Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện các DN đang nợ lên tới 9.900 tỉ đồng, trong đó có đến 1.400 tỉ đồng nợ có khả năng mất trắng. Đây là các DN đã giải thể hoặc phá sản. Như vậy quyền lợi người lao động (NLĐ) sẽ không được đảm bảo trong khi họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, đã có 59/63 LĐLĐ tỉnh, thành phố ký quy chế phối hợp kiện với cơ quan BHXH. LĐLĐ các tỉnh, thành đã tiếp nhận trên 1.150 hồ sơ khởi kiện các đơn vị nợ BHXH. Tuy nhiên, việc khởi kiện DN nợ BHXH rất khó khăn vì trình tự thủ tục nhiêu khê, chưa kể sự chưa đồng bộ giữa Luật BHXH 2014, Bộ luật Lao động, Luật Tố tụng dân sự, Luật CĐ.
"Để khởi kiện thì CĐ cơ sở phải đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho CĐ cấp trên, nhưng thực tế là CĐ cơ sở không dám khởi kiện chủ sử dụng lao động và cũng ngại ủy quyền cho CĐ. Trình tự thủ tục rất phức tạp, phải qua bước giải quyết tranh chấp lao động tập thể, tức là phải qua hòa giải, không hòa giải được thì Chủ tịch UBND cấp huyện đứng ra giải quyết, nếu Chủ tịch UBND cấp huyện cũng không giải quyết được hoặc quá hạn không giải quyết thì bắt đầu tiến hành thủ tục tố tụng"- ông Quảng nói.
Trong 74 đơn khởi kiện trên thì tòa án trả lại 12 đơn, còn lại cũng chưa có được vụ nào theo đúng trình tự thủ tục.
Tại Khánh Hoà và Đà Nẵng, toà án đã đứng ra xử lý nhiều vụ kiện nợ BHXH. Tuy nhiên, đây là những vụ NLĐ ủy quyền cho CĐ đứng ra khởi kiện nợ BHXH chứ không phải thực hiện theo quy định CĐ chủ động khởi kiện theo quy định của luật BHXH 2014. Một số ngành liên quan vẫn cho rằng, DN không đóng BHXH cho NLĐ. Do đó, cá nhân NLĐ phải đứng ra khởi kiện chứ không phải là tổ chức CĐ.
Dự kiến Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổ chức cuộc họp liên ngành giữa Tòa án Nhân dân Tối cao, BHXH Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội để tháo gỡ vấn đề này.
Bình luận (0)