Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” do LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa chủ trì. Trên cơ sở đánh giá thực trạng về quan hệ lao động (QHLĐ), nhóm nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN.
Người lao động ở thế yếu
Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, chủ nhiệm đề tài - cho biết các DN ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, đa dạng, qua đó ngày càng hình thành rõ nét quan hệ chủ - thợ, lợi ích kinh tế chi phối hoạt động của các bên. Trong khi đó, người sử dụng lao động được pháp luật trao quyền chủ động trong việc tuyển dụng, bố trí việc làm và trả lương cho người lao động (NLĐ), còn NLĐ luôn ở vào thế yếu.
Từ năm 2008 đến nay, tại Khánh Hòa đã xảy ra 44 cuộc ngừng việc tập thể với khoảng 13.000 NLĐ tham gia. Nhiều vụ việc nổi cộm như vụ Công ty TNHH Sao Đại Hùng (100% vốn nước ngoài) nợ tiền BHXH, lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm thất nghiệp khoảng 5,6 tỉ đồng của hơn 300 công nhân (CN) từ năm 2010. Công đoàn (CĐ) tỉnh Khánh Hòa đã đại diện NLĐ khởi kiện, buộc công ty phải trả nợ cho CN…
Trong quá trình khảo sát, điều tra, các số liệu cho thấy NLĐ luôn chịu thiệt thòi như việc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn chiếm 29%. Đây là một trong những hình thức trốn đóng BHXH. “Hay việc ăn ca cho CN, tỉ lệ DN không hỗ trợ NLĐ chiếm hơn 14%. Có DN nói rằng luật không bắt buộc nên họ nhất quyết không cho CN hưởng tiền này. Đó là những thực tế khiến chúng tôi trăn trở, vắt óc tìm ra giải pháp” - ông Hòa tâm sự.
Cần tiêu chí đánh giá QHLĐ
Theo kết quả nghiên cứu, QHLĐ ở Khánh Hòa tốt và khá chiếm tỉ lệ 86%, còn lại là trung bình và yếu. Tuy nhiên, đời sống của NLĐ còn nhiều khó khăn, đặc biệt khu vực DN ngoài nhà nước, hầu hết các DN đều vi phạm pháp luật lao động ở nhiều mức độ khác nhau về hợp đồng lao động, tiền lương, thưởng, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi...
“Trong quá trình khảo sát, tôi chứng kiến một DN có mấy chục CN nữ, mỗi khi CN có thai, họ được cấp một đồng phục có màu sắc khác biệt. Việc này giúp người khác dễ dàng nhận ra để được ưu tiên, thậm chí được chế độ ăn riêng, lối đi riêng… Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy lại khiến NLĐ cảm thấy được quan tâm, có niềm tin, thêm gắn kết với DN. Mối QHLĐ nói thì to tát nhưng chỉ cần một chi tiết nhỏ như vậy chứng tỏ DN và NLĐ có được sự cảm thông, chia sẻ” - ông Hòa đúc kết.
Theo ông Hòa, giải quyết được mối QHLĐ hài hòa, ổn định là chìa khóa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và cả chủ DN. Từ đó, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh lành mạnh, ổn định an ninh, trật tự xã hội. Nhóm nghiên cứu chỉ ra 4 nhóm giải pháp giúp cải thiện QHLĐ gồm: Nâng cao ý thức pháp luật cho NLĐ và chủ DN; tăng cường đối thoại, thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể; cải thiện điều kiện làm việc, tiền lương, thu nhập cho NLĐ; nâng cao chất lượng hoạt động CĐ cơ sở. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đề nghị xây dựng bộ tiêu chí để chấm điểm đánh giá mức độ “QHLĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN”.
Tăng cường ký kết thỏa ước tập thể
Theo ông Nguyễn Hòa, CĐ tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ, giúp đỡ NLĐ như thành lập văn phòng tư vấn pháp luật; tập huấn pháp luật cho cán bộ CĐ; chỉ đạo CĐ cơ sở thường xuyên theo dõi, tiếp cận các chủ DN đề xuất các giải pháp cải thiện mối quan hệ giữa NLĐ và chủ DN. Đặc biệt, CĐ tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo sát sao việc tăng cường ký kết thỏa ước lao động tập thể để NLĐ hưởng quyền lợi tốt hơn luật định. Hiện tỉ lệ có thỏa ước lao động tập thể đạt 73,3%.
Bình luận (0)