Thông tin từ Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Colab), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết ngày 23-3 tới đây, kỳ thi kỹ năng đặc định (KNĐĐ) số 1 sẽ lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Kỳ thi lần này đã được sự thống nhất của cơ quan chức năng Nhật Bản và Việt Nam để chọn 30 ứng viên. Đơn vị tổ chức là Hiệp hội Nguồn nhân lực xây dựng Nhật Bản (JAC), ngành nghề thi tuyển là thi công cốt thép - một trong 14 ngành mà người lao động (NLĐ) Việt Nam được ứng tuyển để lấy visa KNĐĐ số 1.
Thị trường ấm lên
Kỳ thi đánh giá KNĐĐ là kỳ thi để các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đánh giá trình độ chuyên môn cũng như ngoại ngữ của NLĐ muốn tham gia chương trình visa đặc định. Thông qua kỳ thi này, NLĐ được xem xét có phù hợp và đạt yêu cầu theo quy định hay không. Nếu đỗ và tham gia các đơn hàng theo diện KNĐĐ, NLĐ sẽ nhận được nhiều đãi ngộ hấp dẫn cũng như mức lương khá cao.
Nhiều lao động trẻ tích cực học tập, rèn luyện để tìm kiếm cơ hội việc làm tại Nhật Bản
Thông tin về kỳ thi KNĐĐ đầu tiên được phát đi trong bối cảnh thị trường xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Ông Huỳnh Ngọc Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhân lực Quốc tế Sovilaco (quận Tân Bình, TP HCM), cho rằng kỳ thi này là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh dịch bệnh ở Nhật Bản vẫn còn phức tạp. Cuộc thi này sẽ giúp các DN phái cử NLĐ sang Nhật tự tin hơn, bản thân NLĐ cũng lạc quan hơn.
Điều quan trọng không kém là niềm tin về thị trường vẫn rộng mở, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng các DN Nhật Bản vẫn có nhu cầu tuyển dụng rất cao. Trong đó, họ đặc biệt quan tâm đến lao động có chất lượng.
Kỳ thi lần này sẽ mở đầu cho nhiều kỳ thi KNĐĐ tiếp theo được tổ chức ở Việt Nam với nhiều ngành nghề khác nằm trong nhóm ngành được quy định. Qua đó, sẽ đa dạng hóa cơ hội tham gia thị trường lao động tại Nhật dành cho lao động Việt Nam, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu rủi ro so với dự thi ở Nhật.
Ông Huỳnh Ngọc Thông giải thích: "Khi đi theo diện KNĐĐ, NLĐ cần có kinh nghiệm về công việc. Nhật Bản tuyển lao động theo diện KNĐĐ vì DN sẽ không mất thời gian cũng như chi phí để đào tạo và hướng dẫn công việc, lại tiếp nhận được lao động chất lượng. Chính vì vậy, trong kỳ thi đánh giá KNĐĐ, NLĐ sẽ trải qua các hình thức nhằm thể hiện trình độ tay nghề đến đâu, kiến thức công việc có đạt trình độ mà các DN yêu cầu hay không".
Ông Thông cho biết đây là chương trình mà Việt Nam kỳ vọng nhiều, tương lai sẽ có một lực lượng lao động chất lượng cao khi sang Nhật Bản làm việc, nâng cao tay nghề, kỹ năng, cải thiện tác phong làm việc công nghiệp, ngoại ngữ… Sau đó, họ quay trở về làm việc và đóng góp cho nước nhà.
Mở ra cơ hội việc làm lâu dài
Việc chính thức triển khai chương trình lao động KNĐĐ đã mở ra cánh cửa việc làm rộng lớn cho NLĐ muốn sang Nhật Bản làm việc.
Ông Trần Văn Khánh, Trưởng Bộ phận Phát triển nguồn nhân lực Công ty TNHH Esuhai (quận Tân Bình, TP HCM), cho rằng chương trình KNĐĐ sẽ mở ra cơ hội việc làm lâu dài, ổn định với thu nhập cao cho cả lao động Việt Nam đang ở Nhật Bản và những lao động đã về nước. Tuy còn nhiều khó khăn do dịch Covid-19 và các đợt thi có số lượng ít nhưng chương trình này sẽ giúp thị trường đưa lao động ra nước ngoài làm việc khởi sắc ngay trong đầu năm 2021.
"Kể từ khi chương trình được Nhật Bản thông qua và được Bộ LĐ-TB-XH ký kết triển khai, những DN làm trong lĩnh vực này rất vui mừng bởi được góp phần nhỏ của mình vào việc thông thương trong lĩnh vực lao động, việc làm giữa hai nước. Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của Dolab cũng như đối tác Nhật trong việc tuyển chọn, đào tạo và phái cử. Chúng tôi cũng đang có lực lượng ứng viên rất tiềm năng, đủ điều kiện để có thể tham gia chương trình KNĐĐ" - ông Khánh nói.
Điều đáng lưu ý khi triển khai chương trình KNĐĐ là cho phép môi giới việc làm nhưng không được thu tiền môi giới từ NLĐ. Các chi phí giới thiệu việc làm sẽ do cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản chi trả cho DN môi giới. Đây chính là thông tin mà nhiều NLĐ vui mừng bởi chi phí bỏ ra luôn là gánh nặng của họ. Từ nay, NLĐ có nhu cầu sang Nhật Bản làm việc bớt đi nỗi lo tài chính. Là chương trình trọng điểm, Bộ LĐ-TB-XH rất quan tâm nên việc quản lý cũng hết sức nghiêm ngặt, tránh những lỗ hổng bất cập, tránh lừa đảo NLĐ, bảo vệ NLĐ và DN phái cử.
"Điều kiện để DN được tham gia phái cử lao động KNĐĐ trước hết là phải được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hợp đồng ký với đối tác Nhật Bản tiếp nhận lao động KNĐĐ Việt Nam. DN phái cử phải có trách nhiệm quản lý và hỗ trợ NLĐ của mình căn cứ vào điều khoản ký trong hợp đồng dịch vụ phái cử đã ký với NLĐ trước khi xuất cảnh" - ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Dolab, lưu ý.
Theo ông Liêm, KNĐĐ là chương trình mới. Do vậy, DN phái cử cần nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định của hai nước để triển khai, tích cực tìm kiếm đối tác và thận trọng trong đàm phán ký kết hợp đồng cung ứng. Dolab sẽ theo sát, tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ các DN tích cực triển khai, giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy chương trình tiến hành có hiệu quả hơn.
Bình luận (0)