xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thu hút đoàn viên bằng các chương trình phúc lợi

Bài và ảnh: VĂN DUẨN

Hàng triệu lượt đoàn viên, người lao động đã được các cấp Công đoàn chăm lo thông qua các chương trình "Tết sum vầy", "Chất lượng bữa ăn giữa ca" và nhiều chương trình phúc lợi thiết thân khác

Chiều 24-4, Hội nghị lần thứ 4 Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XII) đã khai mạc, dưới sự chủ trì của ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận, thông qua nhiều nội dung quan trọng như: Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về nâng cao phúc lợi cho đoàn viên và người lao động (NLĐ); báo cáo một số vấn đề lớn trong dự án Bộ Luật Lao động sửa đổi; xây dựng nguồn lực đủ mạnh đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn (CĐ) trong tình hình mới…

Được thụ hưởng hàng ngàn tỉ đồng

Trong những năm qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng nhiều chương trình lớn, hoạt động tập trung, triển khai ngày càng đồng bộ ở các cấp CĐ để chăm lo nhiều hơn về lợi ích cho đoàn viên và NLĐ. Kết quả thực hiện chương trình "Tết sum vầy" do Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo từ năm 2015 đến nay, các cấp CĐ tích cực tập trung chỉ đạo tổ chức, triển khai đã tạo bước chuyển biến khá sâu rộng; huy động thêm được nhiều nguồn lực xã hội hóa để thực hiện mục tiêu mọi đoàn viên, NLĐ đều có Tết; giúp đỡ nhiều đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc làm... có điều kiện về sum họp bên gia đình mỗi dịp Tết đến, xuân về. Từ nguồn kinh phí CĐ và vận động được, CĐ đã tổ chức, tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu, tổ chức xe đưa, đón hơn 10 triệu lượt đoàn viên, NLĐ về quê vui Tết, đón xuân cùng gia đình, với tổng số tiền hơn 11.000 tỉ đồng.

Nhằm góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm lo sức khỏe cho đoàn viên, NLĐ, góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc, năm 2016, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Nghị quyết về "Chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ", là cơ sở để các cấp CĐ thực hiện mục tiêu này. Sau 3 năm đưa nghị quyết vào cuộc sống, đến nay đã có trên 2.280 CĐ cơ sở đối thoại, thương lượng thành công nâng giá trị bữa ăn giữa ca từ 15.000 đồng/suất trở lên cho hơn 587.000 NLĐ.

Đặc biệt, "Chương trình phúc lợi cho đoàn viên CĐ" với điểm khởi đầu là năm 2017, chủ đề "Năm vì lợi ích đoàn viên", đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong tư duy về hoạt động CĐ theo hướng mang lại lợi ích nhiều hơn cho đoàn viên CĐ, tạo sự khác biệt rõ nét so với NLĐ chưa là đoàn viên CĐ.

Chỉ sau hơn một năm triển khai thực hiện, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp CĐ đã tổ chức đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác với trên 1.700 đối tác là các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và NLĐ, tổng giá trị lợi ích tăng thêm là 600 tỉ đồng /năm, với tổng cộng trên 2 triệu lượt đoàn viên/năm trực tiếp hưởng lợi.

Thu hút đoàn viên bằng các chương trình phúc lợi - Ảnh 1.

Lãnh đạo LĐLĐ TP Hà Nội tặng quà cho công nhân khó khăn trong chương trình “Tết sum vầy”

"Để tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết về nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, trung tâm văn hóa, tư vấn pháp luật, chăm sóc y tế, cơ sở vật chất về thể dục, thể thao... cho đoàn viên, NLĐ, các cấp CĐ đã chủ động tranh thủ sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền sở tại tổ chức triển khai tích cực đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN, KCX được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 5-2017. Kết quả sẽ hình thành những điều kiện mới gắn kết chặt chẽ hơn giữa đoàn viên với tổ chức CĐ" - Chủ tịch Bùi Văn Cường cho biết.

Chăm lo mọi mặt

Theo dự thảo chương trình "Chăm lo lợi ích cho đoàn viên và NLĐ giai đoạn 2018-2023", tổ chức CĐ dự kiến sẽ triển khai đầu tư xây dựng tối thiểu 50 thiết chế của tổ chức CĐ gồm: nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, tư vấn pháp luật... tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn từ 3.000 căn nhà/năm trở lên theo chương trình "Mái ấm CĐ".

Một trong những chỉ tiêu đáng chú ý khác là hằng năm, 100% LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành trung ương, CĐ tổng công ty tổ chức chương trình "Tết sum vầy", tạo điều kiện để đoàn viên CĐ được sum họp với gia đình và hướng tới mục tiêu mọi đoàn viên đều được chăm lo trong dịp Tết. Số đoàn viên CĐ được hỗ trợ chăm lo Tết trên 3 triệu người/năm. Mỗi năm phấn đấu hơn 300.000 đoàn viên CĐ được tạo việc làm và thu nhập ổn định từ nguồn Quỹ Trợ vốn cho công nhân, lao động nghèo tạo việc làm và quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Hằng năm, từ 20% đoàn viên CĐ trở lên được hưởng các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi từ các đối tác đã ký kết chương trình phối hợp với các cấp CĐ. Theo các đại biểu, các chỉ tiêu này là phù hợp, đáp ứng được nguyện vọng của đoàn viên và NLĐ.

Thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-BCH ngày 25-2-2016 của Tổng LĐLĐ "Về nâng cao chất lượng bữa ăn ca của NLĐ", đến nay, tỉ lệ doanh nghiệp (DN) có hình thức hỗ trợ bữa ăn giữa ca cho NLĐ đạt 90,3%; có 2.281 CĐ cơ sở đối thoại, thương lượng nâng giá trị bữa ăn ca lên từ 15.000 đồng/người. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học - An toàn và Vệ sinh lao động, 90% khẩu phần bữa ăn giữa ca của NLĐ bị thiếu so với nhu cầu tái tạo sức lao động. Chất lượng lương thực, thực phẩm và điều kiện chế biến chưa bảo đảm dẫn đến nhiều vụ ngộ độc tập thể trong công nhân. Nhiều vụ đình công xảy ra do bữa ăn ca không bảo đảm. Nguyên nhân là nhiều DN, cơ sở chế biến chưa quan tâm, thiếu kiểm tra giám sát, cắt xén quyền lợi của NLĐ. Đặc biệt, chưa có quy định pháp luật và chế tài xử lý về vấn đề này khiến NLĐ gặp khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi, các cơ quan chức năng không kiểm soát được chất lượng bữa ăn ca. 

Quy định bữa ăn giữa ca trong luật

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) ở thời điểm hiện nay chưa đặt ra vấn đề bữa ăn giữa ca của NLĐ. Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc bữa ăn ca không có trong quy định của pháp luật khiến nhiều DN hiểu là không mang tính bắt buộc, phụ thuộc vào "lòng tốt" của doanh nghiệp và khả năng thương lượng của hai bên. Do vậy, Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị bổ sung bữa ăn giữa ca vào nội dung thương lượng tập thể bắt buộc trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi); đồng thời quy định DN bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng bữa ăn cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn giữa ca cho công nhân.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo