“Đến nay, chúng tôi đã thành lập 6 Công đoàn (CĐ) cơ sở theo quy trình từ dưới lên. Trong đó, có 2 đơn vị ở nơi mà chủ doanh nghiệp (DN) từng thẳng thừng tuyên bố chỉ thành lập CĐ nếu đơn vị của họ là DN cuối cùng không có CĐ. Thông qua hoạt động tuyên truyền và chăm lo, chủ DN đã nhận ra được vai trò của CĐ và chủ động hợp tác, thay vì đối đầu”. Bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch CĐ Khu Kinh tế (KKT) Hải Phòng, cho biết như vậy tại hội thảo chia sẻ những thực tiễn tốt và bài học kinh nghiệm từ hoạt động thí điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam về phát triển CĐ và quan hệ lao động, tổ chức sáng 24-9 ở TP HCM.
Khéo léo, nhẫn nại
Hội thảo có sự tham dự của các cán bộ CĐ 9 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm thành lập CĐ theo điều 17 Điều lệ CĐ Việt Nam và tổ chức thương lượng tập thể. Chương trình được Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai từ cuối năm 2010 với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam.
Bà Hằng cho biết giai đoạn đầu, khi chọn Công ty Sumirubber (KCN Nomura) để thí điểm, đội ngũ cán bộ CĐ chuyên trách đã gặp không ít trở ngại bởi ngay từ đầu, chủ DN cho rằng tổ chức CĐ sẽ “đối kháng” với DN. Sau nhiều lần được kiên trì thuyết phục, DN mới cho phép cán bộ CĐ KKT vào xưởng để tiếp cận và vận động công nhân (CN). Thế nhưng, khó khăn vẫn chưa hết khi toàn bộ 130 CN được khảo sát ý kiến đều từ chối vào CĐ với lý do... CĐ không bảo vệ được họ và sẽ bị DN cắt các khoản phúc lợi như thăm hỏi, hiếu hỷ…
Không chùn bước, CĐ KKT Hải Phòng thay đổi cách tiếp cận bằng việc xuống tận nhà trọ gặp gỡ CN, đồng thời lập các nhóm CN có chung chí hướng để trao đổi về những mối quan tâm chung, về quyền lợi của người lao động (NLĐ) tại DN... Gần 1 năm kiên trì, CĐ KKT Hải Phòng mới thành lập được nhóm CN nòng cốt để tuyên truyền, vận động các CN khác vào CĐ. Nhờ vậy, ở lần khảo sát thứ hai, có 323/329 CN muốn tham gia CĐ.
“Thực tế, làm theo phương pháp mới, chúng tôi đã gặp rất nhiều trở ngại, có DN còn thuê cả chuyên gia tư vấn để đối phó. Bài học kinh nghiệm lớn nhất chúng tôi rút ra được là phải kiên trì, không được nản chí. Tùy tình hình mà chúng tôi có cách tiếp cận NLĐ. Quan trọng là phải tạo điều kiện cho NLĐ nói lên tiếng nói của mình, để họ tham gia các hoạt động của CĐ dù DN chưa có CĐ” - bà Hằng đúc kết.
Cũng nhờ linh hoạt thay đổi cách tiếp cận NLĐ mà LĐLĐ TP HCM đã thành lập được 4 CĐ cơ sở theo phương pháp này. Theo ông Nguyễn Hoàng Hà, cán bộ ILO Việt Nam, sự tham gia tích cực của NLĐ vào quá trình thành lập CĐ đã tạo nên sức mạnh trong đối thoại và thương lượng tập thể.
Tìm tiếng nói chung
Thương lượng tập thể cũng là nội dung quan trọng được Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai thí điểm bởi nó là tiền đề tạo sức mạnh và nâng cao uy tín của tổ chức CĐ. Việc 9 DN ngành may ở tỉnh Bình Dương tạo được thỏa thuận chung về lương chính là một bước đột phá.
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết năm 2011, qua khảo sát, CĐ các KCN nhận thấy nhiều DN ngành may có những điểm tương đồng, đó là liên kết với nhau trong hoạch định chính sách tiền lương, phúc lợi. Để tạo sự liên kết giữa các CĐ cơ sở, CĐ các KCN quyết định thí điểm thương lượng tập thể về tiền lương trong nhóm 9 DN này.
Sau thời gian dài khảo sát ý kiến NLĐ và liên hệ các DN, tháng 9-2011, cuộc thương lượng tập thể đầu tiên diễn ra nhưng không đem lại kết quả. Cuộc thương lượng kế tiếp vẫn bế tắc do không tìm được tiếng nói chung, CN tại một số DN ngừng việc tập thể buộc các DN điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) theo điều kiện của mình.
“Rút kinh nghiệm, năm 2012, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các CĐ cơ sở, thống nhất kế hoạch và tiến hành thương lượng tại từng DN. Nhờ vậy, tháng 12-2012, các CĐ cơ sở đồng loạt đề xuất mức điều chỉnh LTT lên 300.000 đồng. Riêng Công ty Esprinta Triumph tăng 400.000 đồng do LTT trước đó thấp hơn. Mức đề xuất này nhận được sự đồng thuận từ DN” - bà Hạnh cho biết. Sau điều chỉnh, mức LTT của NLĐ cao hơn quy định vào thời điểm đó khoảng 500.000 đồng/người/tháng. Điều này khiến NLĐ rất hài lòng.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Hoạt động CĐ thực chất hơn
Pháp luật lao động và CĐ Việt Nam đã có nhiều thay đổi, đề cao vai trò chủ động của NLĐ khi tham gia thành lập CĐ và thương lượng tập thể. Thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp thí điểm phát triển đoàn viên theo hướng để NLĐ tự thành lập và bước đầu thành công, cách làm này sẽ bảo đảm hoạt động CĐ hiệu quả hơn. Việc thương lượng cũng được tiến hành thí điểm tại cơ sở theo hướng thực chất hơn, xuất phát từ những yêu cầu của NLĐ.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng thí điểm chương trình CĐ cấp trên cơ sở đại diện cho NLĐ ở DN chưa có CĐ thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Dù khó nhưng đã có nơi làm được. Điều đó cho thấy tổ chức CĐ đang đổi mới theo hướng phù hợp hơn với NLĐ.
Bình luận (0)