17 giờ, chúng tôi theo chân chị Hoàng Thị Hoa, công nhân (CN) đang làm việc tại một doanh nghiệp ở KCN Bình Đường (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), đi chợ mua thực phẩm chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Nơi Hoa đến là chợ tự phát gần KCN và đối tượng phục vụ chính là CN. Gần nửa giờ rảo quanh chợ, chị nhiều lần lắc đầu rồi rời đi vì giá một số món quá cao.
Thắt lưng buộc bụng
Kim đồng hồ chỉ 18 giờ, lo chồng con ở nhà đói bụng, Hoa quyết định mua nửa kg cá nục với giá 15.000 đồng và một mớ đậu bắp, rau muống với giá 10.000 đồng. Tổng chi phí cho bữa cơm chiều là 25.000 đồng. Thấy chúng tôi ái ngại, Hoa cười trừ: "Cuối tháng, chưa lãnh lương nên phải chi tiêu dè sẻn anh ạ. Cuối tuần, tôi cũng muốn bữa ăn "có chất" cho cả nhà nhưng thu nhập hiện tại không cho phép. Như hôm nay, chỉ tiêu hết 25.000 đồng là nhiều lắm rồi".
Mớ cá nục mà chị Hoa chọn mua thực chất chỉ là hàng dạt, đã dậy mùi khai. Rất nhiều sạp trong chợ bày bán các loại như cá nục, cá bạc má... có hiện tượng như vậy và hầu hết được ngâm trong nước đá. Chỉ cần lấy ngón tay nhấn nhẹ là thân cá sẽ bị lõm xuống. Có sạp còn bày bán nhiều loại cá đã chuyển sang màu nhạt.
Công nhân mua thực phẩm tại một khu chợ tự phát
Một tiểu thương ở chợ giải thích thực phẩm tươi sống ở đây do lấy từ sáng sớm và để đến chiều nên không còn tươi ngon. "Chợ chủ yếu bán cho CN nên giá phải mềm chứ bán đắt hơn thì họ không mua. Người ta ở dưới quê lên đây làm công ăn lương nên phải thắt lưng buộc bụng chứ không thể xài sang" - tiểu thương này phân bua.
Khảo sát các khu chợ cóc, chợ tạm nằm gần KCN Bình Đường, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều tiểu thương bày bán các loại cá, mực... đã chuyển qua màu tím nhạt. Đặc biệt, nội tạng động vật được bán với giá khá bèo, chỉ vài chục ngàn/kg. Thịt heo có giá 80.000 đồng/kg; riêng gà làm sẵn nguyên con và được đông đá bán khá rẻ, chỉ 40.000 đồng/con. Biết rõ là gà thải loại nhưng nhiều nam CN vẫn mua về làm mồi nhậu.
Thu nhập bèo bọt, bữa cơm teo tóp
Dọc Quốc lộ 1A, nhất là đoạn trước Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, các loại cá, mực ôi thiu đã chuyển màu cũng được tiểu thương bày bán tràn lan. Tan ca, CN các doanh nghiệp lân cận thường ghé chợ chồm hổm để mua đồ về nấu.
"Biết là hàng dạt nhưng tụi em phải chấp nhận thôi vì đồng lương không cho phép. Tiểu thương ở đây biết tâm lý CN hám rẻ nên lâu lâu cũng... khuyến mãi thêm" - chị Cao Thị Hồng, một CN, cho biết.
Cuộc sống của đại bộ phận CN nhập cư, đặc biệt là CN tại các KCX-KCN, còn nhiều khó khăn. Thu nhập eo hẹp, lại phải san sẻ khó khăn với người thân ở quê nên họ phải tính toán rất chi li các khoản chi tiêu. "Tổng thu nhập hằng tháng tròm trèm 8 triệu đồng trong khi phải trả tiền thuê nhà, điện, nước, tiền sữa cho con... nên vợ chồng em phải hết sức tiết kiệm. Vậy mà có tháng phải vay mượn bạn bè để trang trải. Bữa cơm hằng ngày hôm nào có thịt, có cá là phấn khởi lắm" - chị Hồng bộc bạch.
Trò chuyện với chúng tôi, CN Lê Thị Dung, đang làm việc tại Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, chia sẻ: "Mỗi bữa ăn cho gia đình có 4 người gói ghém lắm phải mất từ 30.000-40.000 đồng. Thực phẩm tôi mua chủ yếu ở chợ tạm chứ lấy tiền đâu mà vô siêu thị. Muốn bữa ăn có thêm thịt, cá tươi ngon thì phải chi ít nhất 100.000 đồng/ngày và điều này nằm ngoài khả năng của CN".
Chị Dung nói rất lo lắng khi mua thực phẩm tại các khu chợ tạm bởi nguồn gốc không rõ ràng, chưa kể nguy cơ ngộ độc rất lớn. Để bảo vệ sức khỏe cho cả nhà, thực phẩm mua ở chợ về được chị rửa rất kỹ, nhất là các loại rau, củ, quả, rồi mới chế biến. Thế nhưng, đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Thu nhập thấp, đừng mơ ăn ngon
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều chủ nhà trọ ở quận Thủ Đức và Bình Tân (TP HCM) bày tỏ lo ngại khi chứng kiến cảnh CN mua thực phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán ở các chợ tạm. Phần lớn CN biết sẽ gặp rủi ro khi sử dụng các loại thực phẩm nói trên, nhất là nguy cơ ngộ độc nhưng đành phải chấp nhận. Một tiểu thương chuyên bán hải sản cho CN tại KCX Linh Trung 2 (quận Thủ Đức) nói thẳng: "Tiền nào của đó. Giá mực tươi tại các chợ đầu mối đã 200.000 đồng/kg, cá nục loại 1 giá 150.000 đồng/kg. Hàng về bán tại các chợ tạm, chợ chồm hổm chủ yếu là hàng loại 2 hoặc loại 3 và chủ yếu bán cho người có thu nhập thấp, trong đó có CN. Nói thật là với thu nhập bèo bọt thì CN khó có bữa ăn ngon".
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-12
Kỳ tới: Đưa thực phẩm sạch đến công nhân
Bình luận (0)