Ngày 1-10, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả chương trình thu hút và đề án đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều đại biểu thừa nhận chính sách thu hút và đào tạo mà bấy lâu nay TP Đà Nẵng thực hiện còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, nhiều trường hợp nhân tài được đào tạo về phải được cơ quan tiếp nhận đào tạo lại dù có trình độ chuyên môn cao.
Thiếu kinh nghiệm
Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho hay nhiều nhân tài được thu hút về vẫn phải đào tạo lại. Đối với các học viên đi học nước ngoài thì có chuyên môn giỏi nhưng khó bố trí đúng chuyên ngành. “Có những em theo học chuyên môn sâu mà mình không có nhu cầu. Sắp xếp tạm công việc cho các em thì không tạo môi trường làm việc tốt” - bác sĩ Hồng giãi bày.
Đồng quan điểm, ông Trần Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho rằng chính sách thu hút và đào tạo nhân tài còn nhiều điểm chưa phù hợp. “Khi các em học xong, chúng ta cần dành thời gian cho các em rèn luyện, không ép buộc phải về nước ngay để phục vụ. Có thể cho các em làm việc ở nước ngoài một thời gian nhằm học hỏi kinh nghiệm, sau đó về nước thực hiện nghĩa vụ” - ông Thanh đề xuất.
Nhiều đại biểu cho rằng nên thay đổi nội dung đề án đào tạo nhân tài. Theo đó, một trong các nội dung của hợp đồng đào tạo cần để cho học viên lựa chọn thời gian thực hiện nghĩa vụ để sau khi học có thời gian thực tế và trải nghiệm. Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, nhìn nhận công việc của sở cần có những kinh nghiệm thực tế được học hỏi từ nước ngoài. “Chúng tôi rất cần những chuyên gia đầu ngành về du lịch để có những chiến lược, tầm nhìn phát triển ngành du lịch của thành phố” - bà Hạnh nói.
Môi trường không phù hợp
Lãnh đạo Quỹ Đầu tư Phát triển TP Đà Nẵng cho hay đơn vị này tiếp nhận 3 người, trong đó có 2 người đã nghỉ việc, 1 người chuyển công tác. Theo vị này, những người được đào tạo ở nước ngoài hầu hết đều có tư duy làm việc độc lập, có chính kiến. Tuy nhiên, có lãnh đạo lại không thích nghe ý kiến trái chiều của nhân viên, cũng có vị không theo kịp chuyên môn của họ nên đã tạo ra sự không phù hợp, chông chênh trong môi trường làm việc khiến anh em chán nản, bỏ việc.
Ông Huỳnh Văn Hoa, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng, cho rằng chính quyền TP chưa đối thoại với học viên để lắng nghe ý kiến của họ. Ông Hoa cho biết: “Nhiều người nói với tôi rằng đã ân hận vì tham gia đề án. Đề án đào tạo nhân tài của chúng ta không có sự kết dính, không có thủ lĩnh, không có ban liên lạc”. Chị Ngô Lê Uyên Ly - một trong những nhân tài được đào tạo, hiện công tác tại UBND huyện Hòa Vang - cũng thừa nhận dù được đào tạo ở nước ngoài nhưng khi tiếp xúc với công việc thực tế còn nhiều bỡ ngỡ. Chị Ly bộc bạch: “Chúng tôi cần có thời gian cũng như môi trường làm việc cởi mở để học hỏi được nhiều hơn kinh nghiệm làm việc, đồng thời ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế”.
Khó thu hồi kinh phí
Theo thống kê của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng, từ khi thực hiện vào năm 2006 đến 2016, đề án đã đào tạo 639 người. Đến thời điểm hiện tại có 92 người vi phạm hợp đồng và xin rút khỏi đề án. Trong đó, số kinh phí mà TP bỏ ra là hơn 76,3 tỉ đồng và hiện chỉ mới thu hồi được một nửa.
Bình luận (0)