Trong nhiều doanh nghiệp (DN) đang phổ biến tình trạng chủ DN theo pháp luật không trực tiếp điều hành mà giao cho người thân như vợ chồng, cha mẹ, anh em… Điều này đã làm phát sinh các tranh chấp, gây thiệt thòi cho người lao động.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Cách đây chưa lâu, công nhân (CN) một DN may mặc tại huyện Bình Chánh, TP HCM đã ngừng việc phản ứng việc tăng ca, thời giờ nghỉ ngơi và tiền Tết. Khởi nguồn sự việc là do CN đã tăng ca liên tục 4 ngày chủ nhật. Chuyền trưởng một chuyền sản xuất đề nghị công ty cho CN được giảm tăng ca, về sớm một buổi chiều. Tuy nhiên, chủ công ty lại không có mặt để giải quyết, thay vào đó là ông bố của chủ đứng ra điều động.
Công nhân một doanh nghiệp tại huyện Bình Chánh, TP HCM ngừng việc để phản đối sự điều hành không "chính chủ"
Qua thỏa thuận, bố của chủ DN đồng ý cho cả chuyền nghỉ 1 buổi chiều. Tuy nhiên, hôm sau, khi đến công ty phát hiện sự việc, giám đốc đã đuổi việc chuyền trưởng. CN bất bình nên ngừng việc.
Theo một cán bộ LĐLĐ huyện Bình Chánh, khi đoàn vào làm việc thì chủ DN đi vắng, chỉ gặp được ông bố. "Chúng tôi hỏi có giấy tờ ủy quyền gì để làm việc không thì ông này chẳng có gì cả. Ông chỉ là bố của giám đốc, không có chức vụ gì trong công ty. Sự việc càng thêm phức tạp khi CN bất bình phản ánh nhiều sai phạm khác như công ty không ký hợp đồng, không có nội quy giờ giấc làm việc rõ ràng, không công bố tiền thưởng Tết, ngày nghỉ Tết… Lúc đó, ông bố hứa sẽ điều chỉnh nhưng chẳng có gì để bảo đảm lời hứa của ông sẽ được thực hiện" - vị cán bộ cho biết.
Không có quyền vẫn điều động
Tại Công ty May mặc A.G (quận 12, TP HCM), chủ DN cũng thường xuyên đi vắng và giao việc quản lý lại cho người mẹ là bà H. Sau một thời gian làm việc tính lương theo thời gian, công ty áp dụng cách tính lương theo sản phẩm. Theo lời nói miệng với CN thì việc tính lương theo sản phẩm chỉ là thử nghiệm. Không ngờ khi hết tháng, công ty áp dụng chính thức việc trả lương theo sản phẩm khiến CN bị hụt hẫng vì thu nhập giảm.
Anh Nguyễn Hoàn Khen, CN Công ty A.G, cho biết: "Tôi may lành nghề nhiều năm, có thể làm nhiều công đoạn khác nhau trong xưởng nên bà H. cứ điều tôi chạy vòng vòng khắp xưởng làm đủ chuyện: đang làm quần chuyển sang làm áo, đang chuyền này thì qua chuyền kia để hỗ trợ… Tôi nghĩ dù sao thì bà ấy cũng là mẹ của chủ nên dốc sức làm, không tính toán. Tôi tưởng nhiệt tình như vậy thì được thưởng thêm tiền. Ai ngờ, đến hết tháng, tính tiền sản phẩm thì tôi không đạt định mức. Khi tôi khiếu nại, bà H. trả lời cứ theo quy định của công ty mà làm, bà không có trách nhiệm gì trong việc điều động tôi. Bức xúc quá, tôi và anh em CN mới ngừng việc".
Hứa rồi phủi tay
Thiệt thòi hơn là anh Phạm Văn Dũng, làm việc cho một DN tại quận Tân Phú, TP HCM nhiều năm. Người đứng tên chủ DN này thực chất chỉ là danh nghĩa. Quản lý DN thật sự là mẹ của người đại diện pháp luật của DN.
Vốn làm việc năng nổ, nhiệt tình nên Dũng được "bà chủ không giấy tờ" này trọng dụng, xem như người thân trong nhà, việc gì cũng gọi anh. Thấy làm lâu mà không có hợp đồng hay bảo hiểm gì, Dũng hỏi thì bà chủ trả lời cứ yên tâm, sẽ lo hết.
"Tôi làm việc lâu năm, tình cảm gắn bó nên cũng tin tưởng. Hơn nữa, ông chủ trên giấy tờ là người lông bông, chẳng làm việc gì nên tôi cứ tin rằng bà H. mới thật sự là chủ. Đến khi công ty ngừng sản xuất, bán máy móc, bà ấy còn hứa sẽ cho tôi 40 triệu đồng nên trong suốt quá trình bán máy, dọn dẹp nhà xưởng, tôi đã làm việc cật lực" - anh Dũng kể.
Tuy nhiên, sau khi mọi việc xong xuôi, bà H. phủi tay, không cho anh Dũng đồng nào. Quá bức xúc, anh đã gửi đơn kiện. "Ngay trong đơn kiện, tôi vẫn đinh ninh người đại diện pháp luật của công ty là bà H. Khi tòa xử, tôi mới hay người đại diện từ trước đến giờ là con của bà ta. Tòa kết luận không có chứng cứ việc bà H. hứa mua BHXH và hỗ trợ tôi 40 triệu đồng. Mặt khác, tòa cho rằng bà H. không có vai trò, trách nhiệm gì về mặt pháp lý với công ty nên yêu cầu của tôi không có căn cứ để xem xét. Kết quả là tôi thua kiện" - anh Dũng chua chát.
Bình luận (0)