Mới đây, chỉ vì yêu cầu gặp lãnh đạo công ty để đòi lương, các nhân viên (NV) làm việc tại căng-tin Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Minh Anh (quận Gò Vấp, TP HCM) gồm: Nguyễn Thanh Quang, Võ Thị Thanh Thủy, Trịnh Thị Liên, Đỗ Thị Kim Thoa, Võ Thị Mộng Nguyệt, Lê Hoàng Hoài Nam, Thiều Huy Hoàng… đã bị quy vào lỗi "vi phạm nội quy công ty, trong giờ làm bỏ khỏi vị trí làm việc, phá rối, gây mất trật tự cho NV đang làm và ảnh hưởng đến bệnh nhân của phòng khám" và nhận hình thức kỷ luật sa thải. Đáng nói hơn là trước khi nhận quyết định sa thải, những NV này chưa hề nhận thư mời hay tham dự bất cứ cuộc họp xử lý kỷ luật lao động nào do công ty tổ chức.
Mất việc vì đòi quyền lợi
Anh Nguyễn Thanh Quang, NV làm việc tại công ty từ tháng 7-2011, cho biết sự việc khởi phát từ ngày 2-1-2019. Khi đó, công ty ra thông báo kể từ ngày 15-2-2019 sẽ ngưng hoạt động khu điều trị nội trú (dự kiến 12 tháng) để sửa chữa, nâng cấp bệnh viện. Trong thời gian này, các cán bộ, NV khu phòng khám vẫn hoạt động bình thường; đối với cán bộ, NV khu điều trị nội trú và các bộ phận có liên quan công ty sẽ trao đổi, thỏa thuận trực tiếp với từng khoa, phòng, bộ phận. Ngày 27-2, phòng nhân sự công ty đã mời các NV lên, yêu cầu ký vào bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) và viết đơn xin nghỉ việc với lý do "bận việc nhà". "Tôi không bận việc nhà và vẫn muốn được tiếp tục làm việc. Hơn nữa, trong bản thỏa thuận ghi công ty sẽ hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) nghỉ việc 2 tháng lương, song không nói rõ khi nào sẽ chi trả khoản tiền này, cũng không nêu thời điểm khắc phục nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 9-2018 đến nay. Thêm vào đó, bản thỏa thuận không có chữ ký giám đốc nên tôi không đồng ý ký tên" - anh Quang kể.
Do thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ không thành và công ty không có thông báo khác nên sau đó, công ty cắt điện, nước và suất ăn trưa nhưng các NV vẫn đến công ty mỗi ngày để chờ việc. Tuy nhiên, do công ty không trả lương tháng 2, 3 cho NLĐ nên họ đã khiếu nại vụ việc đến cơ quan chức năng.
Các nhân viên Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Minh Anh phản ánh vụ việc tại Báo Người Lao Động
Tại buổi hòa giải do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Gò Vấp, TP HCM tổ chức ngày 4-4, bà Phạm Thị Duyên, đại diện công ty, trình bày: Công ty đang xảy ra tranh chấp giữa các thành viên góp vốn và doanh thu chỉ còn mỗi phòng khám, vì vậy lương của NLĐ công ty sẽ chi trả thành nhiều lần nhưng trả vào thời gian nào thì chưa biết (!?). Công ty cũng đang nợ BHXH nên chưa thể chốt và trả sổ BHXH cho NLĐ được.
Ngày 10-4, các NV tiếp tục đến công ty, kiên quyết đòi giám đốc trả lương. Đến 22 giờ 30 phút cùng ngày, NLĐ được nhận lương tháng 2 thì đến ngày 11-4, họ bị sa thải và bị đội ngũ bảo vệ mời ra khỏi công ty.
Để làm rõ phản ánh của NLĐ, vừa qua chúng tôi đã hẹn gặp ông Vũ Hải Minh Anh, giám đốc công ty. Tuy nhiên, đến hẹn ông Anh không có mặt, còn bà Phạm Thị Duyên, bộ phận hành chính - nhân sự, cho biết phản ánh của NLĐ chưa chính xác nhưng không nêu rõ không chính xác ở điểm nào. Đồng thời, từ chối cung cấp thông tin cho phóng viên và khẳng định chỉ cung cấp chứng cứ cho tòa án.
Bỗng dưng thất nghiệp
Làm việc tại đơn vị từ tháng 8-2000, mới đây chị Trương Thị Sâm, NV Phòng Tổ chức - Hành chính Viện Y tế công cộng TP HCM, bỗng dưng lâm vào cảnh thất nghiệp. Chị Sâm cho biết tháng 1-2003, chị được đơn vị ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Trong thời gian làm việc, chị luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao và chưa vi phạm kỷ luật. Thế nhưng, ngày 27-12-2018, viện đột ngột ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với chị kể từ ngày 1-1-2019 mà không hề có thông báo trước.
Bất ngờ hơn, một ngày sau đó, ông Đặng Văn Chính, viện trưởng, ban hành quyết định thu hồi quyết định chấm dứt HĐLĐ nói trên, đồng thời ra thông báo về việc chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ không có vị trí việc làm. Theo đó, viện sẽ chấm dứt HĐLĐ với chị Sâm từ ngày 11-3-2019. Ngày 5-3, viện ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với chị Sâm. Ngoài chế độ thôi việc theo quy định, chị Sâm được viện hỗ trợ thêm 5 triệu đồng.
Bức xúc với cách hành xử của đơn vị, chị Sâm đã gửi đơn khiếu nại đến lãnh đạo viện. Trả lời khiếu nại của chị, Viện Y tế công cộng TP giải thích quyết định chấm dứt HĐLĐ được ban hành căn cứ vào đề án vị trí việc làm của viện đã được Bộ Y tế phê duyệt ngày 9-12-2015 (vị trí việc làm của chị Sâm không còn) và Công văn số 154/BYT-TCCB ngày 10-1-2018 của Bộ Y tế về việc giải quyết hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ tại đơn vị đối với các trường hợp không có vị trí việc làm. "Trong buổi làm việc với lãnh đạo, tôi yêu cầu viện hoặc phải tuân thủ nguyên tắc thỏa thuận trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc phải giải quyết chế độ thôi việc cho tôi theo diện tinh giản biên chế quy định tại khoản 2, điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, các yêu cầu của tôi đều bị lãnh đạo viện từ chối" - chị Sâm trình bày.
Chúng tôi đã liên hệ với ông Đặng Văn Chính để tìm hiểu sự việc, song ông Chính từ chối tiếp xúc và khẳng định các quyết định của viện đều đúng quy định pháp luật, nếu NLĐ không đồng ý có thể khởi kiện ra tòa.
Phải tuân thủ quy trình, thủ tục luật định
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết quy trình, thủ tục xử lý kỷ luật lao động và chấm dứt HĐLĐ đã được Bộ Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn quy định khá rõ. Theo đó, trước khi ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động phải tổ chức họp xử lý kỷ luật, phải chứng minh được lỗi của NLĐ... Bên cạnh đó, trường hợp thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động mà phải cho nhiều NLĐ nghỉ việc, đơn vị phải xây dựng phương án sử dụng lao động và phải trả trợ cấp mất việc cho NLĐ khi không thể bố trí việc làm mới cho họ. Trường hợp chấm dứt HĐLĐ với một NLĐ khi HĐLĐ của họ còn hiệu lực thì 2 bên phải tiến hành thỏa thuận và đạt được sự đồng thuận. Nếu bỏ qua các bước cơ bản đó là trái quy định pháp luật và người sử dụng lao động sẽ phải chịu các hậu quả pháp lý theo quy định.
Bình luận (0)