xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trăn trở với chính sách BHXH một lần

Bài và ảnh: MAI CHI

Doanh nghiệp lo bất ổn, người lao động thì không an tâm khi chính sách BHXH liên tục thay đổi

"Năm 2022, khi có thông tin chính sách BHXH một lần sẽ thay đổi, nhiều người lao động (NLĐ) tại một doanh nghiệp (DN) trên địa bàn có ý định xin nghỉ việc để hưởng một lần. Lo quan hệ lao động bất ổn nên lãnh đạo công ty đã mời chúng tôi đến phổ biến chính sách cho NLĐ. Tuy nhiên, việc tư vấn không có tác dụng bởi NLĐ có lý lẽ riêng của họ". Đó là chia sẻ của bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Long An, tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Luật BHXH (sửa đổi) do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức ngày 14-4 tại TP HCM.

Hãy để người lao động lựa chọn

Bà Trang cho biết NLĐ tại DN nói trên lập luận rằng trong thời gian nghỉ việc chờ hưởng BHXH một lần, họ có thể làm công việc thời vụ với mức lương cao do không phải đóng BHXH, BHYT, chưa kể được hưởng 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp. Kết thúc thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng là lúc họ được hưởng BHXH một lần. Nếu sau đó tiếp tục đóng BHXH, họ vẫn có thể đủ thời gian hưởng lương hưu. Vậy căn cứ vào đâu để khẳng định việc rút BHXH một lần không có lợi?

Trăn trở với chính sách BHXH một lần - Ảnh 1.

Người lao động xếp hàng chờ làm thủ tục hưởng BHXH một lần tại BHXH TP Thủ Đức, TP HCM

Tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi, ban soạn thảo đề xuất 2 phương án hưởng BHXH một lần. Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành (sau 12 tháng NLĐ không tham gia BHXH và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần). Phương án 2: NLĐ đóng BHXH chưa đủ 20 năm, sau 12 tháng không tham gia BHXH có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng.

Góp ý cho dự thảo, ông Nguyễn Thanh Vân, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Bình Dương, cho rằng nhu cầu rút BHXH một lần xuất phát từ nguyện vọng của NLĐ. Một khi NLĐ đã quyết định rút thì rất khó ngăn chặn. Đa số NLĐ đều biết lợi ích của chế độ hưu trí nhưng phải chọn rút một lần vì cuộc sống quá khó khăn. Cũng theo ông Vân, việc phải chờ 1 năm sau khi nghỉ việc mới được rút BHXH một lần cũng bộc lộ bất cập khi gây lãng phí nguồn lao động có chuyên môn, tay nghề cao, trong khi DN phải đau đầu tìm nguồn bổ sung.

"Để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, nhà nước nên có chính sách cho NLĐ vay tương ứng với số tiền nhận BHXH một lần. Khi khắc phục được khó khăn, NLĐ sẽ hoàn trả khoản vay bao gồm cả lãi suất theo ngân hàng" - ông Vân đề xuất.

Ông Mai Thanh Tuyền, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (tỉnh Bình Dương), cho biết trong 8.000 lao động tại DN chỉ có khoảng 30% bảo lưu đóng BHXH để hưởng lương hưu. Đa số NLĐ đã quen với quy định cũ và có kế hoạch sử dụng đối với số tiền BHXH một lần dự định rút ra. Do đó, mọi sự thay đổi sẽ gây xáo trộn cuộc sống của họ. Vậy nên, hãy để NLĐ được quyền lựa chọn rút hay bảo lưu vì chỉ có họ mới biết sử dụng khoản tiền ấy như thế nào là tốt nhất cho chính mình.

