Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp như; Người lao động (NLĐ) có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động; NLĐ động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm...
Bị sa thải khi trên 35 tuổi
Khi sa thải NLĐ, doanh nghiệp (DN) phải chứng minh được lỗi của NLĐ. Trong thời gian tối đa là 03 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm (trường hợp đặc biệt cũng không được quá 06 tháng), DN phải tiến hành xử lý kỷ luật sa thải lao động. Việc xử lý phải được ghi thành biên bản và có sự tham gia của đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở trong DN. Trên thực tế nhiều DN đặt ra những quy định trong nội quy lao động rất khắt khe (về giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi, thời gian cho vệ sinh cá nhân, đi lại tại nơi làm việc, bảo đảm về chất lượng sản phẩm, tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, bảo đảm quy trình công nghệ và yêu cầu phối hợp các nguyên công tiếp theo.....) và sẵn sàng sa thải những công nhân vi phạm nội quy lao động, nhất là yếu tố sức khỏe và tuổi.
Biểu tâm trạng của NLĐ khi nhận quyết định nghỉ việc
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016 cả nước có khoảng 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, chiếm khoảng 2,3% lực lượng lao động (quý I là 2,25%, đến quý II tăng thành 2,29% và quý III là 2,34%, tăng mạnh ở quý IV là 2,45%). Trong đó, lao động nữ, tỷ lệ thất nghiệp chiếm 72,27% (tính đến quý IV/2016). Mặc dù so với thời điểm cùng kỳ tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp giảm nhẹ tuy nhiên tỷ lệ này không có dấu hiệu giảm xuống một cách bền vững như mong đợi. Điều này đặt ra những lo lắng cho không chỉ lao động nữ (LĐN) mà còn cho cả những người làm hoạch định chính sách .
Theo nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn (CĐ) năm 2016, LĐN trong các KCN, KCX trên cả nước, có tới trên 80% lao động nữ trên 35 tuổi bị đào thải hoặc tự bỏ việc.Nguyên nhân dẫn đến việc chấm dứt quan hệ việc làm: do hợp đồng lao động (HĐLĐ) hết hạn, do hai bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, do NLĐ hay người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ, do mất việc làm… Kết quả điều tra về nguyên nhân chính dẫn đến chấm dứt quan hệ việc làm cho thấy, 59,6% công nhân cho rằng lương thấp không đủ sống, 39,0% áp lực công việc (tăng ca, định mức cao), 13,4% công việc nặng nhọc, nguy hiểm, 8,4% bị quấy rối tình dục, 16,4% bị chửi mắng, phân biệt đối xử, 15,1% sức khoẻ không đảm bảo, mất sức lao động, 12,6% bị thôi việc, bị đuổi (không lý do), 11,8% về quê lấy vợ/chồng, 10,1% do môi giới rủ/ bạn bè rủ bỏ việc.
Qua nghiên cứu, điều tra có thể thấy rằng tình trạng sa thải NLĐ tùy tiện đang trở nên phổ biến, nhiều người sử dụng lao động hành xử không theo luật định. Có tình trạng, buổi sáng còn đi làm, buổi chiều đã nhận quyết định sa thải. Nếu vì lý do vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà tiến hành sa thải người lao động trái pháp luật, thì sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, phạt tù treo từ đến 1 năm hoặc phạt tù giam từ 3 tháng đến 1 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015. Thực tế, khó xử lý và xử phạt được NSDLĐ.
Theo kết quả thăm dò NLĐ khi chấm dứt quan hệ việc làm trong các KCN, KCX cho thấy, 46,5% NLĐ thấy “bình thường” là những lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ hay tự ý bỏ việc, hay do công ty phá sản… Đặc biệt, có NLĐ bị sốc, hay khuảng hoảng về tâm lý, hay là cú sốc về tâm lý, tinh thần… Có 27,0% NLĐ bị “bất ngờ” khi cầm quyết định nghỉ việc, 11,9% bị “khoảng hoảng” và 14,6% khác. Sau khi nghỉ việc và rơi vào tình trạng thất nghiệp, phần lớn họ tìm đến các công việc tạm thời như: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ, giúp việc, quay trở lại làm nông nghiệp hoặc ở nhà nội trợ…Để đảm bảo kinh tế gia đình, những người phụ nữ ngoài 35 và bị thất nghiệp đã và đang tham gia các công việc trong cả khu vực chính thức và phi chính thức.
