Đề xuất của Bộ Tài chính ngay lập tức khiến các chuyên gia cũng như hàng triệu người lao động lo lắng, phản ứng bởi lương tối thiểu vùng còn chưa đủ sống mà chi phí tiêu dùng đang có nguy cơ leo thang theo thuế VAT.
Thêm gánh nặng cho đời sống người lao động
Với mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu, Bộ Tài chính đề nghị sửa 5 luật thuế trong đó tạo dư luận trái chiều nhiều nhất là kiến nghị sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) với 2 phương án nâng thuế suất từ 10% lên 12% kể từ ngày 1-1-2019 và tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1-1-2018 và 14% từ ngày 1-1-2021, đồng thời điều chuyển nhiều nhóm hàng như nước sạch, thực phẩm từ mức 5% sang 10%.
Với đề xuất này, hầu hết các hàng hoá, dịch vụ "sát sườn" với người dân, NLĐ sẽ bị tăng thuế VAT từ 5% đến 7%. Việc tăng thuế trong bối cảnh nhiều loại thuế phí khác như học phí, viện phí cũng tăng khiến nhiều người lo ngại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu đồng loạt tăng giá và đời sống người dân, đặc biệt là NLĐ có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Công nhân đi chợ sau giờ tan ca. Ảnh: Sơn Tùng
Chia sẻ với chúng tôi, chị Lê Thu Minh (chuyên viên văn phòng) cho biết sẽ "thắt chặt" chi tiêu mặc dù mức lương cơ sở từ 1-7-2017 tăng từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng. Chị Minh lý giải: "Lương cơ bản của tôi là 4.758.000 đồng/tháng, với số tiền trên cuộc sống gia đình tôi đã rất khó khăn và không có tích lũy.
Bởi hiện nay riêng chi trả tiền điện, nước đã hơn 1,4 triệu đồng/tháng; giá xăng thì lại mới tăng gần 500 đồng/lít từ ngày 19-8. Do đó sắp tới thuế VAT lại tăng thì giá nước, giá điện, giá mặt hàng tiêu dùng chắc chắn sẽ tăng dẫn tới gia đình tôi bắt buộc phải "thắt chặt" chi tiêu. Bởi nếu không tiết kiệm thì những lúc con cái, vợ chồng ốm đau biết lấy kinh phí đâu mà chi trả tiền thuốc men, khám-chữa bệnh, nhất là đang trong đợt dịch sốt xuất huyết".
Khi được hỏi có biết là sắp tới thuế VAT một số mặt hàng thiết yếu sẽ tăng hay không, anh Lê Xuân Trường (quê Nam Định, đang làm công nhân (CN) tại KCN Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội, đồng thời làm xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập), đã thoáng giật mình rồi thở dài: "Đời sốngCN KCN hiện nhiều vất vả. Trong thời gian tới nếu áp dụng tăng thuế VAT thì đời sống của chúng tôi càng khó thoát khỏi cảnh nghèo khó triền miên. Bởi công nhân thuê trọ chúng tôi luôn gắn với giá điện, giá nước cao, nếu tăng thuế VAT thì chắc chắn chủ nhà trọ sẽ tăng theo. Chưa kể sắp tới LTT vùng tăng vào đầu năm 2018 thì kiểu gì các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm cũng "tát nước theo mưa", tăng giá đồng loạt".
Cùng quan điểm, nhiều chuyên gia nhận định người lao động (NLĐ) có thu nhập thấp chính là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thuế VAT điều chỉnh theo đề xuất của Bộ Tài chính. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng việc tăng thuế VAT với những mặt hàng thiết yếu của người nghèo như thực phẩm, nước sạch sẽ khiến giá cả đồng loạt tăng và người có thu nhập thấp càng chịu thiệt. Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh - cũng cho rằng, thuế VAT là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào hàng hoá, nên tăng thuế, giá hàng hóa sẽ tăng lên vừa làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng, đặc biệt là người nghèo, vừa khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi.
Phân tích về ảnh hưởng của việc tăng thuế VAT, một chuyên gia khác đưa ra ví dụ khi tăng thuế VAT, cả xã hội cùng chịu mức tăng như nhau trong khi một NLĐ thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng phải dành từ 60-80% thu nhập cho ăn uống tiêu dùng, đi lại, còn chi phí này với người thu nhập cao từ 80-100 triệu đồng/tháng có khi chỉ chiếm 30%. Do đó, khi giá cả tăng lên, người giàu chỉ bị ảnh hưởng rất ít, còn người nghèo sẽ rất chật vật, nhất là khi lương cơ bản vùng còn chưa đủ sống với nhiều người.
