Đến chiều 8-9, tình hình tranh chấp lao động tại Công ty TNHH S&H Vina (xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) chưa có dấu hiệu lắng dịu khi hàng ngàn công nhân (CN) vẫn chưa chịu trở lại làm việc. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, tập thể CN cho biết họ chỉ đồng ý trở lại làm việc khi các kiến nghị về tiền lương được ban giám đốc giải quyết thỏa đáng.
Quản lý hà khắc, gây bức xúc
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tranh chấp tại Công ty S&H Vina khởi phát từ trưa 6-9, khi một số CN ở xưởng 1 dùng tấm vải phủ máy khâu trải xuống nền nhà để ngủ thì bị quản lý ngăn cấm. Không những thế, người quản lý xưởng có lời nói xúc phạm số CN này khiến họ bức xúc, đồng loạt kéo ra ngoài phản đối, sau đó tất cả CN ở các xưởng còn lại đồng loạt ngưng việc.
Đến chiều 8-9, nhiều công nhân Công ty TNHH S&H Vina vẫn chưa trở lại làm việc
Theo tìm hiểu của phóng viên, sự việc xảy ra vào trưa 6-9 chỉ là giọt nước tràn ly về cách quản lý, ứng xử với nhiều quy định hà khắc do công ty đề ra đối với người lao động (NLĐ). "Lương cơ bản thì thấp, tiền chuyên cần tối đa được 300.000 đồng/tháng, tuy nhiên CN chỉ cần vi phạm một lỗi như đi trễ khoảng 5 phút là bị trừ 150.000 đồng, 2 lỗi là trừ hết 300.000 đồng. Quy định như vậy là quá hà khắc, lẽ ra công ty phải có nhắc nhở nếu vi phạm lần đầu, sau đó tái phạm thì mới áp dụng phạt. Ngoài ra, khi chúng tôi nghỉ việc có lý do đột xuất không thể báo cáo kịp như nhà có người thân chết chẳng hạn, dù đã bị trừ ngày phép của năm nhưng vẫn không được hưởng tiền chuyên cần. Bên cạnh đó, các khoản phụ cấp xăng xe, tiền thưởng ngày lễ Tết, hỗ trợ nuôi con nhỏ… quá thấp, chẳng những không có tác dụng động viên CN làm việc; trái lại càng làm cho chúng tôi ức chế, có cảm giác như nhận của bố thí" - một CN trình bày.
Bức xúc khác của tập thể CN là chất lượng bữa ăn giữa ca không bảo đảm dinh dưỡng và vệ sinh - an toàn thực phẩm. Sau khi ăn các món lạc rang, giò thì CN có hiện tượng đau bụng, món canh nấu mất vệ sinh, rau rửa không sạch, có hôm còn cả sâu trong bát canh. Đặc biệt, CN rất bức xúc trước việc ông Mai Sỹ Nghĩa - phiên dịch viên kiêm quản đốc xưởng 1 - thường xuyên có lời lẽ miệt thị, xúc phạm CN. "Thạch Thành chúng tôi là huyện miền núi, dân tộc Mường sinh sống là chủ yếu, vì thế CN cũng đều là con em dân tộc. Thế nhưng, trong quá trình làm việc ông Nghĩa thường dùng các từ ngữ có hàm ý coi thường, kỳ thị chủng tộc khiến chúng tôi rất bất bình" - một nữ CN bức xúc.
Phớt lờ kiến nghị của CN
Trước tình hình ngưng việc của tập thể CN, ngày 7-9 LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với LĐLĐ huyện Thạch Thành, chính quyền địa phương và lãnh đạo Công ty S&H Vina đối thoại với CN để tìm tiếng nói chung, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên liên quan.
Kết thúc buổi đối thoại, ngay trong chiều 7-9 một bản kiến nghị 17 vấn đề được CN gửi tới công ty. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của CN, sau buổi làm việc với các ngành chức năng, Công ty TNHH S&H Vina đã có thông báo trả lời kiến nghị của NLĐ, trong đó khoảng 10 kiến nghị không được đáp ứng. Cụ thể, về tiền lương, công ty không chấp thuận theo đề xuất của CN mà chỉ xét nâng bậc lương hằng tháng đối với những người làm việc từ đủ 12 tháng; thưởng năng suất theo chuyền chứ không đánh giá riêng từng người. Về phép năm, công ty cho rằng khi xin phép nghỉ giải quyết công việc gia đình hoặc bị ốm 1 ngày mà không đi bệnh viện thì CN có thể sử dụng phép năm (nếu còn phép). Khi đã sử dụng phép năm và nghỉ phép năm mà không báo trước thì không được hưởng tiền chuyên cần.
Vấn đề hỗ trợ xăng xe, công ty chỉ hỗ trợ cho NLĐ đang đi vé 300.000 đồng đến 350.000 đồng/tháng là 300.000 đồng/tháng, vé 400.000 đồng đến 450.000 đồng/tháng thì hỗ trợ mức 350.000 đồng. Các trường hợp còn lại vẫn hỗ trợ như cũ là 260.000 đồng/tháng. Công ty cũng cam kết tăng cường giám sát chất lượng bữa ăn và yêu cầu nhà cung cấp có thêm món ăn để NLĐ lựa chọn. Riêng đối với những kiến nghị như về trừ tiền chuyên cần, tăng tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ, lương thâm niên, tiền thưởng ngày lễ, Tết… công ty không đồng ý hoặc đưa ra lý do công ty đang làm ăn thua lỗ để từ chối.
Tiếp xúc với chúng tôi, tập thể CN cho biết họ sẽ tiếp tục ngưng việc đến khi nào ban giám đốc xem xét, giải quyết thỏa đáng vấn đề tăng lương cơ bản và hạn chế cắt tiền thưởng chuyên cần. "Lương cơ bản hiện nay rất thấp, chưa đến 3 triệu đồng, trong khi CN chỉ cần vi phạm 1 lỗi nhỏ là mất trắng tiền chuyên cần, rõ ràng công ty quá o ép chúng tôi" - nhiều CN phản ánh. Đại diện LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa khẳng định những kiến nghị nào thuộc quyền lợi của NLĐ mà DN vi phạm, DN đã ký cam kết điều chỉnh cho đúng thì yêu cầu DN thực hiện để bảo đảm quyền lợi NLĐ. Riêng với những kiến nghị của CN không nằm trong quy định của pháp luật mà DN chưa có điều kiện để đáp ứng thì vận động CN chia sẻ với DN.
Sa thải quản lý xúc phạm CN
Theo ông Lê Văn Giang, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, nguồn cơn khiến CN tiếp tục bỏ làm ngày 8-9 là do một số đề nghị tăng lương cơ bản, việc trừ tiền chuyên cần, hỗ trợ xăng xe (CN muốn hỗ trợ đều nhau)… vẫn chưa được đáp ứng. Ông Giang cho biết: "Trong sáng 8-9 đã có 2/3 CN vào xưởng làm việc nhưng số còn lại ở ngoài tiếp tục kêu gọi nên họ lại bỏ ra ngoài ngưng việc. Trước đó, vào ngày 7-9, sau khi làm việc với các cơ quan chức năng, công ty đã sa thải ngay ông Mai Sỹ Nghĩa. Lãnh đạo công ty cũng đứng ra xin lỗi CN và đồng thời đưa ra thông báo sẽ có hình thức xử lý tương tự đối với các quản lý có lời lẽ xúc phạm NLĐ".
Bình luận (0)