị khá kỹ nhưng khi đến Nhật, anh vẫn bị hụt hẫng về ngôn ngữ bởi nước này có nhiều vùng miền với những phương ngữ riêng, còn những gì được học lại là tiếng phổ thông. "Ngoài ra, vấn đề ăn uống, thời tiết, lối sống..., tôi cũng gặp không ít khó khăn. Không chỉ riêng tôi, đây cũng là rào cản chung của du học sinh khi đến Nhật" - Quỳnh cho biết.
Sau hơn 5 năm xa quê hương, tháng 3-2022, Quỳnh trở về Việt Nam với tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành ngôn ngữ học. Hiện anh là giảng viên thỉnh giảng cho một số trường đại học và trung tâm Nhật ngữ với mức thu nhập từ 30-40 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập khá tốt cộng với môi trường làm việc khá chủ động và làm đúng công việc mình yêu thích đã chứng minh quyết định đầu đời của Quỳnh hoàn toàn đúng đắn. Quỳnh khuyên các bạn trẻ hãy mạnh dạn theo đuổi đam mê phù hợp với khả năng và hãy quay về xây dựng sự nghiệp tại quê hương bởi "chẳng đâu bằng ở quê nhà".
Anh Nguyễn Hải Quỳnh đang đứng lớp tại một trung tâm Nhật ngữ
Cũng với phương châm đi để trở về xây dựng sự nghiệp, anh Dương Hải Đức (38 tuổi, quê Hà Nội), giám đốc một công ty du lịch trên địa bàn quận Phú Nhuận (TP HCM), cho rằng những năm tháng ở nước ngoài chính là hành trang tốt nhất cho những gì anh đang có tại Việt Nam. Với định hướng theo ngành dịch vụ du lịch, khách sạn, anh Đức đã chọn Thụy Sĩ để học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tế và cải thiện khả năng ngoại ngữ. "Trong quá trình học tập và chuẩn bị tốt nghiệp, tôi được đề nghị ở lại Thụy Sĩ làm việc nhưng tôi đã từ chối và quyết định trở về quê hương lập nghiệp bởi tôi nhìn thấy tiềm năng của ngành này" - anh Đức cho biết. Kiến thức, kinh nghiệm và khả năng quản trị chuyên nghiệp đã giúp công ty du lịch của anh Đức ngày một phát triển, đứng vững trên thị trường dù ngành đã phải trải qua 2 năm sóng gió vì đại dịch. Theo anh Đức, nếu không có sự chuẩn bị tốt, không được học hành bài bản từ châu Âu thì có lẽ công ty của anh đã không thể vượt qua đại dịch.
Nỗ lực hoàn thiện bản thân
Là một thực tập sinh (TTS) về nước khởi nghiệp thành công, anh Nguyễn Ngọc Trung, Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Điện tử chính xác Okutomi - Nguyễn (huyện Củ Chi, TP HCM), cho biết hiện công ty đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục TTS về nước.
Vị giám đốc trẻ tuổi này đã thu hút và xây dựng được đội ngũ nhân sự giỏi về kỹ thuật cơ khí chính xác vào công ty mình làm thông qua các mối quan hệ với các nghiệp đoàn từ Nhật Bản. Đều từng làm việc tại Nhật Bản, học được cách làm việc của người Nhật và được rèn luyện mọi kỹ năng quan trọng để trở thành những thợ cơ khí chính xác bằng công nghệ cao, công ty của anh Trung đã tạo được chỗ đứng khi liên tục nhận được đơn hàng từ các đối tác Nhật và các công ty Nhật Bản tại Việt Nam. "TTS đến với chúng tôi đều là những người làm trong ngành nên khi bắt tay vào công việc, gần như chúng tôi chẳng gặp khó khăn gì. Năng suất lao động ở công ty là khá cao so với mặt bằng chung hiện tại nhờ đội ngũ nhân lực được rèn luyện từ Nhật trở về. Trong tương lai khi mở rộng sản xuất, chúng tôi vẫn tiếp tục tin tưởng những TTS về nước bởi đây là nguồn nhân lực chất lượng cao" - anh Trung nhấn mạnh.
TS Tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp 4.0 Jobway, nhận định việc quyết định ra nước ngoài học tập, làm việc sẽ mang lại nhiều giá trị và trải nghiệm mới mẻ hơn cho lao động trẻ. Ở góc độ rộng hơn, nguồn nhân lực này sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhân lực chất lượng cao tại thị trường lao động trong nước. TS An phân tích khi đến một môi trường hoàn toàn mới, lao động trẻ cần sự nỗ lực nhiều hơn để hoàn thiện và thích ứng của bản thân. Đó vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Hành trang cho việc TTS ở nước ngoài giống như một chiếc balô, trong đó 2 chiếc quai đeo sẽ là kỹ năng sống và vốn ngoại ngữ. Hành lý mang theo bên trong balô là kỹ năng nghề, kiến thức về lĩnh vực đang theo đuổi. "Vậy nên TTS cần có sự chuẩn bị vững vàng về tâm lý và kỹ năng, tìm hiểu thấu đáo những thuận lợi và khó khăn đang chờ đợi mình ở nơi sinh sống, làm việc phía trước thì mới có thể gặt hái thành công" - TS An nói.
Cơ hội trải nghiệm, học hỏi
Ông Trần Anh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực (Pitsco) tại TP HCM, cho rằng có sự dịch chuyển trong lựa chọn cho sự nghiệp của các lao động trẻ thời gian gần đây. Ở trong nước, xu hướng học nghề thay vì vào cao đẳng, đại học cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Vài năm gần đây, nhiều bạn trẻ chọn ra nước ngoài vừa học vừa làm để chuẩn bị cho sự nghiệp về sau đang có chiều hướng tăng. "Thay vì mất nhiều tiền để học trong nước thì chỉ cần một khoản chi phí không lớn, lao động trẻ đã có thể ra nước ngoài vừa học vừa làm tích lũy kiến thức, kỹ năng và tài chính để về nước khởi nghiệp. Đó là hướng đi mới của những người trẻ. Họ muốn trải nghiệm, học hỏi và san sẻ gánh nặng tài chính với gia đình và mở con đường tự lập của họ trong tương lai" - ông Thanh nhấn mạnh.
Bình luận (0)