Phóng viên: Thưa ông, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể khiến nhiều người thất nghiệp. Đã có ý kiến cho rằng cần phải đào tạo nguồn nhân lực từ việc dạy tiếng Anh, công nghệ thông tin và các lao động cũng cần phải tái đào tạo lại. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?
PGS.TS Vũ Quang Thọ: Ở bất cứ thời kỳ nào, con người luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu, then chốt của mọi thất bại hay thành công. Vì vậy, đột phá về nguồn nhân lực chính là yếu tố sống còn của mỗi quốc gia. Tôi đồng tình với việc cần phải học tiếng Anh vì tiếng Anh hiện nay là ngôn ngữ phổ biến khắp thế giới, là phương tiện để con người đi vào khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, làm cho con người giao lưu học hỏi lẫn nhau và đó là cái rất cần thiết. Đúng là người lao động cũng cần phải được đào tạo tiếng Anh nhưng quan trọng nhất là những người chuẩn bị bước vào thị trường lao động mới, tức là các em học sinh phổ thông, sinh viên cần phải được đào tạo bài bản về tiếng Anh. Như Singapore chẳng hạn, họ coi tiếng Anh là một ngôn ngữ mà mỗi công dân cần phải biết. Cho nên đó chính là bước chuẩn bị cho đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai.
Ông vừa cho rằng đột phá về nguồn nhân lực là quan trọng nhất nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao nâng cao trình độ năng lực của những cán bộ trong bộ máy Nhà nước bởi đây là khối thiết kế ra chính sách, thực thi công vụ. Người có trình độ thiết kế ra những chính sách tốt sẽ đem lại sự phát triển cho xã hội và ngược lại, thưa ông?
- Trước tiên muốn có nguồn nhân lực tốt thì phải có chính sách về nguồn nhân lực tốt và do những người thiết kế ra chính sách, điều hành chính sách thực hiện. Đó là những người rất quan trọng, nhưng phần lớn trong số họ cũng gặp những vấn đề khó khăn vì đa phần đã ở tuổi ngoài 40, bây giờ đi học tiếng Anh thì khó có thể sử dụng một cách thông thạo. Điều quan trọng là từ tài liệu tiếng Anh có thể sử dụng nó như tài liệu tiếng Việt, biến tài liệu đó thành của mình để vận dụng nó, biến nó thành khoa học của mình đó mới là cái quan trọng.
Thưa ông, chúng ta đã xác định đột phá về nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược từ nhiệm kỳ đại hội 11 nhưng tại sao đột phá về nguồn nhân lực lại diễn ra chậm và chưa đáp ứng được đòi hỏi hiện nay. Theo ông nguyên nhân là do đâu?
- Đột phá về nguồn nhân lực chậm là bởi vấn đề đào tạo con người không phải một bước có thể được ngay. Ví dụ hôm nay anh nghĩ ra chính sách, ý tưởng mới nhưng để vận dụng vào cuộc sống thì cũng phải có thời gian để chính sách ngấm, và vận hành trong nhân dân. Rồi đến khi đưa chính sách vào cũng không thể ngay lập tức chúng ta có được nguồn nhân lực có chất lượng cao để sử dụng mà phải sau một thời gian mới có tích lũy. Lúc đó mới vận dụng được kiến thức trong quá trình học tập, nghiên cứu vào trong đời sống hàng ngày. Đúng là vấn đề đột phá về nguồn nhân lực là quan trọng nhất nhưng không thể đòi hỏi tức thời được mà nó là cả một quá trình. Cho nên chúng ta phải đẩy nhanh các bước thực hiện.
Chúng ra muốn phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao thì phải có cơ chế thu hút người tài nhưng đang có tình trạng chảy máu chất xám khi nhiều người trong khu vực Nhà nước chuyển ra khối ngoài Nhà nước. Nhiều lo ngại cho rằng điều này sẽ khiến bộ máy không thể mạnh bởi đây là khối thiết kế, tư vấn chính sách, thưa ông?
- Tôi nghĩ chúng ta cũng cần tuyên truyền sâu rộng thêm rằng dù khu vực Nhà nước hay không phải khu vực Nhà nước cũng đều là nền kinh tế Việt Nam. Cho nên ở trong Nhà nước hay ngoài Nhà nước cũng đều là phụng sự cho nền kinh tế Việt Nam. Bởi vấn đề môi trường làm việc là vô cùng quan trọng, ở trong khu vực Nhà nước không đáp ứng đủ các điều kiện để họ sáng tạo, phát huy hết các khả năng thì họ chuyển sang khối ngoài Nhà nước.
Thưa ông khi đề cập đến đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đã từng có ý kiến nhìn nhận cần phân luồng lao động để đào tạo một thế hệ trẻ sáng tạo, có năng lực để đóng góp cho đất nước chứ không nhất thiết phải vào đại học mà phải có việc hướng nghiệp. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
- Chính xác vào đại học không phải là con đường duy nhất mà nó chỉ là một trong các con đường. Học sinh khi đã học xong chương trình phổ thông thì có thể học nghề chứ không nhất thiết phải vào đại học. Ví dụ thế này, tôi đã chứng kiến công nhân kỹ thuật học nghề nhưng lương còn cao hơn cả kỹ sư chính của một nhà máy tại Thụy Điển. Cho nên điều quan trọng là cách sử dụng con người như thế nào? Theo tôi ngoài cải cách hình thức đào tạo lao động thì đồng thời cũng cần cải cách chính sách tiền lương nữa. Lương phải trả cho người giỏi, người có cống hiến và làm việc tốt chứ không phải trả theo bằng cấp. Tôi đã nhiều lần có ý kiến trong hội đồng tiền lương quốc gia là không phải trả lương theo bằng cấp mà phải trả theo trình độ, khả năng đảm đương công việc. Một công nhân kỹ thuật mà đảm đương công việc giỏi hơn kỹ sư thì có thể trả lương cao hơn kỹ sư.
"Lương phải trả cho người giỏi, người có cống hiến và làm việc tốt chứ không phải trả theo bằng cấp. Tôi đã nhiều lần có ý kiến trong hội đồng tiền lương quốc gia là không phải trả lương theo bằng cấp mà phải trả theo trình độ, khả năng đảm đương công việc. Một công nhân kỹ thuật mà đảm đương công việc giỏi hơn kỹ sư thì có thể trả lương cao hơn kỹ sư" – PGS. TS Vũ Quang Thọ
Bình luận (0)