Khởi nghiệp vốn đã rất khó khăn nhưng gặp thêm đại dịch Covid-19 thì khó khăn nhân lên gấp bội. Để vượt qua thử thách này, theo anh Bùi Hải Nam, các start-up cần xoay xở linh hoạt thì mới tồn tại.
Bước ra vùng an toàn
Xây dựng nên nền tảng PowerSell để hỗ trợ các nhà bán lẻ truyền thống bán hàng trên các trang thương mại điện tử mở rộng kinh doanh và tối ưu chi phí quản lý gian hàng bằng công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, ít ai biết rằng anh Bùi Hải Nam đã có một quá trình nỗ lực tự lập từ nhỏ.
Sinh ra tại đất cảng Hải Phòng, chàng trai sinh năm 1985 đã có ý chí tự lập từ nhỏ khi quyết định rời quê lên Hà Nội để học chuyên toán từ năm 15 tuổi. Vài năm sau đó, anh Nam xuất sắc thi đậu vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chuyên ngành thông tin kinh tế.
Sự thông minh và chăm chỉ giúp chàng sinh viên đất cảng giành được học bổng du học tại Singapore. Tốt nghiệp, anh Nam đầu quân cho hàng loạt ngân hàng có tiếng như DBS, Techcombank, HSBC… Từng giữ vị trí Phó Chủ tịch HSBC Singapore, Nam chia sẻ lúc đó mục tiêu của anh là làm thế nào để leo lên vị trí cao nhất, càng nhanh càng tốt. Với khả năng và suy nghĩ đó, anh đã nhanh chóng đạt được những gì mình mong muốn ở tuổi 30.
Nam có tiền bạc, địa vị nhưng điều quan trọng nhất của tuổi trẻ là sự tự do để theo đuổi đam mê thì không có. "Công việc văn phòng, sáng đi tối về, vật lộn với những con số trong bốn bức tường khiến sự nhiệt huyết dần tan biến, nguồn năng lượng cứ giảm dần theo thời gian. Tôi nhận ra mình đã sai và quyết tâm phá bỏ vòng an toàn để theo đuổi ước mơ, hiện thực hóa khát vọng chinh phục của bản thân" - anh Nam chia sẻ.
Bùi Hải Nam đã mất 7 năm để nhận ra còn nhiều thứ quan trọng trong cuộc đời, chứ không chỉ là nắm bắt cơ hội thăng tiến tiếp theo. Thời điểm đó, sức hấp dẫn của thương mại điện tử kéo Nam trở lại với chính mình. Sau một năm ở vị trí Giám đốc chiến lược và kế hoạch của Lazada Singapore, cùng việc thành lập một nhóm chuyên gia tư vấn và phân tích chiến lược, anh Nam trở thành Giám đốc thương mại Lazada Việt Nam từ đầu năm 2016.
Ở Lazada, anh Nam gặp được tỉ phú Jack Ma (Trung Quốc) trong một lần vị tỉ phú này đến làm việc với lãnh đạo cao cấp của công ty. Cuộc gặp gỡ và những chia sẻ từ tỉ phú này đã truyền cho Nam cảm hứng. "Tầm nhìn và tâm huyết của Jack Ma đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của tôi về thương mại điện tử. Ông ấy khẳng định các doanh nghiệp, người kinh doanh nhỏ mới là mảnh đất màu mỡ nhất cần khai phá. Lực lượng này chiếm 70% - 80% dân số toàn cầu, trong khi ai cũng hướng đến các khách hàng lớn, vốn chỉ chiếm chưa đầy 10%" - anh Nam kể lại.
CEO của Datamart - Bùi Hải Nam (cầm micro) - trong buổi tọa đàm với các start-up công nghệ
Chủ động thích ứng
Nam chia tay Lazada sau 2 năm gắn bó để thành lập công ty chuyên tư vấn cho các hãng, doanh nghiệp bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử. Nhưng chỉ chưa đầy nửa năm, anh Nam và đồng sự quyết định đặt dấu chấm hết cho start-up đầu đời bởi những hạn chế của hình thức vận hành và lợi ích tạo ra không lớn.
Sau thất bại đầu tiên, anh Nam tiếp tục cùng 4 người bạn thành lập công ty mới, chuyên cung cấp các giải pháp bán hàng đa kênh tự động trên sàn thương mại điện tử dựa trên nền tảng Big Data và AI (trí tuệ nhân tạo). Tháng 5-2017, Datamart Việt Nam chính thức ra đời, bắt đầu thực hiện dự án PowerSell.
Ngay sau khi ra mắt, dự án này nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng, những nhà bán lẻ khắp khu vực Đông Nam Á. Đến nay, PowerSell đang được hơn 23.000 nhà bán hàng tại Đông Nam Á sử dụng. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, đội ngũ 70 nhân viên của Datamart nhanh chóng kích hoạt chế độ phòng dịch để vừa bảo đảm sức khỏe cho từng cá nhân vừa không gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Để vượt qua khủng hoảng, CEO của Datamart quyết định dồn nguồn lực vào các nước Đông Nam Á có nền thương mại điện tử phát triển mạnh như Philippines, Singapore, Malaysia. "Vì dịch Covid-19, các nhà bán hàng Philippines chủ động tìm các giải pháp công nghệ và sẵn sàng chi tiền cho PowerSell để mở rộng kênh bán, quản lý hiệu quả và tăng trưởng trong đại dịch" - anh Nam nói. Để vận hành trơn tru ở nước ngoài, Datamart nhanh chóng chuyển đổi hoạt động sang trực tuyến, biến trụ sở tại Việt Nam thành trung tâm điều hành và hỗ trợ hoạt động kinh doanh cho các văn phòng toàn khu vực, tăng cường đội ngũ phát triển thị trường bản địa. Sự thay đổi nhanh chóng được đón nhận vì toàn thị trường Đông Nam Á cũng chuyển đổi sang online.
Theo anh Bùi Hải Nam, nhờ linh hoạt trong ứng biến, trong 3 tháng gần đây tốc độ tăng trung bình 20% - 30%/ tháng và 80% doanh thu của công ty đến từ các thị trường ngoài Việt Nam. Sau đòn giáng từ Covid-19, anh Nam suy nghĩ nhiều đến việc xây dựng các đối tác thông qua nhiều hình thức từ hợp tác chiến lược, chia sẻ lợi nhuận, M&A... để PowerSell đủ sức cạnh tranh trên các thị trường bản địa. "Tôi sẵn sàng lùi lại một bước và tận dụng các nguồn lực khác với mục đích giữ lại sản phẩm của mình. Đối với star-tup, phát triển sản phẩm là quan trọng nhất. Trong những lúc khó khăn, start-up cần sống sót rồi tính tiếp" - CEO của Datamart nhấn mạnh.
Phải biết nắm bắt cơ hội
CEO của Datamart cho rằng dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều thay đổi trong hành vi người tiêu dùng. Khách hàng dành nhiều chi phí hơn cho các hoạt động mua sắm, dần tin tưởng sử dụng thương mại điện tử cho các mặt hàng tươi sống, hàng thiết yếu. Hình thức thanh toán online thay vì tiền mặt cũng đang được đón nhận và sẽ phổ biến hơn trong thời gian tới. Các start-up thương mại điện tử có lợi thế ở thời điểm "bình thường mới". Điều quan trọng nhất với họ để vượt qua những cuộc khủng hoảng như Covid-19 chính là tìm mọi cách để sống sót, sẵn sàng thay đổi nhanh, biết từ bỏ và đủ lớn để nắm lấy cơ hội.
Bình luận (0)