"Mày cho con Anh Thư nghỉ việc ngay ngày mai". Cuộc gọi lúc 2 giờ sáng ngày 25-12-2014 khiến tôi ngỡ ngàng.
Trong danh bạ điện thoại, sếp tôi có tên Mr. Bean vì ông là người nước ngoài. Ở xứ của ông, đồng hồ đi chậm hơn Việt Nam 7 tiếng đồng hồ. Không biết có phải vì chưa thay đổi được "đồng hồ sinh học" mà ông toàn gọi cho tôi lúc nửa đêm. Vì tôi là trưởng phòng nhân sự nên cuộc gọi cho tôi chủ yếu là vấn đề con người. Tôi hỏi các trưởng phòng khác thì họ hoàn toàn không gặp vấn đề như của tôi.
6 năm trước, Mr. Bean nhận chức được 2 tháng thì tôi nhận được "cuộc gọi lúc nửa đêm" đầu tiên. Tôi nhớ rất rõ vì hôm đó chồng tôi thức làm việc muộn. Nghe sếp gọi cho tôi anh bực mình: "Thằng cha đó không biết ngủ hả? Đồ tư bản bóc lột".
Lần đó sếp nói với tôi ý tưởng về việc thu gọn bộ máy ở các phòng. Sếp nói: "Tao không tưởng tượng được cảnh một người suốt ngày ngồi chơi rồi cuối tháng lãnh lương. Phải cho nghỉ việc những kẻ ăn không ngồi rồi và không có liêm sĩ như vậy".
Thì ra sếp đã nhận thấy sự bất cập trong bộ máy của người điều hành cũ. Chẳng hạn, ông nói, trực điện thoại không nhất thiết phòng nào cũng phải có 1 người mà nên gom lại 1 người. Tiếp vận nguyên phụ liệu tại sao phòng kinh doanh đã có mà phòng kế toán và tài vụ cũng có? Phải cho nghỉ việc bớt ít nhất là 1 người...
Ông bảo tôi có trách nhiệm phối hợp, rà soát để làm cho bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Ông nhấn mạnh: "Như vậy tao mới trả lương cao cho mày được, còn không, mày cũng sẽ bị thay thế".
Lần đó, sau khi rà soát, bộ phận gián tiếp dôi dư 17 người. Khi tôi trình danh sách, ông nói gọn lỏn: "Để đó cho tao". Hai ngày sau, lúc 1 giờ sáng, ông gọi điện thoại: "Tại sao có 3 người làm việc tốt mà bị đưa vào danh sách? Tụi bây có thù ghét cá nhân hay không?".
Tôi biết rõ 3 người đó. Vì họ không có tinh thần làm việc đội nhóm nên ở các bộ phận đề xuất cho nghỉ. Tôi nói với Mr. Bean điều này. Ông bảo: "Giữ lại để tao sử dụng việc khác". Sau đó ông bảo tôi nên tăng gấp đôi trợ cấp mất việc cho những người này với lý do: "Để cảm ơn vì những đóng góp trước đó của họ".
Sau lần đó, tôi bắt đầu bớt sợ những cuộc gọi lúc nửa đêm của giám đốc nhưng vẫn còn lấn cấn. Có nhiều việc cách xử lý của ông và tôi khác nhau đến độ không dung hòa được.
Chẳng hạn như trong trường hợp một quản đốc phân xưởng "mắt nhắm, mắt mở" để cho công nhân lấy cắp hàng của công ty. Khi phát hiện, ông gọi cho tôi lúc 2 giờ sáng với giọng bực tức: "Ngay ngày mai, tao không muốn thấy mặt kẻ cắp ấy nữa".
Tôi bảo không được, phải xử lý đúng quy định của pháp luật. Nghĩa là phải tổ chức cuộc họp có mặt đầy đủ các thành phần rồi mới ra quyết định xử lý. Ông gạt phăng: "Tao không cần cuộc họp đó. Nếu mày không làm quyết định cho tao ký vào sáng mai thì người phải nghỉ việc là mày".
