Tại hội nghị sơ kết Thư viện Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) và kết quả thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT” tổ chức ngày 22-3, LĐLĐ TP HCM nhận định còn rất nhiều thỏa ước sao chép luật, hết hạn, thậm chí trái luật.
Ít thỏa ước tốt
Theo báo cáo, tính đến ngày 15-3, số TƯLĐTT thống kê được trên toàn TP HCM là hơn 7.000 bản (tỉ lệ 54,5%), trong đó ký mới là 5.000 bản; sửa đổi, bổ sung là hơn 500 bản, số thỏa ước còn hiệu lực là trên 2.000 bản.
Ông Giang Văn Nam, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, đánh giá chất lượng TƯLĐTT tiến bộ hơn với các nội dung có lợi cho người lao động (NLĐ) như: thưởng lương tháng 13, thưởng sáng kiến, lễ, Tết, các loại phụ cấp, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, tham quan, nghỉ mát. Đặc biệt, việc hỗ trợ vé xe về quê ăn Tết cũng được một số đơn vị quan tâm đưa vào thỏa ước.
Tuy nhiên, số lượng thỏa ước đạt loại A chỉ 5%-9% (ít nhất 10 nội dung cao hơn luật có lợi cho NLĐ). Trong khi đó, thỏa ước loại C và D chiếm đến 73% (rất ít nội dung có lợi cho NLĐ). Những bản thỏa ước này không cụ thể hóa được mức độ chăm sóc NLĐ mà chỉ thể hiện chung chung là “doanh nghiệp (DN) sẽ chăm lo tùy tình hình tài chính”.
Đáng chú ý, có đến 3% thỏa ước không thể đánh giá, phân loại do sao chép luật, hết hạn nhưng không ký mới, có nội dung trái luật, người ký không đúng thẩm quyền... Cụ thể như tại quận 12, số DN có thỏa ước chiếm tỉ lệ rất cao (trên 90%) nhưng thỏa ước đạt loại A chỉ 6%.
“Nhiều DN vẫn giữ tư tưởng là làm cho có nên nội dung thỏa ước phần lớn là sao chép luật. Vì vậy, sắp tới, LĐLĐ quận sẽ tập trung hướng dẫn Công đoàn (CĐ) cơ sở thương lượng để nâng chất lượng thỏa ước” - ông Phan Thanh Tùng, chuyên viên chính sách - pháp luật LĐLĐ quận 12, nhấn mạnh.
Về việc xây dựng Thư viện TƯLĐTT, đến nay, LĐLĐ TP HCM đã tiến hành scan 4.456 bản; phân loại, chấm điểm và lập bìa đưa lên thư viện Tổng LĐLĐ Việt Nam 955 bản. “Thông qua cơ sở dữ liệu thư viện, từ các bản TƯLĐTT có nhiều nội dung có lợi cho NLĐ, LĐLĐ TP đã tổng hợp, chọn lọc và xây dựng bộ tài liệu giới thiệu đến các đơn vị. LĐLĐ TP đang kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam sớm đưa thư viện vào khai thác để làm cơ sở tham khảo, vận dụng vào thực tiễn, qua đó nâng dần chất lượng thỏa ước” - ông Giang Văn Nam cho biết.
Chế tài lỏng lẻo
Về việc còn nhiều đơn vị không xây dựng thỏa ước hoặc chỉ làm để đối phó, nhiều cán bộ CĐ cho rằng một phần do pháp luật không có chế tài đối với các DN trốn tránh ký kết TƯLĐTT.
Bà Nguyễn Thị Thanh Dân, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, cho biết một số DN chăm lo tốt cho NLĐ nhưng không đưa vào thỏa ước mà chỉ đưa vào nghị quyết hội nghị NLĐ. “Lý do là DN sợ tranh chấp bởi một khi đã đưa vào thỏa ước thì không thay đổi được, còn nếu chỉ đưa vào nghị quyết hội nghị thì có thể thay đổi theo từng năm, tùy vào tình hình sản xuất - kinh doanh của đơn vị” - bà Dân giải thích.
Bên cạnh đó, việc thiếu chế tài là một trong những lý do khiến DN làm ngơ với việc ký kết TƯLĐTT. Theo quy định, DN chỉ bị xử phạt khi đã ký kết nhưng không nộp cho cơ quan quản lý lao động, còn đối với các đơn vị không ký kết thì không có biện pháp chế tài nên nhiều chủ DN “làm lơ”. Do đó, theo ông Phạm Văn Hoa, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh, nếu DN chưa tự giác thực hiện thì luật cần có chế tài.
Ngoài ra, thủ tục phiền hà cũng khiến nhiều DN e ngại xây dựng TƯLĐTT. Theo ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 8, việc nhận, quản lý thỏa ước đã được phân cấp cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng mỗi cán bộ hướng dẫn mỗi khác.
“Việc thiếu thống nhất về mẫu TƯLĐTT là một cái khó. Có cán bộ chấp nhận thỏa ước chỉ thể hiện những điều khoản cao hơn luật nhưng có người lại yêu cầu phải đưa những điều khoản của luật vào nội dung thỏa ước. Điều này khiến DN phải đi lại nhiều lần, kết quả là họ làm để cơ quan quản lý nhà nước “cho qua” chứ không phải vì muốn cam kết với NLĐ” - ông Phúc băn khoăn.
Ông GIANG VĂN NAM, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM:
Tăng cường vai trò tổ chuyên gia TƯLĐTT
Ký kết TƯLĐTT là thước đo, phản ánh mức độ chăm lo của người sử dụng lao động. Vì vậy, việc thương lượng, ký kết thỏa ước là nội dung rất quan trọng, cũng là nhiệm vụ mà CĐ cơ sở cần tập trung thực hiện nhằm bảo vệ đoàn viên. Đề án Thư viện TƯLĐTT cũng không ngoài mục tiêu hỗ trợ CĐ cơ sở trong việc thương lượng với chủ DN. Song song với việc thực hiện đề án, LĐLĐ TP HCM cũng đã thành lập tổ chuyên gia TƯLĐTT nhằm hỗ trợ tối đa cho CĐ cơ sở trong việc xây dựng, ký kết TƯLĐTT.
Bình luận (0)