Lương hưu được xem là giá đỡ giúp người lao động (NLĐ) khi về già, vậy tại sao lại có một lượng lớn NLĐ hàng năm xin lĩnh BHXH một lần? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam
Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề mỗi năm đang có một lượng lớn NLĐ rời bỏ hệ thống an sinh xã hội mà cụ thể ở đây là không tham gia BHXH nữa?
Ông Điều Bá Được: Qua theo dõi của BHXH Việt Nam thì qua mỗi năm có khoảng trên dưới 600.000 hưởng BHXH một lần. Qua theo dõi cả quá trình thì số lượng mỗi năm vẫn đều đều như thế và chưa thấy số này tăng đột biến. Số lượng người hưởng BHXH một lần này chiếm khoảng 5% trong tổng số người tham gia BHXH.
Với một số lượng người lớn như thế này hàng năm nhận BHXH một lần thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ theo quy định của Hiến pháp là khó được đảm bảo. Nếu NLĐ không tích lũy ngay từ khi còn trẻ thì đến lúc về già sẽ không được hưởng chế độ. Bản thân người ta không lo được thì gia đình, xã hội phải lo. Cho nên về mặt lâu dài thì mục tiêu về mặt chính sách không đạt được. Những lao động lĩnh BHXH một lần này chủ yếu là rơi vào khu vực sử dụng lao động nhiều và ở đây có việc di chuyển lao động nhiều hơn. Cụ thể là ở các doanh nghiệp mà lượng lao động ra vào nhiều, liên tục tuyển dụng.
Con số bình quân khoảng 600.000 người nhận BHXH một lần trên một năm là con số không hề nhỏ, theo ông nguyên nhân của việc này xuất phát từ đâu?
Theo tôi, trước hết những người nhận BHXH một lần này chắc chắn người ta phải có những khó khăn riêng của bản thân họ. Tôi nghĩ rằng họ có hoàn cảnh nào đó dẫn đến việc người ta chỉ có một khoản này thôi và không có gì trông cậy vào nữa. Tuy nhiên chính việc dựa vào cái khoản trợ cấp một lần này lại làm cho NLĐ khó khăn thêm về lâu dài.
Nguyên nhân thứ 2 theo tôi nữa là nhận thức của NLĐ chưa đầy đủ. Người ta chưa hiểu hết được lợi ích của việc tích lũy để hưởng lương hưu sau này, cũng như không hiểu được việc nhận trợ cấp một lần thì mình thiệt thế nào. Quan trọng là họ không thấy được các bài học nhãn tiền đã xảy ra ví dụ như những người đã hưởng trợ cấp thôi việc một lần theo Quyết định 176 thời những năm 1990. Lúc ấy người ta chỉ nghĩ đến việc nhận được một cục tiền như thế này và đưa vào gửi tiết kiệm thì nó còn cao hơn tiền lương của mình đi làm, cao hơn lương hưu. Người ta chỉ nhìn cái lợi ích trước mắt đó mà không biết được rằng chỉ ngay sau đó một thời gian ngắn, đồng tiền mất giá. Số tiền đó không đảm bảo trang trải cuộc sống nữa. Do đó, NLĐ phải cân nhắc việc có nên nhận BHXH một lần không.
Cách đây chưa lâu đã có thông tin rộ lên về việc khi thực hiện chính sách BHXH mới, NLĐ ồ ạt xin nhận BHXH một lần. Thực tế có sự đột biến như thế không thưa ông?
Trước hết thông tin này đã được làm sáng tỏ. Không có chuyện NLĐ ồ ạt xin nghỉ việc và nhận BHXH một lần vì Luật BHXH mới. NLĐ nghỉ việc do nhiều nguyên nhân chứ không phải do Luật BHXH mới này. NLĐ phải cảnh giác trước những thông tin như vậy. BHXH Việt Nam đã có những thông tin lý giải cụ thể để người lao động hiểu, và có phép so sánh giữa việc nhận BHXH một lần với việc hưởng lương hưu.
Mỗi năm một số lượng lớn người ra khỏi hệ thống an sinh này thì sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHXH hiện nay như thế nào?
Thực chất thì việc người ta ra sẽ ảnh hưởng đến độ bao phủ. Việc này là đương nhiên vì mỗi năm lại có một lượng lớn người ra khỏi hệ thống. Tuy nhiên, NLĐ phải hiểu được rằng, việc ra khỏi hệ thống an sinh này thì bất lợi chính là thuộc về NLĐ chứ không thuộc về hệ thống. Bởi vì hệ thống nếu có nhiều người hơn tham gia hơn thì việc quản lý sẽ phải nâng cao hơn. Tiếp nữa, NLĐ không tham gia vào hệ thống thì quyền lợi về lâu dài sẽ không được đảm bảo. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện mục tiêu đến năm 2020 phải có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Nếu NLĐ không hình dung, không hiểu hết vấn đề mà cứ xin hưởng một lần thì sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu lâu dài này.
Với số lượng lớn NLĐ ra khỏi hệ thống thế này, liệu mục tiêu năm 2020 độ bao phủ 50% có đạt được không thưa ông?
Việc tính toán để đạt con số bao phủ thì có nhiều biện pháp, trong đó cũng có việc phải hạn chế đối tượng xin ra này. Tuy nhiên hạn chế này lại gặp ngay cản trở từ phía người lao động. Quy định của Luật BHXH 2014 đã có những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện hưởng, nhưng đến nay vẫn chưa được xã hội chấp nhận. Đây là vấn đề tôi nghĩ rằng là phải làm thế nào để người dân hiểu thì người ta mới thực hiện được. Nếu người dân không thực hiện theo thì dù chính sách có tốt đẹp như thế nào đó cũng không thể đạt được.
Trước thực trạng này, BHXH Việt Nam có đưa ra các giải pháp gì để hạn chế số người ra khỏi hệ thống an sinh xã hội đang được cho là tối ưu nhất này?
Có rất nhiều giải pháp để triển khai. Giải pháp xuyên suốt lâu dài là tuyên truyền để NLĐ hiểu được lợi ích của việc tham gia BHXH. Bên cạnh đó là giải pháp thu hút lao động tham gia.
Ví dụ như người ta ra rồi, nhưng người ta lại quay trở lại, chứ không phải ra là thôi hẳn. Các chính sách hiện nay cũng đã đảm bảo được việc này như người ta đã lĩnh BHXH một lần nhưng người ta quay lại thì cho phép họ đóng BHXH tự nguyện một lần. Việc này để giúp cho NLĐ được tiếp tục đóng để đảm bảo được quyền lợi lâu dài. Hoặc là anh chưa đủ thời gian đóng, nhưng chính sách cho phép anh đóng một lần để đủ thời gian đóng 20 năm để được hưởng lương hưu. Như vậy là giải pháp đã đầy đủ, vấn đề quan trọng nhất là người dân có hiểu được vấn đề đó hay không.
NLĐ phải hiểu được vấn đề là nếu mình không tham gia BHXH, việc này nó không chỉ ảnh hưởng đến mình mà còn ảnh hưởng đến gia đình, con cái, là gánh nặng cho con cái, xã hội sau này. Bởi sau này tuổi già còn nhiều vấn đề những như chăm sóc sức khỏe, ốm đau bệnh tật. Lúc đó gia đình và xã hội phải gánh vác và người ta sẽ phải sống trong cái vòng luẩn quẩn, không thoát ra được.
Bình luận (0)