Sau khi ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) được 3 ngày, thấy công việc không phù hợp, chị Đ.T.L.N và chị L.T.H xin Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ P.V (quận 12, TP HCM) cho thôi việc. Phía công ty yêu cầu 2 chị phải bồi thường 2 triệu đồng do đơn phương chấm dứt hợp đồng, thanh toán tiền đồng phục (350.000 đồng/bộ) thì mới giải quyết cho thôi việc và trả lương. Ngược lại, 2 chị phải tiếp tục làm việc đủ 45 ngày mới được nghỉ việc. Do không đồng ý với các điều kiện trên nên 2 chị nghỉ ngang. Căn cước công dân (CCCD) cũng bị công ty giữ lại.
Tại cả đôi đường
Chị H. cho biết khi tuyển dụng, công ty nói không cần hồ sơ xin việc, chỉ cần nộp chứng minh nhân dân/CCCD gốc. Công ty giải thích việc giữ chứng minh nhân dân/CCCD gốc của người lao động (NLĐ) là để đăng ký tạm trú; làm hồ sơ thủ tục gửi cho khách hàng... Do cần việc làm và thấy thủ tục nhận việc đơn giản, 2 chị đã nộp CCCD cho công ty. Tuy nhiên, sau khi nghỉ việc, 2 chị nhiều lần liên hệ đòi lương và CCCD nhưng công ty không trả. Bức xúc, 2 chị khiếu nại lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 12, TP HCM.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông P.Q.T, giám đốc công ty, quả quyết vì NLĐ không có hồ sơ xin việc nên phải để lại CCCD. Việc giữ CCCD là để cung cấp cho bên đối tác, đồng thời phòng ngừa trường hợp NLĐ gây ra tổn thất trong quá trình làm việc. Khi phỏng vấn, NLĐ đồng ý với điều kiện này thì công ty mới ký HĐLĐ với họ. Sau khi NLĐ khiếu nại, công ty cũng đã giải thích với cơ quan chức năng và mời NLĐ đến công ty để giải quyết.
Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, trong trường hợp này, cả doanh nghiệp và NLĐ đều chưa tuân thủ luật. Việc công ty giữ CCCD của NLĐ là vi phạm quy định tại khoản 1 điều 17 Bộ Luật Lao động (BLLĐ). Căn cứ Nghị định 88/2015/NĐ-CP, người sử dụng lao động có hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của NLĐ sẽ bị phạt tiền từ 20-25 triệu đồng. Còn NLĐ thì không thực hiện đúng thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ (theo quy định tại điều 35 BLLĐ) nên phải thực hiện các nghĩa vụ đối với công ty theo quy định tại điều 40 BLLĐ.
Tư vấn pháp luật cho người lao động tại Trung tâm Tư vấn pháp luật - LĐLĐ TP HCM
Mất trắng
Nếu như trường hợp trên, NLĐ gặp rắc rối vì không thực hiện đúng HĐLĐ đã giao kết thì anh L.H.T ngụ tại tỉnh Đồng Nai lại thiệt thòi vì không giao kết HĐLĐ.
Tháng 5-2018, anh T. được Công ty TNHH Đ.H.P (tỉnh Đồng Nai) tuyển vào làm thợ hàn cơ khí, mức lương 8,8 triệu đồng/tháng. Công ty cam kết sẽ ký HĐLĐ thời hạn 3 năm và đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), song sau đó không thực hiện dù anh T. nhiều lần thắc mắc. Tháng 8-2018, trong một lần làm việc tại công trình của đối tác công ty, anh T. bị té từ trên cao xuống, gãy xương chày trái. Khi xảy ra tai nạn, công ty không lập biên bản điều tra tai nạn lao động (TNLĐ), không đưa đi giám định y khoa và cũng không trả lương cho những ngày nghỉ việc do TNLĐ. Sau khi điều trị, anh T. nghỉ việc và khởi kiện công ty, yêu cầu truy đóng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cũng như bồi thường chế độ TNLĐ tương ứng với mức suy giảm khả năng lao động 35%, với tổng số tiền 207 triệu đồng.
Tuy nhiên, tại phiên xử sơ thẩm do TAND TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) xét xử mới đây, yêu cầu của anh T. bị tòa bác bỏ. Lý do là vì công ty không thừa nhận việc có tuyển dụng anh T., trong khi đó anh cũng không có bất cứ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh về việc có làm việc, được trả lương bởi công ty. Bên cạnh đó, vụ tai nạn xảy ra không được phía công ty và đơn vị đối tác thừa nhận. Anh T. cũng không cung cấp được chứng cứ tai nạn, vì khi vụ việc xảy ra không báo chính quyền địa phương, không có biên bản vụ việc.
"BLLĐ quy định trước khi nhận NLĐ vào làm việc, người sử dụng lao động và NLĐ phải trực tiếp giao kết HĐLĐ. Như vậy, giao kết HĐLĐ là trách nhiệm, quyền lợi của cả hai bên. Anh T. cho rằng vì cần việc làm nên dù công ty không ký HĐLĐ anh vẫn làm việc, điều này đồng nghĩa với việc vi phạm quy định của pháp luật về lao động Anh T. không chứng minh được có làm việc tại công ty nên không có căn cứ để buộc công ty ký HĐLĐ, đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng như bồi thường các khoản do TNLĐ" - HĐXX kết luận.
Bình luận (0)