Bạn tôi quê miền Tây nhưng tự nhận mình "mất gốc" vì mỗi năm chỉ về quê một lần vào dịp Tết. Thế nên cái chuyện anh ta không biết ăn món canh bầu nấu hột vịt lộn cũng là bình thường. Còn tôi, món ăn "ngon, bổ, rẻ" ấy cũng đến một cách tình cờ. Hôm đó tôi về nhà một anh đồng nghiệp chơi. Nghe anh về, bà con chòm xóm tụ tập ăn nhậu một bữa ra trò. Tôi không giỏi uống rượu nên chỉ được mấy ly là xỉn lăn quay. Ngủ một giấc thì bà mẹ của bạn lay gọi: "Ăn chút gì rồi ngủ tiếp con". Tôi lồm cồm bò dậy, đầu vẫn còn váng vất. Mấy ông hàng xóm đã về hết, chỉ còn anh bạn tôi đang đi tới đi lui chờ tôi tỉnh dậy để cùng ăn.
Tôi ngồi vào bàn thì bà mẹ bưng lên một tô canh bốc khói: "Ăn đi con. Ăn đi cho nóng". Một mùi thơm thật dễ chịu chạm vào khứu giác, kích thích vị giác làm tuyến nước bọt hoạt động dữ dội khiến hai bên hàm tôi đau buốt. Mùi thơm của tiêu, của gừng; của hành, ngò, rau răm quyện vào nhau trong tô canh xanh xanh, vàng vàng thật hấp dẫn. Tôi múc một muỗng nước canh nếm thử. Trời ơi, sao mà nó ngọt lịm, uống tới đâu, tỉnh tới đó…
"Canh bầu hột vịt lộn thì phải chấm với nước mắm nhĩ có rắc chút tiêu như vầy mới ngon" - anh bạn tôi vừa ăn vừa giảng giải. Tôi làm theo. Miếng bầu chấm nước mắm đã ngon, mà miếng trứng chấm vô càng đậm đà hơn. Có thể với nhiều người món canh bầu nấu với hột vịt lộn là quen thuộc nhưng với tôi đó là một món ăn "ngon, độc, lạ".
Cách nấu của mẹ anh bạn như vầy: Trứng vịt lộn luộc chín vừa thì nó mới tròn nguyên, không bể và cũng không làm đục nước canh. Bầu xắt miếng vừa ăn, không cần phải xào trước. Nấu nước sôi, nêm nếm đâu đó rồi lột trứng cho vào, sau đó cho gừng và tiêu. Để lửa nhỏ chừng 3 phút rồi vặn to, cho bầu vào. Nước vừa sôi lại thì vớt bọt, tắt bếp cho hành, ngò, rau răm vào. Món này phải ăn nóng mới ngon, vì vậy tốt nhất nên nấu bằng nồi đất vì loại nồi này giữ nhiệt lâu.
Anh bạn miền Tây "mất gốc" của tôi sau khi húp hết một chén canh thì gật gù: "Đúng là độc thiệt. Ăn vô khỏe liền".
Không tin, bạn thử mà coi.
Bình luận (0)