Sáng 30-9, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Triển khai kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) đến năm 2023 và công tác tuyên giáo 9 tháng đầu năm, triển khai các nhiệm vụ 3 tháng cuối năm và định hướng nhiệm vụ năm 2022. Ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, chủ trì.
Ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, chủ trì hội nghị - Ảnh: Việt Lâm
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 84 điểm cầu, gồm: Điểm cầu Trụ sở Tổng Liên đoàn, 63 điểm cầu tại trụ sở các LĐLĐ các tỉnh, thành phố, 20 điểm cầu tại các Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Tại Hội nghị, ông Vũ Anh Đức - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam - đã báo cáo nội dung cơ bản của "Kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS đến năm 2023".
Mục đích của Kế hoạch nhằm tăng cường thu hút người lao động vào công đoàn, mở rộng độ bao phủ CĐCS trong các cơ quan, đơn vị và các loại hình doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Tạo bước đột phá thành lập CĐCS và tập trung đẩy nhanh tiến độ phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.
Phấn đấu đến hết năm 2023 có 12 triệu đoàn viên và phấn đấu 100% số doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên đã đi vào hoạt động có tổ chức công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị. Tập trung phát triển tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo Kế hoạch, việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS phải đi đôi với củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS, trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của CĐCS, nâng cao chất lượng thương lượng tập thể, đối thoại tại nơi làm việc và thực hiện tốt công tác đoàn viên.
Các cấp công đoàn ưu tiên thực hiện nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; phải có kế hoạch, chỉ tiêu và biện pháp triển khai thực hiện cụ thể hàng năm, hàng quý, hàng tháng phù hợp với điều kiện thực tế tình hình dịch bệnh Covid-19; phân công rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cá nhân; có đánh giá tình hình thực hiện hàng năm, có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Coi nhiệm vụ phát triển đoàn viên là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 đến 2023 và những năm tiếp theo.
Để đạt được các chỉ tiêu trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tập trung tuyên truyền phát triển đoàn viên; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, tập trung nguồn lực rà soát, xây dựng phương án phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn; trong đó đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, đã đi vào hoạt động nhiều năm nhưng chưa thành lập CĐCS.
Lấy địa bàn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao và những nơi có nhiều doanh nghiệp làm trọng điểm chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Đối với nơi đã thành lập CĐCS, các công đoàn cấp trên tập trung hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp tài liệu CĐCS tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập Công đoàn, phấn đấu tăng tỷ lệ đoàn viên trên tổng số công nhân lao động ở doanh nghiệp.
Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS bằng các hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, giảm bớt những hoạt động không có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
Đổi mới cả về nội dung và hình thức các hoạt động phong trào theo hướng thu hút sự tham gia của số đông đoàn viên và người lao động; xây dựng cơ chế thông tin hai chiều giữa đoàn viên và ban chấp hành CĐCS thông qua đội ngũ cán bộ công đoàn từ tổ công đoàn trở lên và đội ngũ đoàn viên nòng cốt để nắm được nhiều nhất tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, truyền đạt được nhiều nhất, nhanh nhất các mặt công tác công đoàn đến đoàn viên…
Bình luận (0)