"Trước đây, công ty chúng tôi thường xảy ra ngừng việc tập thể vì nợ BHXH kéo dài. Sau những lần đó, để xoa dịu lao động nữ đã sinh con nhưng không được hưởng chế độ thai sản, công ty đã chi hỗ trợ 8 triệu đồng/người. Lúc đó, chúng tôi chỉ nghĩ mình được lợi vì đây là khoản chi ngoài chế độ do cơ quan BHXH chi trả. Đến khi chủ doanh nghiệp (DN) bỏ trốn, chẳng những không được thanh toán lương, tôi còn mất trắng quyền lợi BHXH". Chị Nguyễn Hoàng Yến Nhi, công nhân (CN) Công ty TNHH May Thái Bình Dương (huyện Hóc Môn, TP HCM), bày tỏ như vậy trong lần gặp chúng tôi mới đây.
Xem nhẹ "biểu hiện bất thường"
Theo LĐLĐ huyện Hóc Môn, Công ty TNHH May Thái Bình Dương bắt đầu nợ BHXH từ tháng 4-2017. Tính đến tháng 9-2018, khi chủ DN bỏ trốn, tổng số tiền nợ BHXH lên đến 2,7 tỉ đồng, ngoài ra công ty còn nợ hơn 1,7 tỉ đồng tiền lương của 161 lao động.
Theo tập thể CN, để xảy ra vụ việc đáng tiếc nói trên cũng có lỗi của họ khi xem nhẹ những biểu hiện bất thường trước thời điểm giám đốc bỏ trốn. CN Đặng Hoàng Hải chia sẻ: "Trước khi giám đốc bỏ trốn ít ngày, công ty đột ngột trả lại đơn hàng đang sản xuất cho đối tác. Thế nhưng, rất ít ai quan tâm đến chuyện này cho đến khi công ty cho thanh lý nguyên phụ liệu và hàng mẫu. Lúc này, CN đã nghi ngờ nhưng cũng không nghĩ rằng chủ DN sẽ bỏ trốn. Chính sự chủ quan này mà đến khi quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ 2-9, chúng tôi mất trắng vì chủ DN đã cao chạy xa bay".
Tương tự, cũng vì chủ quan và nghĩ đến cái lợi trước mắt mà hàng chục CN Công ty TNHH Sunlight (quận Bình Tân, TP HCM) thiệt thòi quyền lợi. Công ty TNHH Sunlight chính thức đi vào hoạt động từ năm 2004, đến năm 2012 bắt đầu nợ BHXH của người lao động (NLĐ). Dù biết công ty này nợ lương, BHXH kéo dài nhưng do điều kiện tuyển dụng đơn giản, không cần hồ sơ xin việc, không kén tuổi nên vẫn có nhiều lao động xin vào làm việc. CN Trần Thị Lý cho biết chị làm việc từ năm 2004 nhưng đến năm 2010 mới được công ty ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) và tham gia BHXH. Thừa hiểu sẽ thiệt thòi quyền lợi về lâu dài nhưng chị không dám lên tiếng vì sợ mất việc làm. "Năm 2017, công ty nợ lương, BHXH kéo dài, một số CN nản quá nghỉ việc. Tuy nhiên, sau đó một số người xin trở lại làm việc do không tìm được việc làm mới do lớn tuổi hoặc cố làm để đòi số tiền lương bị nợ trước đó (vì công ty chỉ ưu tiên thanh toán nợ cho những CN đang làm việc). Kết quả, nợ cũ chồng nợ mới khi giám đốc bỏ trốn ôm theo gần 200 triệu đồng tiền lương và khoản nợ BHXH gần 2,5 tỉ đồng của CN".
Nhiều nữ công nhân Công ty TNHH May Thái Bình Dương không được hưởng chế độ thai sản vì doanh nghiệp nợ BHXH
Khó đòi quyền lợi
Do thiếu giám sát DN nên không chỉ NLĐ phải gánh chịu hậu quả mà việc bảo vệ quyền lợi cho họ của các cơ quan chức năng cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Dân - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM - cho biết sau khi xảy ra vụ việc tại Công ty TNHH Sunlight, LĐLĐ quận và Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP đã tiếp nhận ủy quyền của CN để khởi kiện công ty ra tòa. Tuy nhiên, qua nắm tình hình, hầu hết các CN khởi kiện không có HĐLĐ hay bất cứ giấy tờ gì để chứng minh từng làm việc tại công ty nên không thể hoàn tất thủ tục khởi kiện. "Trong quá trình thu thập thông tin để cung cấp cho tòa bằng chứng mối quan hệ giữa DN và NLĐ, chúng tôi phát hiện 24 lao động có sổ BHXH, song đa phần họ nghỉ việc đã lâu, không bị nợ lương và chỉ bị nợ BHXH thời gian ngắn. Còn những người bị thiệt hại nhiều thì không có sổ BHXH nên việc khởi kiện đang bị ách tắc" - bà Dân chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, cho hay cũng gặp nhiều trở ngại khi tiếp nhận ủy quyền khởi kiện từ CN Công ty TNHH May Thái Bình Dương. Rất nhiều CN làm việc thời gian dài nhưng không được ký HĐLĐ, do vậy LĐLĐ huyện đề nghị tòa linh động dùng bảng lương thay thế nhằm xác định khoản nợ và mối quan hệ lao động giữa các bên. Đến khi tìm được bảng lương của công ty thì lại không có con dấu lẫn chữ ký nên tòa án không chấp nhận.
Chủ động giám sát
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, để không bị mất trắng quyền lợi, ngoài thường xuyên tìm hiểu, nâng cao kiến thức pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân, NLĐ cần chủ động giám sát việc chấp hành pháp luật của DN. "Nếu góp ý mà DN vẫn không sửa sai, CN nên mạnh dạn đề đạt nguyện vọng lên Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên và các cơ quan chức năng. "CN cần theo dõi, phát hiện những biểu hiện lạ của DN để kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng, có như vậy mới ngăn ngừa từ gốc tình trạng chủ DN bỏ trốn, không chi trả quyền lợi" - ông Phương lưu ý.
Bình luận (0)