Sau vụ 42 người tháo chạy khỏi casino ở Campuchia, lực lượng chức năng vừa giải cứu, đưa về Việt Nam an toàn thêm hàng chục lao động. Đây là hồi chuông cảnh báo về "việc nhẹ lương cao" nơi xứ người, đang được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội.
Bị bóc lột, hành hạ
Do cần tiền trả nợ, ngày 30-5-2022, anh N.T.T (SN 2000; ngụ TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) lên các trang mạng xã hội tìm việc làm. Từ đây, anh được giới thiệu làm phụ xe đưa người qua Campuchia với tiền công 5 triệu đồng/chuyến.
N.Q.C (thứ 3 từ trái sang) kể lại sự việc sau khi được giải cứu trở về nhà .Ảnh: NGHIÊM TÚC
Theo hướng dẫn của các đối tượng, sáng 1-6, anh T. lên TP HCM và được ôtô 7 chỗ đưa sang Campuchia. Tuy nhiên, khi đến nơi, công việc của anh lại không giống thỏa thuận. Thực tế, công việc của anh T. là lừa người chơi game để chiếm đoạt tiền của khách. Thời gian làm việc 15 giờ/ngày và không được giao tiếp bên ngoài, cũng không được sử dụng điện thoại. Nếu muốn về nước, anh phải trả cho công ty 2.500 USD. Cũng tin vào giới thiệu việc làm trên mạng xã hội, anh N.Q.C (SN 2005; ngụ phường Bình Đức, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) được các đối tượng làm sẵn hộ chiếu rồi đưa sang Campuchia.
Nhớ về những ngày tháng kinh hoàng ở xứ người, anh C. vẫn còn sợ hãi khi đã về với gia đình. Anh C. kể: "Khi biết bị lừa và xin về lại Việt Nam, các đối tượng nói tôi liên lạc với gia đình lo tiền chuộc. Gia đình tôi đã chuyển tổng cộng 160 triệu đồng nhưng họ lại đòi chuyển thêm 200 triệu đồng. Biết gia đình không còn đủ khả năng nên tôi không đồng ý. Thế là họ bán tôi cho công ty khác".
Những người tháo chạy khỏi casino Rich World (huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal - Campuchia) cũng cho biết do không có việc làm ổn định nên sau khi được giới thiệu sang đó làm nhân viên tiệm game với mức lương 700 - 1.000 USD/tháng, vì vậy họ đồng ý. Thế nhưng khi qua đến nơi, công việc chủ yếu của họ là lừa người chơi game để chiếm đoạt tiền. Mỗi tháng, nếu không đạt chỉ tiêu do quản lý đưa ra thì họ sẽ bị còng tay vào ghế rồi chích điện.
Tránh sập bẫy lừa
Thời gian qua, Công an tỉnh An Giang đã tiếp nhận 7 đơn đề nghị giải cứu của những gia đình có người thân bị lừa sang Campuchia. Thượng tá Nguyễn Hữu Thơ, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang, cho biết qua các vụ việc trên, người dân không nên nghe theo những thông tin tuyển dụng việc làm trên các trang mạng xã hội không rõ nguồn gốc để tránh bị lừa đảo. "Nếu có nhu cầu về việc làm hay đi lao động ở nước ngoài, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin và liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm hợp pháp để được hướng dẫn cụ thể" - thượng tá Thơ khuyến cáo.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang, phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người chủ yếu là tác động vào nhóm đối tượng trẻ, chưa có việc làm ổn định, sinh viên mới ra trường muốn tìm việc làm có thu nhập cao. Chúng chiêu dụ bằng những lời hứa hẹn "việc nhẹ" với mức lương 1.000 USD/tháng để dẫn dụ nạn nhân. Ngoài ra, các đối tượng còn xây dựng hình ảnh của bản thân là một người thành đạt, có đủ điều kiện, vật chất sau khi đi làm tại các "công ty" nước ngoài. Từ đó, nạn nhân dễ tin tưởng nên sập bẫy.
"Để phòng ngừa với tội phạm mua bán người, người dân phải luôn nhớ số điện thoại, địa chỉ cơ quan công an hoặc người thân... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Tìm hiểu thật kỹ về địa điểm, công việc nơi chuẩn bị đến làm việc và lai lịch của người giới thiệu việc làm; tham khảo ý kiến của người thân trước khi xuất khẩu lao động. Không nghe lời bạn bè, người quen đi qua biên giới tìm việc, kể cả khi đi bằng đường chính ngạch" - Công an tỉnh Tiền Giang cảnh báo.
Bình luận (0)