Kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho thấy sau Tết Nguyên đán, thành phố cần khoảng 44.800 - 55.600 lao động, tập trung ở các ngành như: dệt may - giày da; sản xuất, chế biến thực thẩm; cơ khí; hóa chất - dược - cao su; kiến trúc; xây dựng; bán buôn và bán lẻ; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; dịch vụ bảo vệ… Nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 86,39% tổng nhu cầu của thành phố, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 21,58%, cao đẳng 19,13%, trung cấp 25,08%, sơ cấp 20,6%.
Dệt may đứng đầu về nhu cầu lao động sau Tết Nguyên đán
* UBND TP HCM vừa ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong DN nhỏ và vừa. Đối tượng hưởng chính sách là người lao động (NLĐ) đang làm việc trong DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố quy định tại khoản 2 điều 14 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, được DN cử tham gia các khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoạt động dưới 3 tháng. Về độ tuổi, không quá 50 tuổi đối với nam và 45 tuổi đối với nữ.
Về chính sách hỗ trợ, NLĐ khi tham gia các khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo nhưng tối đa không quá 2 triệu đồng/người/khóa, mỗi người chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ này một lần. Trường hợp chi phí đào tạo nghề do cơ sở đào tạo quy định cao hơn mức hỗ trợ và các chi phí phát sinh khác khi học viên tham gia khóa đào tạo, phần chi phí chênh lệch sẽ do DN và NLĐ thỏa thuận đóng góp cùng sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. TP HCM cũng ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề đối với NLĐ thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và NLĐ làm việc trong các DN do nữ làm chủ.
Bình luận (0)