NLĐ cần được bảo đảm các nhu cầu tối thiểu
Đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính được các chuyên gia và dư luận nhận định là không phù hợp, đặc biệt là khi đưa các nhóm hàng thiết yếu như nước sạch, thực phẩm vào nhóm tăng thuế.
Chuyên gia Ngô Trí Long nhận định, thuế và phí tại Việt Nam đang còn cao so với thu nhập của người dân nên thời điểm này đề xuất tăng thuế là không phù hợp. Cùng quan điểm, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng việc Bộ Tài chính so sánh thuế VAT tại Việt Nam với các nước giàu để làm căn cứ tăng thuế là "quá khập khiễng và người dân, đặc biệt là NLĐ thu nhập thấp cần được bảo đảm các nhu cầu tối thiểu".
Chuyên gia này cho rằng với một số mặt hàng không khuyến khích như rượu, bia thì có thể xem xét điều chỉnh tăng, chứ không nên tăng đại trà hay nhắm vào các mặt hàng thiết yếu mà người nghèo phải dùng. Chuyên gia này cũng bác bỏ quan điểm cho rằng cần tăng thuế theo thông lệ quốc tế vì "không có thông lệ quốc tế nào như thế này". Không chỉ lo ngại tác động xấu tới nền kinh tế cũng như đời sống của người dân, các chuyên gia còn lo ngại việc tăng thuế VAT sẽ thúc đẩy các hành vi gian lận thuế, hoàn thuế VAT và mục tiêu tăng thu sẽ không đạt.
Khi được hỏi về những phản ứng của dư luận quanh đề xuất tăng thuế VAT, đại diện Bộ Tài chính không bình luận trực tiếp vào vấn đề mà chỉ lý giải việc điều chỉnh thuế VAT là vì mức thuế suất thông thường 10% tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia và một số hàng hóa dịch vụ như nước sạch; thực phẩm đã được xã hội hóa mạnh mẽ nhưng vẫn chịu thuế suất 5%, chưa bình đẳng với những ngành nghề, lĩnh vực khác đang chịu thuế suất 10%.
Nỗi thất vọng tăng lương chưa qua, nỗi lo tăng thuế lại kéo đến
Vội vàng đội chiếc nón cũ rồi dạo nhanh ra chợ mua con cá về nấu cháo cho đứa con đang ốm, chị Vy (CN may, đang ở trọ trên đường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM) chợt dừng lại khi được hỏi về việc sắp tới thuế VAT sẽ tăng. Chị hỏi lại: "Tăng thuế tức là mọi thứ mình mua sẽ tăng lên đúng không?".
Theo lời chị Vy, thu nhập mỗi tháng của chị vào khoảng 6 triệu đồng, có hai đứa con phụ thuộc nên lương không đủ để trừ thuế thu nhập cá nhân do đó chị không để ý đến thuế. Nhưng nếu tăng thuế VAT tức là bây giờ mua cái gì giá cũng cao hơn trước thì chị không thể bàng quan được nữa. "Chắc chủ nhà trọ cũng sẽ tăng tiền nhà lên, tiền điện, tiền nước cũng sẽ tăng lên. Riêng hai khoản đấy đã tốn cả trăm ngàn đồng. Chưa kể, bây giờ ra chợ mua chai dầu gội, chai mắm, cái áo, cái quần, giấy vệ sinh… tất cả đều tăng lên. Nhìn mỗi món vài ngàn, hoặc vài trăm đồng tưởng là nhỏ, nhưng gộp chung lại là một khoản rất lớn. Mà không có cái gì bù vào thì chỉ có thắt lưng buột bụng. Nếu tăng thuế, có khi nào con tôi ốm, sẽ không có tiền để mà mua con cá cải thiện như bữa nay không?".
Thất vọng, lo lắng là chia sẻ của nhiều gia đình CN khi được hỏi về việc tăng thuế VAT sắp tới. Anh Nguyễn Minh Hải (làm việc tại KCX Tân Thuận, TP HCM) chia sẻ: "Cứ nghĩ đến đợt tăng lương vừa rồi thì sẽ thấy, sắp tới áp lực đối với CN sẽ khủng khiếp như thế nào. Năm 2018, mức tăng LTT là từ 180.000 đồng đến 230.000 đồng/tháng, tùy vào khu vực. CN thất vọng vô cùng vì mức tăng quá thấp, không đủ bù vào mức tăng giá, chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của CN. Vậy mà bây giờ lại nghe thông tin tăng thuế. Đúng là nỗi thất vọng vì tăng lương chưa qua, bây giờ nỗi lo tăng thuế lại kéo đến".
LÊ TUYẾT
Bình luận (0)