Gia tăng thất nghiệp
Hiện nay phụ nữ cũng là lực lượng lao động chính trong gia đình, việc thất nghiệp ở tuổi 35 thực sự đẩy họ vào không ít khó khăn cả về đời sống vật chất và tinh thần. Bên cạnh đó, phần đông những nữ LĐN 35 lại rơi vào LĐ di cư chính vì vậy những khó khăn họ gặp phải không đơn thuần chỉ là mất một công việc mà kéo theo đó có rất nhiều hệ lụy.
Trong khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn , hậu quả, của xu hướng gia tăng sa thải NLĐ gây hệ lụy, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, có 11,2% NLĐ cho rằng không gia đình, không người thân, 24,2% nhiều nguy cơ bệnh tật, 11,8% khó kiếm bạn và kết bạn, 38,1% gánh nặng cho gia đình, địa phương, 27,0% chưa chắc đã có cơ hội để phát huy, 15,2% không có sức khoẻ, mất khả năng lao động, 19,0% bị lôi kéo vào các TNXH hoặc việc làm xấu, 12,8% gia đình lục đục, lăng mạ nhau, 11,2% bị phân biệt đối xử, kỳ thị. Như vậy, nhiều NLĐ cho rằng gây gáng nặng cho gia đình và xã hội là hoàn toàn đúng với thực tế.
Những hệ lụy dễ dàng nhìn ra đối với nhóm LĐN 35 tuổi mà thất nghiệp đó là: Hệ quả đối với LĐN như; bất ổn về tài chính, gánh nặng kinh tế cho gia đình, khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, đời sống tinh thần thấp, đánh mất vị thế bình đẳng trong gia đình và xã hội, mặc cảm trong giao tiếp, nguy cơ ảnh hưởng về sức khỏe cực kỳ cao. Hệ quả đối với địa phương, xã hội như; tăng tình trạng thất nghiệp, tăng dịch vụ trợ cấp xã hội, khó khăn trong quản lý và duy trì trật tự an ninh, lãng phí nguồn nhân lực.
Để giảm tình trạng sa thải LĐN, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, cần thiết phải rà soát lại một số chính sách và chương trình liên quan đến quyền năng kinh tế và quyền làm việc của phụ nữ, đặc biệt đưa vào Bộ Luật Lao động sửa đổi về xử phạt DN sa thải lao động trên 35 tuổi. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách về lao động – việc làm và bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động và người lao động; nhất là các chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm; đồng thời theo dõi, giám sát việc thực hiện chính sách đối với NLĐ theo quy định của pháp luật lao động – việc làm.
CĐ, với chức năng của mình, một mặt, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật hoặc lạm dụng trong quan hệ lao động của cả chủ DN và NLĐ, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của NLĐ khi phải chấm dứt quan hệ lao động với chủ sử dụng lao động. Mặt khác, giám sát các thỏa thuận, các cam kết theo quy định pháp luật nhằm đảm bảo cho NLĐ sau khi bị sa thải được hỗ trợ việc làm tốt nhất. CĐ có trách nhiệm theo dõi quy trình, kiểm tra giám sát, xem trình tự, thủ tục, lý do sa thải NLĐ có đúng quy trình không, có thực hiện chi trả và đảm bảo những quyền mà NLĐ được hưởng khi nghỉ việc không…?. Đối với những trường hợp bị ép nghỉ việc (trá hình), có thể công đoàn không ngăn cản được, nhưng ít nhất cũng phải bảo vệ NLĐ những quyền lợi mà họ xứng đáng được hưởng.
Bình luận (0)