Có quyết định nghỉ hưu từ giữa năm 2022 nhưng bà Nguyễn Thị Thu Trang, công nhân (CN) đứng máy dệt Công ty CP Dệt may Liên Phương (TP Thủ Đức, TP HCM), vẫn được ban giám đốc vận động ở lại tiếp tục làm việc. Đây là chính sách trọng dụng lao động có kinh nghiệm và năng lực của công ty. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) lại tìm cách cho người lao động (NLĐ) lớn tuổi thôi việc.
Doanh nghiệp tin tưởng
Bà Trang cho biết đã làm việc ở Công ty CP Dệt may Liên Phương hơn 30 năm. Tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn có thể đứng 8 máy dệt để xử lý các tình huống khi có sự cố. Khi gần đến ngày có quyết định nghỉ hưu, bà cũng chuẩn bị vài phương án cho mình, trong đó có cả kế hoạch ở nhà giữ cháu. Song, ban giám đốc và Công đoàn công ty đã vận động bà tiếp tục ở lại làm việc.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Nhàn, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt may Liên Phương, DN đang sử dụng 7 NLĐ đã có quyết định nghỉ hưu. Bởi lẽ, ngành dệt may hiện khó tuyển được lao động có kinh nghiệm, khi tuyển được cũng khó giữ người vì họ hay nhảy việc. "Vì thế, sử dụng lao động đã nghỉ hưu được ban giám đốc lựa chọn là một phương án. Họ không chỉ có tay nghề cao, làm việc hiệu quả mà còn đảm nhận việc kèm cặp những CN mới" - bà Nhàn cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, công nhân Công ty CP Dệt may Liên Phương, vẫn tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu
Ở Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Tiến Lộc (quận 1, TP HCM), ông Lâm Quốc Việt được tập thể NLĐ quý mến và bầu làm Chủ tịch Công đoàn suốt 4 nhiệm kỳ liền. Dù đã có quyết định nghỉ hưu cách đây 8 năm nhưng ông vẫn được công ty tin tưởng ký hợp đồng với vị trí quản lý sản xuất. Ông Việt không chỉ phụ trách đoàn thể mà còn giúp công ty đào tạo tay nghề, bậc thợ cho NLĐ; tư vấn cho ban giám đốc xây nhà lưu trú cho 15 gia đình CN ở TP Thủ Đức, bố trí đất để các gia đình trồng rau, cây ăn trái, nuôi cá, gà để cải thiện bữa ăn. Việc làm này đã giúp DN ổn định được nguồn lao động.
Bà Lã Thị Lan, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Tiến Lộc, nhận xét: "Có anh Việt, ban giám đốc rất an tâm về các hoạt động đoàn thể, chăm lo cho NLĐ. Sự chín chắn của anh đã giúp DN giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong CN một cách hài hòa, ổn thỏa. Không chỉ ban giám đốc mà toàn thể CN cũng đều rất quý anh Việt".
Không để lãng phí
Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số. Dự báo đến năm 2030, tỉ lệ người cao tuổi chiếm 18% và năm 2050 là 26%.
Hiện NLĐ cao tuổi tiếp tục làm việc chiếm tỉ lệ cao. Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2022 cho thấy có 60% người trong độ tuổi 60-69 đang tiếp tục làm việc, phục vụ xã hội.
Nhiều chuyên gia đánh giá việc người đã nghỉ hưu vẫn tham gia lao động mang lại những lợi ích không nhỏ đối với chủ sử dụng lao động. Họ có tay nghề thành thạo, không phải mất thời gian đào tạo như lao động mới tuyển. Mặt khác, lao động đến tuổi nghỉ hưu còn có những ưu thế riêng, nhất là sự tích lũy kinh nghiệm làm việc. Duy trì việc làm cho người ở tuổi hưu cũng đang được nhiều nước thực hiện.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng nhiều người cao tuổi có kiến thức, kinh nghiệm - trong đó không ít người là chuyên gia, NLĐ trình độ cao của các ngành, lĩnh vực - còn sức khỏe, có nguyện vọng tiếp tục làm việc để có thêm thu nhập. Họ chưa muốn nghỉ ngơi, phụ thuộc vào con cái mà muốn có cuộc sống chủ động, tích cực, tham gia công việc gia đình, xã hội. NLĐ lớn tuổi tăng nhanh không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam.
Theo ông Quảng, với việc giữ người lớn tuổi tiếp tục làm việc, DN có thể giảm bớt chi phí đào tạo và tuyển dụng. Cho phép người lớn tuổi tiếp tục làm việc sẽ tránh lãng phí nguồn lao động có trình độ và kinh nghiệm, ổn định nguồn nhân lực trong khi lao động trẻ có xu hướng thích thay đổi công việc.
"Việt Nam cần thực hiện chính sách thời gian làm việc linh động, cho phép người đến tuổi nghỉ hưu vẫn có thể làm việc với hình thức bán thời gian và mức lương được trả tương xứng năng suất lao động" - ông Quảng nhìn nhận.
Dễ tổn thương
Theo khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, 81% người cao tuổi có việc làm dễ bị tổn thương (lao động tự làm và lao động hộ gia đình), 91,8% lao động ở khu vực phi chính thức, hơn 1/2 làm việc với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của người cao tuổi làm công hưởng lương là 3,7 triệu đồng/tháng. Tỉ lệ người cao tuổi hưởng lương hưu chiếm 15%; có 38% người cao tuổi nhận hỗ trợ của con cháu và chỉ 29% có thu nhập từ việc làm hiện tại.
Bình luận (0)