xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vụ Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam cắt giảm 2.786 lao động: Nên có chính sách hợp lý và nhân văn hơn

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đại dịch Covid-19 là chưa có tiền lệ, đẩy hàng vạn công nhân mất việc làm. Vì vậy, cơ quan thuế nên xem xét để áp dụng hợp lý, nhân văn hơn

Liên quan đến việc thu 10% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với khoản hỗ trợ thêm ngoài trợ cấp thôi việc (TCTV) do Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) chi trả cho công nhân (CN) mất việc (Báo Người Lao Động số ra ngày 24-6 đã thông tin), nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia thuế và cán bộ Công đoàn (CĐ) cho rằng ngành thuế cần xem xét vụ việc thấu đáo, hợp lý, hợp tình nhằm chia sẻ khó khăn với CN.

Cần xem xét thấu đáo

Theo ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP HCM), đóng thuế TNCN là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên, cũng cần xem xét theo từng trường hợp và tình hình cụ thể.

Trường hợp ở Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, do tình hình dịch bệnh, người lao động (NLĐ) bị mất việc làm. Để hỗ trợ NLĐ trong giai đoạn mất việc, doanh nghiệp (DN) đã chi thêm một khoản hỗ trợ ngoài TCTV theo quy định. Đây là khoản hỗ trợ cho những người đang gặp nhiều khó khăn vì dịch, song lại bị trừ thuế TNCN 10% là chưa hợp lý.

Mặc dù theo quy định, cuối năm một số NLĐ có thể sẽ nhận lại một phần hoặc toàn bộ số tiền bị trừ thông qua việc hoàn thuế TNCN, nhưng thời gian đến khi được hoàn thuế là khá dài, trong khi NLĐ đang cần số tiền hỗ trợ đó để giải quyết khó khăn trước mắt. "Từ vụ việc tại Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, tôi đề xuất ngành thuế nên xem xét lại chính sách khấu trừ thuế TNCN vì đối tượng ở đây không phải những trường hợp thông thường khác mà là NLĐ đang gặp khó khăn, mất việc, cần có sự cảm thông với NLĐ" - ông An kiến nghị.

Vụ Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam cắt giảm 2.786 lao động: Nên có chính sách hợp lý và nhân văn hơn - Ảnh 1.

Ngành thuế cần xem xét thấu đáo việc thu thuế thu nhập cá nhân nhằm chia sẻ khó khăn với công nhân Ảnh: CAO HƯỜNG

Theo bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, đại dịch Covid-19 là thảm họa toàn cầu, xảy ra không thể lường trước được và đã gây ra những hậu quả rất nặng nề. Điều này có nghĩa, việc thực hiện các chính sách, quy định của pháp luật, phải phù hợp với điều kiện của đại dịch, không nên máy móc áp dụng như điều kiện bình thường.

Dự báo đời sống NLĐ không chỉ bị ảnh hưởng đến tháng 6-2020 mà sẽ còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn như bị ngừng việc, bị mất việc làm trong quý III/2020 khi các DN hết đơn hàng. "Nếu thời gian trước, chỉ có DN nhỏ bị tác động, thì giờ đây những DN lớn như Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, Công ty CP Giày da Huê Phong, cũng đã phải cắt giảm hàng ngàn lao động. Rõ ràng sức đề kháng của DN lớn đã bị tác động rất tiêu cực, dẫn đến NLĐ sẽ bị nghỉ việc hàng loạt…" - bà Ngân cảnh báo.

Cũng theo bà Ngân, việc Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam cho CN nghỉ việc là hậu quả không mong muốn của DN. "Vậy tại sao họ lại tri ân NLĐ như thế? Bởi có những NLĐ gắn bó gần như cả cuộc đời lao động của mình với DN, sau khi rời khỏi công ty, thậm chí họ không thể tìm được việc làm mới.

Cho nên, dù được công ty hỗ trợ thêm ngoài quy định số tiền rất cao - gần 300 triệu đồng nhưng phải nghỉ việc, là nỗi đau xót cho cả DN và NLĐ. "Đây không phải là phần thưởng và cũng không phải là thu nhập tăng thêm thường xuyên. Đây là khoản thu nhập mà NLĐ phải đánh đổi bằng việc làm của mình" - bà Ngân nói và nhấn mạnh quy định nộp 10% thuế TNCN là trong điều kiện bình thường, còn trong hoàn cảnh trớ trêu như của những NLĐ bị mất việc làm như ở Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, thì tốt nhất đừng nên thu.

