Là đại biểu có phát biểu gây tranh luận qua lại giữa các đại biểu về cả 2 vấn đề trên, đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam) đã dành cho chúng tôi buổi trao đổi để làm rõ hơn quan điểm của mình từ góc nhìn của người đại diện cho quyền lợi của người lao động (NLĐ).
Ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam
Phóng viên: Trên diễn đàn Quốc hội, ông đã kiến nghị việc lùi thực hiện việc thay đổi cách tính lương cho lao động nữ. Đâu là lý do cho kiến nghị này?
- Ông Ngọ Duy Hiểu: Chính sách đòi hỏi rất cao về sự đồng bộ và công bằng. Tuy nhiên, có một câu chuyện phát sinh từ đổi mới của Luật BHXH chính thức có hiệu lực từ 1-1-2018 này về vấn đề đóng – hưởng, dẫn đến những người về hưu cách nhau một thời điểm rất gần đã có sự chênh lệch về quyền lợi.
Giữa những người cùng về hưu cách nhau có 1 ngày thôi – người 31-12-2017 và người 1-1-2018 đã hưởng chế độ rất khác nhau, có thể thiệt thòi đến 10% thu nhập mà họ được nhận so với những gì họ đóng trước đây, nhất là với lao động nữ (LĐN). Trước anh lĩnh 10 đồng, giờ chỉ còn 9 đồng thôi, thì không hợp lý, giữa 2 chính sách không có khoảng chuyển tiếp, tạo bất lợi cho rất nhiều người. Do đó, ở góc độ Công đoàn, chúng tôi thấy rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên trình với Quốc hội cho lùi thời hạn thi hành điều khoản này của Luật.
Vậy lùi thời hạn thực hiện rồi sẽ sao, thưa ông, vì dù sao cũng phải thay đổi và dù sao cũng có sự khác biệt giữa chính sách cũ - mới?
- Cũng phải thừa nhận, về mặt chính sách khi thay đổi thì giữa người sau với người trước – có thể thời điểm rất gần nhau, nhưng cũng có người hưởng lợi và chắc chắn có người không lợi bằng. Người sau có thể được hưởng phúc lợi xã hội tốt hơn, vì Nhà nước có nhiều tiền hơn chẳng hạn. Nhưng ở đây rõ ràng là người về hưu sau lại thiệt thòi hơn, trong khi đáng ra mỗi ngày chính sách phải tốt hơn, đó là điều chúng ta phải nghiên cứu để đảm bảo phù hợp. Tôi cho rằng nên đợi đến khi thực hiện cải cách tiền lương và chế độ bảo hiểm xã hội theo đề án dự kiến Trung ương VII sẽ cho ý kiến thì sẽ sửa một cách tổng thể, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Sau này chúng ta sẽ điều chỉnh một cách đồng bộ, thứ nhất về mặt kỹ thuật đóng và hưởng; thứ 2 là đối với một số đối tượng nghỉ hưu ở những khoảng thời gian rất gần nhau thì nhà nước sẽ tính toán bù làm sao đó để sự chuyển tiếp không bị hẫng.
Chúng tôi thấy có những phản ánh về hiện tượng NLĐ "chạy" về hưu sớm để đỡ bị thiệt thòi. Phản ánh này có chính xác không và hiện tượng đó nói lên điều gì?
Đúng là có rất nhiều người thỏa thuận với nhau để về hưu sớm khi người ta vẫn đủ các điều kiện khác để nhận lương, ví dụ thâm niên, để giảm thiệt thòi. Đấy là một thực tế. Có những trường hợp giữa chủ sử dụng lao động với NLĐ thuận với nhau. Bình thường có thể sang năm họ mới nghỉ, nhưng về năm nay thì thuận lợi hơn, hưởng lương cao hơn. Thực tế đó cũng là một biểu hiện mà chúng ta nên xem xét để điều chỉnh chính sách.
Tổng LĐLĐ Việt Nam có nhận được nhiều kiến nghị của NLĐ xung quanh vấn đề này không?
Chính vì nhận được nhiều kiến nghị, nên tại diễn đàn Quốc hội, tôi đại diện cho tổ chức Công đoàn bày tỏ với Quốc hội mong muốn của Công đoàn viên, nhất là lao động nữ.
Phát biểu của ông về trường hợp cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh đã gây ra rất nhiều tranh luận xung quanh. Nhiều người cho rằng, mức hưởng bảo hiểm đó là đúng với mức mà cô giáo Lan đã đóng, chính sách đã làm rất đúng. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này?
- Khi tôi phát biểu và lấy dẫn chứng cô giáo Trương Thị Lan không phải muốn nói chuyện chúng ta làm chính sách có đúng hay không, mà vấn đề ở đây là cô làm một nghề rất cao quý, với một bậc học rất quan trọng, với thời gian đóng góp rất dài mà lương hưởng 1,3 triệu/tháng thì rõ ràng khó đảm bảo cuộc sống tối thiểu.