Tôi hiểu giám đốc của tôi rất ghét hành vi ăn cắp nhưng hoàn cảnh của anh quản đốc rất đáng thương. Vợ anh ta mới sinh con, còn mẹ già thì bệnh nặng. Có lẽ những công nhân kia cũng chia chác cho anh ta chút ít trong số tiền bán hàng hóa lấy cắp của công ty để giải quyết khó khăn. Anh ta đángtrách nhưng cũng đáng thương.
Tôi nói với Mr. Bean: "Nên chuyển anh ta xuống làm công việc khác vì hiện nay anh ta rất khó khăn. Nếu nghỉ việc thì gia đình sẽ đói". Nhưng giám đốc của tôi khăng khăng: "Tao trả lương cho anh ta đủ sống mà? Còn chuyện gia cảnh khó khăn, sao không làm đơn gửi công ty xem xét mà lại ăn cắp? Tao không nói anh ta ăn cắp nhưng hành vi dung túng cho kẻ cắp còn nguy hiểm hơn. Tao không muốn chuyện đó xảy ra trong công ty".
Lần đó do không chấp hành mệnh lệnh của giám đốc nên tôi bị cắt hết tiền thưởng. Còn Mr. Bean thì sau đó phải ra tòa lao động vì quyết định mà ông ta nhờ cô thư ký soạn và ký ban hành. Lần đó công ty thiệt hại hơn 500 triệu đồng do phải bồi thường các khoản vì đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Đã vậy, tòa còn buộc phải nhận lại anh quản đốc kia. Do Mr. Bean "không muốn thấy mặt" anh quản đốc nên công ty phải bỏ ra thêm một khoản tiền để anh ta đồng ý nghỉ việc.
Sau khi có phán quyết của tòa, ông giám đốc gọi tôi lúc 2 giờ sáng: "Tao biết mày đúng nhưng ở xứ tao, muốn đuổi là đuổi chứ không rắc rối như ở đây. Mai tao yêu cầu phòng tài chính tính toán, truy trả lại cho mày các khoản bị cắt trước đây". Đó có lẽ là cuộc gọi lúc nửa đêm dễ chịu nhất của Mr. Bean kể từ ngày ông nắm quyền điều hành công ty.
Thế nhưng điều khiến tôi hoàn toàn không dễ chịu là thời gian ông gọi điện thoại cho tôi. Tại sao không gọi sớm hơn mà cứ nhằm lúc người ta đang ngủ say lại gọi? Có lần tôi hỏi Mr. Bean thì ông nói: "Đó là lúc đầu óc tao sáng suốt nhất, có thể nhận thức vấn đề một cách rõ ràng nhất, quyết định dứt khoát nhất". Tôi cãi: "Nhưng ông vẫn có những quyết định sai kia mà?". Giám đốc của tôi lắc đầu: "Sai là với luật pháp của Việt Nam thôi; còn với tao, những điều đó hoàn toàn đúng. Điều quan trọng là tao quyết định và chịu hoàn toàn trách nhiệm chứ không đùn đẩy như nhiều người mà tao thấy. 6 năm làm việc ở đây, tao học được từ "đổ thừa". Đó là một từ tệ hại".
Về điểm này, tôi khá nhất trí với sếp. Thế nhưng chuyện cho cô Anh Thư nghỉ việc thì đã mấy ngày trôi qua rồi mà tôi vẫn chưa tìm thấy sự chính đáng, hợp pháp trong yêu cầu của sếp.
Tình cờ sếp đi ngang phòng nơi cô Anh Thư làm việc vào giờ nghỉ giải lao và thấy nữ nhân viên ấy ngồi trên bàn làm việc, gác cả một chân lên bàn và khoa chân, múa tay nói chuyện. "Hành vi đó không nên có ở một người phụ nữ Việt Nam". "Nhưng trong nội quy công ty không quy định hành vi này"- tôi chống chế. "Nội quy là do chúng ta đề ra, nếu chưa có thì thêm vào".
Thấy thái độ của "Hột Đậu" như vậy, tôi biết cô Anh Thư có nguy cơ mất việc rất cao. Và sếp tôi cũng có nguy cơ hầu tòa cao như vậy. Các bạn có cách gì giúp cải tạo vị sếp kỳ quặc của tôi không?
Bình luận (0)