Thống kê của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân mới đây cho thấy những địa phương có tỉ lệ lao động không có việc làm cao nhất là ở các tỉnh, thành: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng (đều trên 30%). Trong đó, có nhiều người là quản lý với hàng chục năm kinh nghiệm đã gặp không ít khó khăn, e ngại khi tìm việc mới.
Tưởng dễ nhưng lại khó
Hơn 20 năm sau khi ra trường, chị Trần Thị Hạnh (44 tuổi, quê Nghệ An) lần đầu tiên chính thức đi tìm việc. Tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, chị được giới thiệu vào làm phóng viên tại một tạp chí ở Hà Nội. Sau thời gian dài theo đuổi nghề báo, 2 năm trước, chị Hạnh nhận lời mời làm trưởng phòng truyền thông cho một tập đoàn bất động sản ở TP HCM, cùng mức lương gần 50 triệu đồng/tháng.
Người lao động chủ động tham gia các khóa học cập nhật kỹ năng để gia tăng cơ hội việc làm
Tháng 10-2022, tập đoàn gặp khó khăn, phòng truyền thông bị giải thể, chị Hạnh rơi vào cảnh thất nghiệp. Khi chuẩn bị tìm việc mới, chị mới nhận ra bản thân chưa từng có kinh nghiệm trình bày hồ sơ ứng tuyển (CV). Hoang mang suốt nhiều ngày, chị phải tìm đến sự trợ giúp từ một đồng nghiệp cũ.
Nhờ thế, chị được hướng dẫn cách sử dụng mẫu thiết kế CV phù hợp, lựa chọn ảnh đại diện, bố cục trình bày thu hút nhà tuyển dụng. "Hồ sơ truyền thống thường là bản cứng, gồm các giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ được công chứng. Còn nay, ứng viên chỉ cần chỉnh sửa, hoàn thiện CV rồi gửi qua mạng. Tưởng dễ nhưng lại khó với một người lần đầu tiên biết đến như tôi" - chị Hạnh bày tỏ.
Trong khi đó, chị Lê Thị An (40 tuổi, quê Hà Tĩnh) đang học cách sử dụng mạng xã hội để tìm cơ hội. Chị An làm kế toán trưởng tại một cơ quan nhà nước trước khi nhận quyết định chấm dứt hợp đồng lao động 3 năm trước. Sau thời gian nghỉ ở nhà, chị muốn thử thách bản thân bằng việc nộp CV vào công ty tư nhân, song mọi việc không dễ dàng.
Lần ứng tuyển việc làm duy nhất cách đây 17 năm. Vậy nên, khi trở lại thị trường lao động, chị loay hoay không biết bắt đầu từ đâu. Sau khi dò dẫm trên mạng xã hội, chị học cách tạo tài khoản trên các trang tìm việc như Careerbuilder, TopCV, LinkedIn… Đồng thời, chị cũng tích cực cập nhật hồ sơ để nâng cao tỉ lệ được nhà tuyển dụng tìm thấy.
Có kế hoạch rõ ràng
Sự phổ biến của công nghệ đã góp phần làm thay đổi cách thức tuyển dụng, nhờ đó doanh nghiệp (DN) và ứng viên có thể dễ dàng tìm thấy nhau. Năm 2019, Google ra mắt tính năng tìm kiếm công việc, lấy dữ liệu từ hơn 100 website việc làm. Người dùng chỉ cần gõ cụm từ liên quan trên Google là có thể xem vị trí, mức lương, công ty, địa điểm…
Bà Đào Hạnh Giang, đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Build Talents (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết quy trình tuyển dụng đang dần cạnh tranh và sáng tạo hơn. Những yếu tố như thương hiệu nhà tuyển dụng, tìm hiểu về nhóm ứng viên tiềm năng… ngày càng được quan tâm. Bên cạnh đó, quá trình nộp CV cũng đơn giản và nhanh chóng.
Tuy nhiên, điều này dẫn tới tỉ lệ ứng viên cạnh tranh cùng một vị trí khá cao. Khi đặt cạnh các ứng viên trẻ tuổi năng động, nhạy bén, nhiều ứng viên lớn tuổi có thể bị "lép vế", dù có nhiều năm kinh nghiệm. "Đối với nhóm ứng viên lớn tuổi, mức lương cũng là một rào cản, nhất là trong thời điểm các DN chủ trương giảm thiểu chi phí như hiện nay. Có trường hợp từ thu nhập 85 triệu đồng/tháng đã chấp nhận mức lương chưa bằng 50% để có việc làm" - bà Giang nói.
Để tạo lợi thế cạnh tranh khi tìm việc, ông Bùi Đoàn Chung, sáng lập và điều hành nghề nhân sự Việt Nam (cộng đồng kết nối nhân sự, gần 50.000 thành viên), cho rằng trong CV ứng viên lớn tuổi cần nêu bật các thành tựu thay vì chỉ liệt kê những công việc đã làm. Ngoài ra, gửi kèm thư ứng tuyển, thư giới thiệu từ công ty cũ xác nhận về năng lực làm việc, cũng là một điểm cộng.
Trong quá trình phỏng vấn, cần thể hiện rõ khả năng làm việc chuyên nghiệp, sự trưởng thành về mặt cảm xúc. "Thêm vào đó là rèn luyện sự tự tin cùng năng lực thích nghi với công việc mới nhanh chóng. Gạt bỏ sự e ngại, có kế hoạch rõ ràng và luôn ở trong tâm thế chủ động, sẵn sàng chinh phục thử thách mới là điều quan trọng" - ông Chung nhấn mạnh.
44% kỹ năng của người lao động cần cập nhật
Khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về tương lai việc làm được công bố tháng 5-2023, tại 45 nền kinh tế (gồm Việt Nam) có 44% kỹ năng của người lao động phải được cập nhật trong 5 năm tới. Trong đó, những kỹ năng được DN ưu tiên lần lượt là: Tư duy phân tích, tư duy sáng tạo, kiến thức công nghệ, tò mò và học tập suốt đời.
Bình luận (0)