Lần đầu gặp ông Phạm Văn Diên, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Thành Công (huyện Nhà Bè, TP HCM), điều gây ấn tượng với chúng tôi là sự giản dị. Thỉnh thoảng trong lúc trò chuyện, nhân viên có việc đến gặp ông Diên đều gọi giám đốc của mình bằng cái tên thân mật “bác Tám”. Ngược lại, ông Diên không chỉ nhớ rõ họ tên từng nhân viên của mình mà còn biết rõ gia cảnh mỗi người, cha mẹ ra sao...
Hết lòng với người nghèo
Trước khi trở thành ông chủ, ông Diên có thời gian dài đi bộ đội và làm việc tại UBND xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Mãi đến đầu năm 2009, vì lý do sức khỏe nên ông phải xin nghỉ.
Sinh ra, lớn lên ở huyện Nhà Bè và nhiều năm liền làm công tác thủy lợi, hơn ai hết, ông Diên hiểu rất rõ nỗi cơ cực của người dân ở đây. Khi còn công tác ở xã, tận dụng các mối quan hệ sẵn có, ông chủ động liên hệ với các đơn vị sản xuất đóng trên địa bàn đề nghị tiếp nhận và giải quyết công ăn việc làm cho lao động nghèo địa phương.
Nghỉ việc, ông Diên ấp ủ ý định mở một trung tâm dạy nghề cho bà con nghèo trên địa bàn. Thời điểm ấy, KCN Hiệp Phước vừa đi vào hoạt động. Đoán nghề lái xe sẽ thu hút không ít lao động trong vài năm tới nên ông đứng ra xin mở một trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe. Cuối năm 2009, ước mơ của ông trở thành hiện thực khi Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Thành Công (chuyên đào tạo và sát hạch lái xe hạng B, C) ra đời.
Ông Diên đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Sau khi tuyển dụng, ông tài trợ toàn bộ học phí cho nhân viên đi học thêm về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, đại học chuyên ngành liên quan. Bất kỳ nhân viên dù ở vị trí nào - kể cả bảo vệ, tạp vụ - khi được tuyển dụng đều được trung tâm đào tạo lái xe miễn phí. Vì vậy, từ đội ngũ cơ hữu chưa tới 30 người lúc đầu, đến nay, trung tâm có đến 42 nhân viên và hơn 100 giáo viên thỉnh giảng, đưa trung tâm gặt hái được nhiều thành công, thu hút rất đông học viên và liên tục mở rộng đào tạo.
Ông Diên cho biết trước đây, học viên đến học lái xe chủ yếu là ở huyện Nhà Bè nhưng hiện nay, đa số lại đến từ các vùng phụ cận. Không chỉ giải quyết việc làm cho nhân viên, trung tâm của ông còn giúp bà con địa phương có được một nghề để kiếm sống.
Quý trọng nhân viên
Điều đáng quý ở ông Diên là tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, đặc biệt là dân nghèo tại địa phương. Với đội ngũ nhân viên dưới quyền, ông như một người cha tinh thần.
Trò chuyện với một số nhân viên làm việc ở Thành Công, điều chúng tôi nhận thấy là họ rất hạnh phúc vì được đóng góp công sức cho sự phát triển của trung tâm. Anh Nguyễn Lộc Cường, quản lý chuyên môn đào tạo, bộc bạch: “Mọi người đều nói làm việc ở Thành Công ai cũng có nhà, có xe”.
Lý giải điều này, anh Cường cho biết hầu hết nhân viên làm việc tại trung tâm đều có nhà ở ổn định nhờ có chính sách cho vay hoặc hỗ trợ vốn của trung tâm dành cho nhân viên khó khăn. Bản thân anh từ hai bàn tay trắng, công việc bấp bênh nay cũng đã có nhà. Còn việc ai cũng có xe là do ông Diên giao cho nhân viên tự quản lý và sử dụng xe ngoài giờ làm việc. Nhân viên (gồm cả bảo vệ, tạp vụ) có thể dùng xe cho việc di chuyển hoặc nhận dạy lái xe thêm ngoài giờ làm việc. Đối với họ, đây là một chính sách tốt, thể hiện sự tin tưởng của giám đốc đối với nhân viên dưới quyền.
Ngoài mức thu nhập thấp nhất 6 triệu đồng/tháng, người lao động của trung tâm còn được hỗ trợ nhiều mặt như phụ cấp trượt giá (1,5 triệu đồng/tháng), vay không lãi suất 10-40 triệu đồng/lần (không quy định thời gian hoàn trả)… Ngoài ra, để khuyến khích nhân viên học thêm, ông Diên còn đề ra mức hỗ trợ đối với người có bằng CĐ, ĐH (300.000-700.000 đồng). Chia sẻ về các hoạt động hỗ trợ nhân viên, ông Diên thẳng thắn: “Người dưng khó khăn, tôi còn giúp được thì chẳng có lý do gì tôi từ chối giúp đỡ nhân viên của mình”.
Không dừng lại ở đó, ông Diên còn kết hợp với LĐLĐ huyện Nhà Bè thường xuyên hỗ trợ công nhân khó khăn. Điển hình là trường hợp chị Đặng Thị Yến, nguyên công nhân Công ty Hoằng Việt. Chị Yến bị tai nạn lao động, không thể làm việc được, hoàn cảnh rất khó khăn. Biết được hoàn cảnh của chị, mỗi tháng, ông Diên và Công đoàn trung tâm đều vận động hỗ trợ tiền cũng như gạo, đường, mì tôm… và đem đến tận nhà chị.
“Sức khỏe tôi ngày càng yếu. Vì phải chăm sóc tôi nên mẹ cũng không làm việc được. Vì vậy, tôi rất biết ơn sự giúp đỡ của LĐLĐ huyện cũng như của mạnh thường quân, trong đó có chú Diên” - chị Yến xúc động.
Ông Diên còn đặc biệt quan tâm đến trẻ em nghèo. n
Tiếp sức học sinh đến lớp
Suốt những năm qua, quán cơm từ thiện do ông Diên mở tại huyện Nhà Bè đã tiếp sức hàng trăm học sinh đến lớp.
Quán mở từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, mỗi ngày cung cấp 120-140 suất ăn miễn phí (mỗi suất trị giá 12.000 đồng) cho các em học sinh nghèo của Trường THCS Hiệp Phước và các trường lân cận.
Bình luận (0)