Thỏa ước lao động tập thể của các doanh nghiệp (DN) đa số đều có nội dung tổ chức cho người lao động (NLĐ) tham quan du lịch ít nhất 1 lần/năm. Với nhiều đơn vị, đây là hoạt động được duy trì hằng năm nhằm giúp NLĐ tái tạo sức lao động. Tuy nhiên năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều DN phải hoãn hoặc hủy tour. Về phía NLĐ, tuy buồn song ai nấy đều rất cảm thông và hoàn toàn ủng hộ người sử dụng lao động.
Linh hoạt chăm lo
Thời điểm dịch Covid-19 tại Việt Nam được khống chế, nhiều DN tại TP HCM đã kịp tổ chức cho NLĐ đi tham quan du lịch để xả stress và thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết qua các hoạt động tập thể. Trong bối cảnh khó khăn chung, NLĐ của các đơn vị nhận thấy mình may mắn khi không những có việc làm, thu nhập mà còn được DN quan tâm, động viên tinh thần. Đối với DN, việc tổ chức cho NLĐ được thụ hưởng chương trình du lịch hè như lời tri ân.
Điển hình như Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (Khu Công nghệ cao, quận 9, TP HCM) tổ chức cho NLĐ đi du lịch mỗi quý 1 lần; kinh phí do công ty hỗ trợ (500.000 đồng/người). Bà Kiều Ngọc Hoa, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) công ty, cho biết do không thể tổ chức cho 6.500 NLĐ đi du lịch cùng một lúc nên từng bộ phận tự tổ chức, lựa chọn chuyến đi và kinh phí.
Nếu không tổ chức được, các bộ phận có thể tổ chức tiệc họp mặt để NLĐ vui chơi, giao lưu cùng nhau. Trong năm 2020, các bộ phận của công ty chỉ tổ chức đi tham quan, nghỉ mát trong quý I. Khi dịch Covid-19 tái bùng phát, CĐ cơ sở chọn phương án tặng quà như nhu yếu phẩm, nồi cơm điện, bếp từ… cho NLĐ.
Công ty CP Bao bì Vafaco (thuộc Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn) mỗi năm đều tổ chức cho NLĐ đi lịch nước ngoài như: Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia… với kinh phí 100% do DN hỗ trợ. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp và để phòng ngừa rủi ro cho NLĐ nên năm nay CĐ và ban giám đốc quyết định không tổ chức đi du lịch. "Qua trao đổi, đa số NLĐ ủng hộ với chủ trương này. Kinh phí du lịch năm nay đã được chuyển cho NLĐ với mức chi 7,5 triệu đồng/người" - bà Trương Thị Bích Thảo, Chủ tịch CĐ Công ty CP Bao bì Vafaco, cho biết.
Các hoạt động gắn kết người lao động do Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex tổ chức
Sức khỏe NLĐ trên hết
Từ tháng 6-2020, thông tin về sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 buộc nhiều DN phải tập trung cho công tác phòng chống dịch nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho NLĐ. Với nhiều DN sử dụng đông lao động như dệt may, da giày, ưu tiên trước mắt vẫn là tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ.
Trước đó, Tổng Công ty Việt Thắng (thuộc CĐ Dệt may Việt Nam) đã ký hợp đồng với một công ty du lịch tổ chức cho 530 CN nghỉ mát tại Nha Trang trong tháng 8-2020 với chi phí 3,3 triệu đồng/người, DN tài trợ 100%. Dù rất háo hức với chương trình này song khi nghe ban giám đốc thông báo hoãn lại do dịch bệnh, không một NLĐ nào lấy đó làm buồn. Hiện tổng công ty đang xây dựng kế hoạch và lựa chọn phương án tối ưu để tổ chức cho NLĐ được đi du lịch vào thời điểm thích hợp.
Cũng với lý do tương tự, mới đây, Tổng Công ty CP May Nhà Bè (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) cũng phải hủy kỳ nghỉ dưỡng 2 ngày tại La Gi (tỉnh Bình Thuận) cho gần 2.000 NLĐ, thay vào đó DN đã quyết định dành toàn bộ kinh phí (trên 1,5 tỉ đồng) của chuyến đi để cho từng NLĐ chủ động.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch CĐ Dệt may Việt Nam, cho biết nhiều đơn vị như Tổng Công ty May Việt Tiến, Tổng Công ty May 10, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Tổng Công ty May Đáp Cầu... cũng quyết định hủy chương trình nghỉ mát hằng năm, thay vào đó là chi tiền với mức từ 500.000 đồng - 2 triệu đồng/người cho NLĐ. Hiểu được sự quan tâm của DN nên NLĐ rất đồng thuận.
Chị Nguyễn Như Linh, CN Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, chia sẻ: "Việc tổ chức cho cả gia đình đi du lịch năm nay bị bỏ lỡ, các thành viên đều luyến tiếc. Tuy nhiên, an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng nên việc tạm gác chuyến du lịch hè năm nay là hoàn toàn đúng đắn, chúng tôi ủng hộ quyết định này của ban giám đốc và ban chấp hành CĐ".
Với những DN khó khăn, ưu tiên hàng đầu trong trong giai đoạn này là chống dịch và ổn định duy trì sản xuất nhằm bảo đảm sức khỏe và thu nhập cho NLĐ. Do vậy, các hoạt động vui chơi, giải trí dành cho NLĐ đều phải tạm hoãn. Bà Huỳnh Thị Hoa - Chủ tịch CĐ Công ty CP Vinatex Đà Nẵng, DN hiện có trên 2.700 NLĐ đang được DN bố trí làm việc luân phiên nhằm giãn cách để phòng chống dịch bệnh - cho biết: "Bảo đảm sức khỏe, thu nhập cho NLĐ là lựa chọn bắt buộc. Điều đáng quý là dù quyền lợi bị cắt giảm nhưng số đông NLĐ rất thông cảm và chia sẻ khó khăn cùng công ty".
Ông KIỀU NGỌC VŨ - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP:
Đồng lòng vượt khó
Khó khăn vì dịch Covid-19 là thực trạng chung của nhiều DN, dự báo khó khăn có thể còn kéo dài. Do vậy, tại thời điểm này, để có đơn hàng duy trì sản xuất, trả lương cho NLĐ là thách thức không nhỏ đối với nhiều DN. Tuy nhiên, các DN vẫn có cách chăm lo phù hợp để NLĐ không bị thiệt thòi, chẳng hạn như thanh toán chi phí du lịch bằng tiền mặt hoặc quà cho NLĐ. Về phía NLĐ, hiểu và ủng hộ chủ trương của DN cũng là cách chia sẻ thiết thực nhất, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Bình luận (0)