Ghé xóm trọ đường số 9, khu phố 5, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP HCM khi trời vừa chập choạng tối, chúng tôi thấy nhiều phòng vẫn cửa đóng then cài. Khi chúng tôi hỏi thăm, bà Lê Thị Thanh Hoa, chủ nhà trọ, cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ gần Tết là tụi nhỏ xin tăng ca; đứa nào không tăng ca thì tranh thủ kiếm việc làm thêm để có thêm tiền tiêu Tết, thấy thương lắm! Xóm này có 80 công nhân (CN) thì hơn 20 đứa làm thêm ở ngoài”.
Nặng lòng với người thân
Ghé vào một phòng trọ sáng đèn hiếm hoi tại đây, chúng tôi bắt gặp 2 nữ CN Hoàng Thị Hà và Vũ Thanh Huyền, Công ty Sung Shin Việt Nam (KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP HCM), đang cặm cụi kết hoa vải. Dưới ánh đèn, đôi bàn tay của họ cứ thoăn thoắt, những sản phẩm cứ thế thành hình.
Từ nhiều tháng nay, ngoài giờ làm ở công ty, cả hai nhận đan len bỏ mối cho các shop. Những ngày Tết, họ nhận kết hoa mai, hoa đào vải để cải thiện thu nhập. Thời gian đầu, do chưa quen tay nên sản phẩm làm ra không nhiều, thu nhập cũng không được là bao. Thế nhưng, khi đã rành rẽ, mỗi ngày họ có thể kết 1 kg hoa. “Tiền công đại lý trả là 20.000 đồng/kg, tuy không nhiều nhưng cũng giúp tụi em có thêm chút tiền để mua quà cho người thân khi về thăm quê” - Hà kể.
Rời xóm trọ của Hà và Huyền, chúng tôi ghé nhà trọ của chị Trần Thị Hòa, CN Công ty Giày Trường Lợi (KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM), ở hẻm 868 Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM. Nhiều năm nay, Hòa có thêm nghề tay trái là cắt - uốn tóc và làm móng tay cho bà con trong khu ở trọ. Vừa tan ca về, thấy có khách đang đợi trước cửa phòng trọ, chị bắt tay ngay vào việc mà không kịp nghỉ ngơi. Cắt tóc, gội đầu cho chị khách lớn tuổi xong, chị chuyển sang làm móng tay cho một cô gái trẻ. Chị tâm sự: “Khách chủ yếu là bà con trong xóm nên tôi lấy công làm lời. Ráng chịu cực một chút để có thêm tiền lo cho 2 đứa nhỏ”. Gần Tết, nhu cầu làm đẹp của khách tăng cao, vì vậy chị cũng kiếm được kha khá. Chị cho biết khoản thu nhập có được từ nghề tay trái sẽ dùng để mua sắm đồ Tết cho 2 cậu con trai ở quê.
Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi
Không chỉ kết hoa, làm tóc, làm móng, những ngày cận Tết, nhiều CN có năng khiếu văn nghệ cũng tất bật chạy sô tất niên, tổng kết, tiệc cưới, liên hoan để kiếm thêm.
Qua giới thiệu của một người bạn, chúng tôi làm quen với chị Nguyễn Thụy Thúy Hằng, CN Công ty Freetrend (KCX Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM). Dù khá mệt mỏi sau giờ tan ca song Hằng vẫn phải tranh thủ trang điểm, vội vã thay chiếc váy cam óng ánh để kịp sô hát cho một đám tiệc tất niên ở một nhà hàng tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đây là công việc Hằng làm thêm hơn 8 năm. Những ngày giáp Tết, Hằng chạy sô bở hơi tai vì tiệc cưới, liên hoan, tất niên... diễn ra liên tục. Vừa kiểm tra lại đĩa nhạc, Hằng vừa tâm sự về công việc và nghề tay trái của mình. Lớn lên tại quận Thủ Đức, TP HCM, khi Hằng đang học lớp 11 thì ba cô mất việc. Đồng lương CN may của mẹ không thể lo cùng lúc cho cả nhà nên Hằng đành nghỉ học để em trai được đến trường. Vào làm CN tại Công ty Freetrend, nhờ giọng ca trời cho nên cô được bạn bè giới thiệu đi hát vào những buổi tối, ngày chủ nhật tại các đám cưới, liên hoan, sinh nhật, phòng trà... “Mỗi tuần, em thường nhận 1-2 sô, khi nào rảnh thì hát ở phòng trà. Mỗi sô em được trả 250.000-300.000 đồng. Tiền ít và phải đầu tư cho quần áo, trang sức, son phấn nên chẳng dư được bao nhiêu. Tranh thủ kiếm thêm và được thỏa ước mong đứng trên sân khấu nên vất vả mấy em vẫn cố gắng chịu đựng” - Hằng kể.
Có hôm cô phải chạy sô cho 2-3 tiệc đám cưới, sinh nhật, đầy tháng. Cuối năm, đám tiệc nhiều nên thu nhập của cô cũng kha khá, có thêm tiền để mua sắm đồ Tết cho con, biếu ba mẹ hai bên ăn Tết”. Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi tiệc bắt đầu. Sau phần giới thiệu, Hằng bước lên sân khấu hát liên tục 2 bài: “Hoa cỏ mùa xuân” và “Thần tài đến”.
Chúng tôi gặp anh Phan Thanh Vũ, một CN đồng thời là tay đàn organ của CLB Văn nghệ Công ty Freetrend. Tranh thủ lúc tiệc chưa bắt đầu, anh Vũ trò chuyện cùng chúng tôi. Sinh ra và lớn lên ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Vũ vào Công ty Freetrend làm việc 6 năm và cũng ngần ấy thời gian anh gắn bó với CLB văn nghệ của công ty. Không chỉ biết đàn, anh còn biết viết kịch bản, diễn kịch nên nghề tay trái cũng khá đắc sô. “Ca sĩ mỗi đêm có thể chạy sô 2-3 chỗ nhưng chơi đàn thì phải ngồi yên một chỗ đến khi tàn tiệc. Nhưng bù lại, mỗi đêm tôi cũng kiếm được 400.000-500.000 đồng. Gần Tết, tiệc nhiều nên việc cũng nhiều, tranh thủ chạy sô chứ qua Tết lại rảnh rỗi” - anh bộc bạch.
Đêm nào cũng phải 21 giờ - 22 giờ mới ra về nhưng anh vui vì có thêm ít tiền để lo cho các con một cái Tết đầm ấm.
Bình luận (0)