Chính sách phải ổn định

Theo bà Lê Thị Thu Cúc, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An, đa số NLĐ cho rằng BHXH một lần là một "quyền tài sản", là quyền lợi gắn liền với quá trình lao động, cống hiến, là tích lũy cá nhân của NLĐ. Vì vậy, bất cứ điều chỉnh nào đối với chính sách này cũng gây tâm lý tiêu cực cho NLĐ. Trường hợp phải lựa chọn phương án 2 thì nên xem xét cho NLĐ được hưởng 50% còn lại sau 12 tháng tiếp theo kể từ khi hưởng BHXH một lần lần 1.

Đồng quan điểm, ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai, cho biết 60% thắc mắc của NLĐ khi đến với trung tâm có liên quan chính sách BHXH. NLĐ luôn có tâm lý bất an trước sự thay đổi của chính sách BHXH. Bên cạnh đó, quyền được biết về BHXH của NLĐ còn hạn chế. Họ chỉ biết phần đóng góp của mình chứ không biết quỹ BHXH có bao nhiêu tiền, trong khi họ chính là người đóng góp vào quỹ.

Điều này dễ gây tâm lý hoang mang khi có những thông tin chưa đúng về quỹ BHXH. "Việc thiết kế chính sách BHXH phải mang tính ổn định, lâu dài, đồng thời công khai, minh bạch việc sử dụng quỹ BHXH nhằm tạo niềm tin cho NLĐ" - ông Hà nói.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP TKG Taekwang Vina (tỉnh Đồng Nai), cho hay những năm gần đây, chính sách BHXH liên quan trực tiếp đến NLĐ (tăng tuổi nghỉ hưu, tăng số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa, cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu…) thường xuyên thay đổi và nay lại tiếp tục sửa đổi khiến cái nhìn của NLĐ đối với chính sách BHXH trở nên méo mó.

Về đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm nhằm tạo điều kiện cho những người tham gia trễ được hưởng lương hưu, ông Phúc cho rằng ban soạn thảo nên tính toán kỹ. "Tại công ty chúng tôi, trong số gần 35.000 lao động, số lao động bắt đầu tham gia BHXH trong độ tuổi từ 18-30 chiếm khoảng 80%, số bắt đầu tham gia khi trên 40 tuổi rất ít. Đây cũng là tình trạng chung vì nhiều DN e ngại tuyển lao động lớn tuổi" - ông Phúc dẫn chứng.

Từ thực tế này, ông Phúc đề xuất nên cho NLĐ đóng BHXH trên 15 năm được lựa chọn rút BHXH một lần hoặc tiếp tục tham gia để hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, nên giảm thời gian được hưởng BHXH một lần từ 12 tháng xuống còn 3 tháng sau khi nghỉ việc vì sau 3 tháng không có việc làm, NLĐ đã phải đối mặt với khó khăn rất lớn, rất cần tiền để giải quyết nhu cầu bức bách trong cuộc sống. Với phương án 2, chỉ nên áp dụng với NLĐ tham gia BHXH trên 15 năm vì nếu chỉ giải quyết 50% đối với những người mới tham gia không lâu thì khoản tiền nhận được không giúp ích gì cho họ.

Xử lý DN nợ BHXH chưa triệt để

Tại hội thảo, nhiều ý kiến phản ánh thực tế hiện nay rất nhiều NLĐ bị treo quyền lợi về BHXH, vì hằng tháng vẫn bị DN trích tiền lương đóng BHXH nhưng sau đó chủ DN bỏ trốn hay nợ BHXH. Đáng lo hơn, có những trường hợp khi chủ DN bỏ trốn, tài sản không còn gì vì chủ yếu là thuê mướn, Công đoàn cấp trên kiện ra tòa yêu cầu phá sản DN để làm cơ sở chốt sổ BHXH và giải quyết các quyền lợi cho NLĐ thì được yêu cầu phải đóng mấy tỉ đồng án phí phá sản DN. Theo nhiều cán bộ Công đoàn, chính việc xử lý không nghiêm minh, không triệt để tình trạng DN trốn đóng, chậm đóng BHXH làm cho NLĐ không yên tâm khi tham gia BHXH nên sẽ tính cách rút BHXH một lần.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo