Nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) đang bước vào giai đoạn bùng nổ với nhu cầu rất lớn, trải đều cho tất cả mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, lực lượng nhân lực CNTT ở Việt Nam đang thiếu trầm trọng về số lượng, yếu về chất lượng.
Thiếu 78.000 nhân lực/năm
Theo khảo sát của VietnamWorks về ngành CNTT ở Việt Nam, trong 3 năm qua, số lượng công việc ngành CNTT đã tăng trung bình 47% mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng nhân sự ngành này lại chỉ tăng ở mức trung bình 8%. Nguyên nhân chính được VietnamWorks đưa ra là do số lượng doanh nghiệp (DN) tuyển dụng trong ngành CNTT đã tăng 69% kể từ năm 2012. Đặc biệt, số lượng công ty phần mềm đã tăng đến 124% chỉ trong vòng 4 năm.
Sinh viên lớp quản trị mạng được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh bởi giáo viên nước ngoài
VietnamWorks ước tính nếu cứ tiếp tục tăng trưởng nhân lực CNTT ở mức 8% như hiện nay, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực CNTT mỗi năm và đến năm 2020 sẽ thiếu hơn 500.000 nhân lực CNTT. Đây là một thách thức rất lớn, nhưng cũng là cơ hội để các tổ chức giáo dục, giới nhân sự và chính các nhân viên CNTT cùng góp sức đưa ra những giải pháp tốt nhất để đem đến nhiều nhân sự chất lượng hơn cho thị trường việc làm. Dự báo trong 2 năm 2017 và 2018, các cơ sở đào tạo trong cả nước sẽ cho "ra lò" khoảng 80.000 nhân lực CNTT, so với nhu cầu tính đến cuối năm 2018, Việt Nam vẫn còn thiếu thêm khoảng 70.000 nhân lực cho lĩnh vực này.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết với việc hội nhập sâu và rộng như hiện nay, cùng với sự ứng dụng CNTT khắp các lĩnh vực của nền kinh tế, nhu cầu nhân lực của Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh với hơn 6 triệu việc làm mới trong thời gian tới. "Trong đó, nhóm ngành CNTT với đặc thù phát triển không ngừng sẽ có nhu cầu lớn nhất. Nếu trước đây khi nói về CNTT, chúng ta chỉ biết về phần cứng, phần mềm và mạng máy tính thì nay nhóm ngành này đã xuất hiện thêm nhiều ngành mới như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình game, lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D… từ đó khiến nhu cầu nhân lực của ngành tăng liên tục, trong khi số lượng sinh viên ra trường chưa đáp ứng được cả về lượng lẫn chất lượng" - ông Tuấn nói thêm.
Đỏ mắt tìm nhân sự giỏi
Một thực tế cho thấy sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp ra trường thường không đáp ứng được nhu cầu của DN CNTT, khiến tình trạng khan hiếm nhân lực vốn đã thiếu người lại càng thiếu hơn.
Nói về chất lượng đào tạo ngành CNTT ở Việt Nam, ông Huỳnh Quốc Thắng, CEO 789.VN, cho biết bộ phận nhân sự rất khó khăn khi lọc hồ sơ ứng viên mảng CNTT bởi họ chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế. "Chúng tôi hiện có hơn 100 nhân sự là cử nhân, kỹ sư chuyên ngành CNTT. Các bạn đều tốt nghiệp loại khá giỏi ở những trường uy tín trong nước. Nhưng sau khi tuyển dụng, chúng tôi phải đào tạo lại, sau đó mới để các bạn tham gia trực tiếp vào dự án. Có 2 yếu tố các bạn yếu là kỹ năng làm việc nhóm và tiếng Anh. Còn sự sáng tạo thì các bạn rất tốt. Chỉ cần các bạn giỏi tiếng Anh hơn, cầu tiến hơn, làm việc có trách nhiệm hơn thì mới theo kịp bạn bè các nước lân cận" - ông Thắng cho biết.
Ông Thắng cũng khẳng định Việt Nam đang có nhiều cơ hội cạnh tranh sòng phẳng trong sân chơi CNTT toàn cầu nhưng thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Việt Nam cần mở rộng quy mô đào tạo kỹ sư CNTT từ nay đến năm 2020 lên gấp 4 lần hiện nay mới có thể đáp ứng nhu cầu. Trước nguy cơ khủng hoảng nguồn nhân lực CNTT, nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Samsung Việt Nam, Intel Products Việt Nam... phải chủ động tìm kiếm các trường đào tạo có uy tín trong nước để liên kết đào tạo, cấp học bổng đào tạo, xây dựng các chương trình đào tạo nhằm mục đích tạo nguồn nhân lực cho mình. DN trong nước cũng phải "xắn tay áo" tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực khan hiếm này. Tập đoàn FPT sở hữu Trường ĐH FPT nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu lên đến 5.000 nhân sự mỗi năm của tập đoàn. Giải pháp mới được FPT đưa ra có tên Fanix, theo đó những người theo học các ngành khác cũng có thể tham dự các khóa học về CNTT để có thể làm việc trong lĩnh vực này khi ra trường.
Ông Paul Espinas, Giám đốc tiếp thị VietnamWorks:
Phải có chiến lược đào tạo tầm quốc gia
Khan hiếm nguồn cung đã là một khó khăn cho các DN, thị trường lao động ngành CNTT lại đang có nguy cơ rối loạn bởi sự tranh giành nhân sự giữa các DN và tâm lý làm việc thiếu tính ổn định của người lao động. Sự bất ổn định đó nếu tiếp tục không được xử lý ổn thỏa có thể tiếp tục làm tăng giá nhân công lao động, giảm năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của ngành với các nhà đầu tư. Do đó, một chính sách đào tạo và sử dụng nhân lực ngành CNTT phải là chiến lược mang tầm quốc gia. Có như thế, nền kinh tế nước nhà mới không quá lo lắng trước cơn bão mang tên "4.0".
Bình luận (0)