Hiện nay, chúng ta đảm bảo cho người công nhân lao động chân tay đơn giản nhất cũng có mức lương gần 3 triệu đồng/tháng rồi, đó là tối thiểu, thế nhưng cô giáo chỉ được hưởng chưa bằng 1 nửa. Thực tế này cho thấy rõ ràng chúng ta phải nghiên cứu để sửa thang bảng lương đối với đối tượng này. Cần phải nâng lên, ở mức không chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu, mà còn đảm bảo cho họ có đủ tình yêu nghề, có đủ động lực để làm tốt nhiệm vụ. Cho nên, ở trường hợp này, có thể người tranh luận với tôi không hiểu vấn đề.
Tôi không nói đến việc thực hiện đúng hay sai, mà tôi chỉ lấy một ví dụ - ở một góc độ nào đó có thể dùng từ bất công cũng được, khi người ta lao động như vậy, cống hiến như vậy, công việc vinh quang như vậy, phải sử dụng kiến thức, kỹ năng, tình yêu thương để dạy trẻ, rồi phải sử dụng lao động chân tay để lo cho bữa ăn, giấc ngủ, dỗ dành trẻ... nhưng đãi ngộ lại quá thấp. Trong từng gia đình cụ thể, chỉ có 1 - 2 đứa con, người mẹ dù yêu con vô cùng có lúc cũng còn cáu gắt, có lúc cũng còn mệt mỏi, bực mình. Nghề giáo viên mầm non là một nghề rất đặc biệt, nhưng chúng ta chưa quan tâm đúng mức thì hiển nhiên là chúng ta phải thay đổi. Câu chuyện của cô Lan như một hồi chuông gióng lên và diễn đàn Quốc hội cần phải lên tiếng. Với góc độ công đoàn bảo vệ người lao động, chúng tôi thấy việc đó, chúng tôi không thể không nói.
Rất tình cờ là phát biểu của ông lại liên quan đến tranh luận sa thải lao động nữ trên 35 tuổi cũng lại gây tranh cãi. Tại sao góc độ tiếp cận về vấn đề lao động, tiền lương lại khác nhau như vậy?
Trước hết, tôi cũng phải khẳng định luôn là bản thân tôi khi phát biểu tôi chỉ muốn cung cấp thông tin, là hiện đang có một lực lượng lao động nói chung, trong đó có nữ từ 30- 40 tuổi bị chấm dứt hợp đồng rất lớn. Hàng năm, theo thống kê, số lao động rời khỏi quan hệ lao động của chúng ta khoảng 600.000 – 700.000 người. Khi tiếp cận nguyên nhân của tình trạng này, chúng ta phải nên hiểu nó một cách rất đầy đủ.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhận được phản ánh của rất nhiều tổ chức Công đoàn các cấp về thực tế này, sau đó đã chỉ đạo Viện Công nhân – Công đoàn đi khảo sát nghiên cứu ở 64 doanh nghiệp các tỉnh thành Bắc – Trung – Nam với 500 người được gặp để lấy ý kiến điều tra. Trong các nguyên nhân chấm dứt hợp đồng thì có việc chủ sử dụng lao động đưa ra những lý do rất không hợp lý, tạo nên những áp lực về mặt công việc như định mức cao, buộc NLĐ phải tự tìm cách chấm dứt hợp đồng; cũng có trường hợp chấm dứt trái pháp luật. Lý do thì nhiều, do chủ lao động phải trả lương cao hơn đối với người làm việc nhiều năm, trả bảo hiểm cao hơn; có những người do sức yếu đi một chút thì năng suất giảm hơn, mà bây giờ tuyển người trẻ thì rất dễ...
Đây là vấn đề an sinh mà chúng ta không thể không quan tâm và chúng tôi cung cấp để Quốc hội thấy cần có những giải pháp. Sau này có đại biểu Đồng Nai cũng khẳng định có tình trạng đó. Đây là thực tế mà chúng ta phải tiếp cận, chứ không có điều gì phải tranh luận cả.
Còn đại biểu cung cấp là đi 3 nơi thì thấy chấm dứt hợp đồng do lỗi của người lao động, chủ sử dụng lao động đều đúng, thì có 2 lý do: Có thể đó là sự ngẫu nhiên, hoặc cũng có thể đại biểu mới chỉ tiếp cận ở góc độ chủ sử dụng lao động. Còn chúng tôi là Công đoàn, rất gần với NLĐ, và chúng tôi đã có nghiên cứu nữa, nên thông tin của chúng tôi phải khẳng định là tin cậy, thuyết phục và có căn cứ.
Bình luận (0)