Chị Trần Thị Phương Trang (28 tuổi, quê Đồng Tháp) đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở quận 3, TP HCM với mức lương 20 triệu đồng/tháng. Dù mong muốn tìm kiếm một nơi có nhiều cơ hội phát triển hơn, tuy nhiên ở thời điểm này chị không dám nghỉ việc.
Ngại rủi ro
Trong bối cảnh cơ hội việc làm ngày càng ít đi, suy nghĩ của chị Trang là điều dễ hiểu. "Chỉ khi nào tìm được chỗ làm mới phù hợp nguyện vọng thì tôi mới nộp đơn xin nghỉ, bởi nếu không suy nghĩ thấu đáo là rơi vào cảnh thất nghiệp" - chị Trang nói.
Chị Nguyễn Thị Phượng (quê Quảng Bình) ngụ tại TP HCM nhưng đang làm nhân viên hành chính nhân sự cho một công ty nước ngoài có trụ sở tại Long An. Chị Phượng cho biết lắm lúc chị thấy mệt mỏi với quãng đường đi làm hơn 15 km bằng xe máy. Thêm vào đó, khối lượng công việc nhiều và cung cách quản lý của sếp người nước ngoài không phù hợp khiến chị muốn tìm cơ hội khác.
Gửi hồ sơ ứng tuyển nhiều nơi nhưng không nhận được phản hồi, chị tạm gác ý định "nhảy việc". "Tôi không muốn lặp lại quãng thời gian khủng hoảng thất nghiệp hơn 2 năm trước khi nghỉ việc mà chưa có việc mới. Do đó, thời gian này tôi sẽ tập trung vào việc trau dồi kỹ năng ngoại ngữ" - chị Phượng cho biết.
Cơ hội việc làm ít đi khiến người lao động phải hết sức cân nhắc khi thay đổi
Quản lý một công ty chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dụng cho hay quý I hằng năm là thời điểm các công ty đã xác định ngân sách tuyển dụng nên thị trường khá sôi động. Năm 2023, do tình hình kinh tế trầm lắng và ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên cơ hội việc làm khó khăn hơn những năm trước. Chưa kể một lượng lớn nhân sự bị sa thải hoặc hết hạn hợp đồng lao động không được ký tiếp vào cuối năm 2022 đến nay chưa tìm được việc, dẫn tới tình trạng cung lớn hơn cầu. Thực tế này khiến nhiều người lao động sớm từ bỏ ý định "nhảy việc".
Xu hướng nhân sự đa nhiệm
Bà Nguyễn Thị Khánh Huyền, đồng sáng lập mạng lưới kết nối việc làm #MyConnect, nhận xét đa số người lao động (NLĐ) sẽ hạn chế "nhảy việc" hơn trong năm 2023 hoặc họ sẽ tìm công việc phù hợp trước rồi mới nghỉ việc ở công ty cũ để tránh rủi ro.
Theo bà Huyền, năm nay không phải là thời điểm thích hợp cho những nhân sự muốn thử sức ở lĩnh vực mới. Phần lớn các công ty đều chọn lọc hồ sơ thể hiện rõ kinh nghiệm trong đúng lĩnh vực hay vị trí mà doanh nghiệp (DN) đang tìm kiếm. Việc tuyển dụng cũng khắt khe hơn khi DN có nhiều sự lựa chọn, so sánh giữa các ứng viên.
Ông Đào Minh Tân, Giám đốc điều hành Findjobs.vn, thừa nhận dù thị trường lao động năm nay cửa ra khá hẹp, tuy nhiên một số nhóm ngành nghề vẫn có nhu cầu tăng. Điển hình như ngành công nghệ thông tin với các vị trí lập trình viên, quản trị mạng, thiết kế web, trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu đang nhận được sự quan tâm lớn. Bên cạnh đó, nhân sự trong ngành kinh doanh và tài chính, y tế và chăm sóc sức khỏe cũng được săn đón. Dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn đang có nhu cầu tuyển dụng tăng nhờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát và đặc biệt kinh tế du lịch bắt đầu phục hồi.
"Để gia tăng cơ hội việc làm, NLĐ nên trang bị thêm các kiến thức chuyên sâu, khả năng đa nhiệm để có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau. Đây cũng chính là xu hướng tuyển dụng giữa bối cảnh DN có khuynh hướng tái cấu trúc cơ cấu nhân sự, nhằm tối ưu hóa hiệu suất làm việc và tiết kiệm chi phí tuyển dụng mới" - ông Tân lưu ý.
Gần 50% NLĐ chưa có ý định thay đổi công việc
"Khảo sát lương 2023" do Navigos Group công bố cho thấy, NLĐ lựa chọn "Môi trường làm việc" (tỉ lệ 11,21%) và "Lương" (10,55%) là 2 yếu tố hàng đầu để gắn bó với công ty trong năm 2022 đã qua. Các yếu tố xếp sau là "Văn hóa doanh nghiệp" (9,56%); "Sự ổn định hoạt động kinh doanh" (8,05%); "Cơ chế làm việc linh hoạt" (7,27%)... Đáng chú ý, gần một nửa số NLĐ tham gia khảo sát (chiếm 44,28%) "Chưa có ý định thay đổi công việc mới trừ phi tìm thấy cơ hội mới tốt hơn"; "Càng lâu càng tốt" đứng vị trí lựa chọn thứ hai với 16,25%; lựa chọn "Gắn bó với công việc từ 1 - 2 năm" đứng cuối danh sách khảo sát với 6,75%. Rõ ràng, tâm lý muốn chắc chắn và an toàn đang ảnh hưởng đến NLĐ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến chuyển như hiện tại, thời gian gắn bó lâu dài với một công việc của nhân viên được xem là lựa chọn phổ biến.
Bình luận (0)