Mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, thu nhập giảm hoặc không có thu nhập, đời sống khó khăn... là tình cảnh của một lực lượng không nhỏ người lao động (NLĐ) thủ đô trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Với quyết tâm không để NLĐ nào bị bỏ lại, TP Hà Nội đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tạo giá đỡ an sinh xã hội, hỗ trợ NLĐ vượt khó.
Đến tận nhà, trao tận tay
Mới đây, anh Nguyễn Triệu Long (ngụ phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng) vô cùng bất ngờ khi được cán bộ phường và tổ trưởng tổ dân phố đến tận nhà trao số tiền hỗ trợ khó khăn là 1,5 triệu đồng. Nhận số tiền, anh Long xúc động tâm sự: "Đang trong thời gian giãn cách xã hội mà được chính quyền tới tận nhà trao hỗ trợ thế này, tôi thật xúc động. Giá trị vật chất đã quý, giá trị tinh thần lại quý hơn nhiều".
Anh Long vốn kinh doanh ăn uống tại chợ Quỳnh Mai nhưng đã phải đóng cửa hàng để thực hiện quy định giãn cách, phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của TP Hà Nội từ hơn 1 tháng nay. Trước đó, việc buôn bán cầm chừng bởi cửa hàng của anh chỉ được bán mang về. "Tiền thuê cửa hàng vẫn phải trả mà thu nhập không có, cuộc sống gia đình tôi vô cùng khó khăn. Sự hỗ trợ của các cấp chính quyền thành phố thật kịp thời, đúng lúc, giúp gia đình tôi có thêm chi phí trang trải sinh hoạt trong thời gian nghỉ việc để chống dịch" - anh Long nói.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội (bìa trái) trao hỗ trợ cho lao động tự do trên địa bàn quận Hoàn Kiếm
Cũng như anh Long, nhiều tháng nay, cuộc sống của chị Đỗ Thị My (lao động tự do ở tổ dân phố 13, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. "Từ khi phải tạm dừng công việc bán hàng nước, gia đình tôi mất nguồn thu nhập, cuộc sống của 3 thành viên vốn đã khó khăn càng thêm khó khăn. Thật xúc động khi trong lúc khó khăn như thế này, chúng tôi được nhận khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng của thành phố. Có thể với nhiều người, số tiền này không lớn nhưng với chúng tôi - những NLĐ tự do, đây là một khoản tiền rất có ý nghĩa, giúp trang trải cuộc sống trong những ngày khó khăn" - chị My chia sẻ.
Anh Long, chị My là 2 trong số hàng triệu lao động khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội được thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh của thành phố. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh, với tinh thần vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, TP Hà Nội đã đẩy nhanh việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội dành cho NLĐ. Mục tiêu xuyên suốt của việc triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là phải bảo đảm đúng người, đúng đối tượng, không trùng lặp và tránh bỏ sót. Do đang thực hiện giãn cách xã hội nên các địa phương lựa chọn hình thức triển khai linh hoạt, phù hợp để hỗ trợ kịp thời cho NLĐ, đồng thời bảo đảm các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Đến thời điểm này, toàn thành phố đã có hơn 1,5 triệu NLĐ được tiếp cận, thụ hưởng chính sách, nguồn lực hỗ trợ với kinh phí hơn 200 tỉ đồng, trong đó có hàng chục ngàn người đã nhận hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt.
Nhiều mô hình chăm lo thiết thực
TP Hà Nội còn bổ sung các chính sách đặc thù khác nhằm hỗ trợ cấp bách cho các trường hợp khó khăn với số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng. Đó là việc trao quà, tặng tiền mặt cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, xây dựng mô hình "Chợ 0 đồng", tổ chức các chuyến "Xe buýt siêu thị 0 đồng" tại nhiều địa điểm... Cùng với đó, các ngành, đơn vị, địa phương tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ lao động ngoại tỉnh. Đơn cử như Sở LĐ-TB-XH TP Hà Nội đã huy động nguồn xã hội hóa để trao 863 suất quà với tổng kinh phí gần 259 triệu đồng cho NLĐ ngoại tỉnh khó khăn cư trú tại quận Hoàn Kiếm. Ngoài các chương trình, hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội đã và đang triển khai, mới đây, HĐND TP Hà Nội ban hành thêm 3 nghị quyết đặc thù hỗ trợ các trường hợp ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên địa bàn với kinh phí hàng trăm tỉ đồng; đồng thời, thống nhất với đề xuất của UBND thành phố bổ sung nguồn vốn ngân sách thành phố năm 2021, ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội để cho vay đối với NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền 500 tỉ đồng.
Từ ngày 27-4 đến nay, các cấp Công đoàn TP Hà Nội đã chăm lo, hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu và ủng hộ "Quỹ vắc-xin" và "Quỹ phòng chống dịch Covid-19" của thành phố... với tổng số tiền hơn 37,7 tỉ đồng; vận động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là NLĐ trong các khu cách ly tập trung..., với tổng số tiền hơn 91,7 tỉ đồng.
Đa dạng hình thức hỗ trợ
Sở LĐ-TB-XH tỉnh Khánh Hòa cho biết theo thống kê, số lượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 60.202 người. Qua rà soát, đến nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ cho 20.091 người, với tổng kinh phí hơn 30 tỉ đồng. Số lao động tự do còn lại đã trình UBND cấp huyện 9.314 hồ sơ, cấp xã đã tiếp nhận 30.797 hồ sơ. Ngoài ra, UBND tỉnh dự kiến sẽ hỗ trợ 2.448 lao động diện F0 và 4.852 lao động diện F1, với kinh phí dự kiến khoảng 9 tỉ đồng; gần 400 lao động thuộc diện tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, mang thai, nuôi con nhỏ cũng sẽ được hỗ trợ hơn 739 triệu đồng.
. Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương ngày 21-8 cho biết đến nay, tổng số trường hợp được chi hỗ trợ theo Nghị quyết 68 là 162.296 hồ sơ với số tiền trên 194 tỉ đồng. Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đã thực hiện cho 14.364 đơn vị với tổng số tiền gần 406 tỉ đồng. Tỉnh cũng đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho 42.781 NLĐ với số tiền hơn 12,8 tỉ đồng (300.000 đồng/người); hỗ trợ cho 107.324 trường hợp NLĐ là F0, F1, F2 với số tiền 75,3 tỉ đồng.
K.Nam - N.Tú
Bình luận (0)