Khách hàng chọn được sản phẩm ưng ý nhưng khi về nhà thì phát hiện nó đã hết hạn sử dụng đến 3 tháng. Khi khách mang sản phẩm đến cửa hàng than phiền, bạn sẽ xử trí như thế nào? Đó là tình huống được nêu ra tại hội thi “Satra - Bán hàng chuyên nghiệp” do Công đoàn (CĐ) Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn vừa tổ chức.
Ứng xử thông minh, khéo léo
Trước tình huống này, Đội Công ty CP Kỹ nghệ Việt Nam súc sản (Vissan) đã đưa ra cách giải quyết rất hợp lý, đó là kiểm tra sản phẩm, hóa đơn mua hàng và tiến hành thu hồi sản phẩm hết hạn sử dụng. Đội cũng gửi lời xin lỗi chân thành và đổi lại sản phẩm mới cho khách.
Ông Vũ Minh - Phó Ban quản lý và Phát triển hệ thống Satra Mart, trưởng ban giám khảo hội thi - cho biết đây là tình huống có thật trong thực tế. Thay vì nhận lỗi và xin lỗi, một số nhân viên bán hàng lại cho rằng không có chuyện sản phẩm hết hạn làm tăng mức độ không hài lòng ở khách. Do vậy, hướng giải quyết của nhân viên Vissan được ban giám khảo đánh giá cao về thái độ cầu thị, biết sửa sai.
Một tình huống khá hóc búa khác cũng được nêu lên trong hội thi: Một khách hàng đứng giữa cửa hàng lớn tiếng chê bai dưa hấu mới mua về bổ ra đã lõng bõng nước. Trước ánh mắt e ngại và thái độ dè dặt của nhiều khách hàng, nhân viên cửa hàng giải quyết ra sao?
Một thí sinh nam của Đội Satra Food đã mời khách đến văn phòng và giới thiệu đây là dưa Gò Công do công ty vừa nhập về, không có chuyện bổ ra toàn nước. Nhân viên này còn bổ dưa mời khách ăn thử và xin số điện thoại để hỏi thăm, đền bù nếu xảy ra trường hợp như khách phản ánh. Cách xử lý thông minh, khéo léo của anh nhân viên cửa hàng đã được ban giám khảo đánh giá cao.
“Trấn an về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm chắc chắn sẽ giúp khách hàng yên tâm. Chưa kể, việc cam kết đền bù nếu chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu cũng sẽ xóa đi những nghi ngại nơi khách hàng” - ông Minh nhận xét.
Chủ động thích nghi
Khi cổ phần hóa, một số doanh nghiệp (DN) trực thuộc Công ty Dệt may Gia Định cũng chuyển đổi mặt hàng sản xuất (từ quần áo sang túi vải). Sự thay đổi này có thể khiến thu nhập của người lao động bị giảm sút do thời gian tiếp cận chưa nhiều.
Để giúp người lao động có sự chuẩn bị tốt nhất khi DN chuyển mình, CĐ và Đoàn Thanh niên Công ty Dệt may Gia Định đã tổ chức hội thi “Thợ giỏi ngành may”. Hội thi thu hút 30 thí sinh của 6 đội, mỗi đội 5 người, tham dự. Đề thi ban tổ chức đưa ra rất sát sườn: May và ráp 2 tủ vải trong thời gian 120 phút.
Là một trong 5 thí sinh của Đội Dệt may Gia Định Phong Phú, chị Phạm Thị Hoa cho biết: “Công ty vừa chuyển đổi sản phẩm trong vòng 2 tháng nên anh em công nhân (CN) chưa kịp thích nghi. Vì vậy, hội thi là cơ hội để CN rèn luyện tay nghề, tinh thần đồng đội và khả năng phối hợp trong công việc”.
Suốt hội thi, điều khiến chúng tôi ấn tượng là dù vẫn còn lạ lẫm với sản phẩm mới nhưng tất cả thí sinh đều nỗ lực hết mình để thực hiện tốt yêu cầu của ban giám khảo. Tất cả sản phẩm làm ra đều bảo đảm tính thẩm mỹ cũng như chất lượng.
Ông Võ Văn Yên, Phó Bí thư Đảng ủy Công ty Dệt may Gia Định, cho rằng mấy chục năm nay, CN vốn chỉ quen may quần áo thời trang nên sự thay đổi đột ngột này là thử thách không nhỏ đối với họ lẫn DN. Thế nhưng, với sản phẩm mới là tủ vải thì nguồn hàng ổn định, đơn hàng lớn, CN không lo thiếu việc làm.
“Đảng ủy, ban giám đốc đánh giá cao hội thi tay nghề do CĐ và Đoàn Thanh niên tổ chức. Điều này góp phần động viên CN nâng cao tay nghề và ý thức được việc chuyển đổi sản phẩm là tất yếu và là cơ hội cạnh tranh trong thời kỳ mới” - ông Yên nhìn nhận.
48.000 CNVC-LĐ được nâng cao tay nghề
Hưởng ứng phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, năm 2016, các cấp CĐ TP HCM đã mở hơn 1.000 lớp bồi dưỡng tay nghề, nâng bậc thợ với 48.000 CNVC-LĐ tham gia. Các cấp CĐ còn phối hợp cùng các đơn vị, DN tổ chức 740 hội thi “Bàn tay vàng” với 17.000 CNVC-LĐ tham gia. Các ngành nghề thu hút nhiều CN tham dự là: cơ khí, chế bản in, bán hàng chuyên nghiệp, điều dưỡng giỏi, hướng dẫn viên giỏi, thiết kế dụng cụ học tập... Qua các hội thi, 31.000 CNVC-LĐ đã được nâng lương, nâng bậc.
Bình luận (0)