Không nên thu thuế người mất việc

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng Cục Thuế TP HCM không nên thu thuế đối với khoản thu nhập này của người NLĐ. "CN đang gặp rất nhiều khó khăn do mất việc làm, do vậy chúng ta cần cảm thông, chia sẻ. Nhà nước đã phải bỏ ra hàng chục ngàn tỉ đồng để hỗ trợ DN và NLĐ, vậy tại sao có khoản tiền ít ỏi mà DN tri ân NLĐ như vậy mà cơ quan thuế lại đi thu?" - ông Lợi bày tỏ quan điểm, đồng thời khẳng định có thể về mặt quy định pháp luật hiện hành, cơ quan thuế thu 10% đó không sai. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 là chưa có tiền lệ và nó đã đẩy hàng vạn CN mất việc làm. Vì vậy, cơ quan thuế phải nghiên cứu chính sách, để áp dụng hợp lý và nhân văn hơn.

Theo luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, khoản tiền TCTV Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam trả cao hơn quy định pháp luật là khoản hỗ trợ thêm của DN dành cho NLĐ mất việc. Đối với khoản hỗ trợ ngoài quy định, căn cứ hướng dẫn tại điểm i, khoản 1, điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và Công văn số 6553/CT-TTHT ngày 5-7-2018 của Cục Thuế TP thì khoản tiền lương, tiền TCTV (ngoài quy định của Luật BHXH và Bộ Luật Lao động), tiền thưởng, tiền nghỉ phép chưa sử dụng nếu từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị khấu trừ thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo mức 10% trên tổng thu nhập chi trả.

Như vậy, việc Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam khấu trừ thuế TNCN 10% trên khoản hỗ trợ ngoài quy định là đúng pháp luật. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao ngành thuế và công ty thực hiện đúng pháp luật mà vẫn gây bức xúc cho CN? "Sự cố dịch Covid-19 là chưa có tiền lệ trước đây gây khó khăn cho cả DN và NLĐ. Trong bối cảnh đó, DN vẫn sẵn sàng chi một khoản tiền không nhỏ để hỗ trợ CN mất việc là một nỗ lực rất lớn. Do vậy, việc trừ thuế TNCN trong hoàn cảnh này là chưa thấu tình đạt lý. Thiết nghĩ việc thu thuế TNCN tuy cần phải đúng luật nhưng cũng phải thể hiện tính nhân văn. Một khi luật không phù hợp thực tiễn thì nên có sự điều chỉnh hợp lý để tạo được sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực thi" - ông Phúc nói.

Nên nâng mức chịu thuế

Dù khẳng định cơ quan thuế đã hướng dẫn thu thuế TNCN đúng luật và DN thực hiện không sai nhưng luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP HCM kiêm Tổng Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tín Nghĩa, cho rằng thời điểm thu thuế và mức thu đã gây ra sự "phản cảm". "Trong điều kiện CN gặp khó khăn, việc trừ ngay lập tức 10% thuế TNCN trên khoản trợ cấp tăng thêm khiến họ mất một khoản tiền để trang trải cuộc sống hiện tại. Tất nhiên, cuối năm tính thuế, tức vào khoảng tháng 4-2021, họ sẽ được nhận phần hoàn lại nhưng thời gian từ nay tới đó khá lâu. Để giúp người nộp thuế đỡ khó khăn trong cuộc sống do tác động của dịch bệnh, có thể xem xét điều chỉnh chính sách thuế nói chung đối với phần hỗ trợ thôi việc dành cho NLĐ trong một khoảng thời gian nhất định" - luật sư Nghĩa nêu quan điểm.

Ông Nghĩa cũng cho rằng khoản thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng trở lên phải tính thuế TNCN là chưa hợp lý. Theo ông, nên nâng mức tối thiểu tính thuế vãng lai lên 5 triệu đồng. Ngoài ra, về thời điểm khấu trừ thuế TNCN, không nên máy móc áp dụng nguyên tắc "trừ ngay khi có thực chi" mà có thể quyết toán thuế cho NLĐ ngay tại thời điểm nghỉ việc để họ được áp dụng thuế lũy tiến từng phần - thấp hơn thuế suất dành cho thu nhập vãng lai. Đồng thời, thời hạn quyết toán thuế cũng nên được gia hạn thêm 3 tháng sau khi nghỉ việc để phần thu nhập tính thuế theo tháng giảm xuống.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng ngành thuế nên thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của NLĐ và DN trong bối cảnh phải chống chọi với hậu quả của dịch Covid-19, để từ đó có chính sách thuế nhân văn, mang tính chia sẻ nhiều hơn. "Thuế không thể không thu để bảo đảm đúng nguyên tắc nhưng với phần tiền trợ cấp này, CĐ các DN nên kiến nghị ngành thuế và Bộ Tài chính khoan thu hoặc thu sau. Trong thời gian NLĐ sống bằng tiền trợ cấp để đi tìm việc làm mới, tốt nhất không nên thu thuế ngay mà nên tính toán vào cuối năm tính thuế" - TS Lê Đăng Doanh nêu ý kiến.

Linh động hơn trong cách thu

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Trọng Tín, cho rằng việc thu thuế 10% với phần hỗ trợ tăng thêm dành cho NLĐ mất việc là không thực sự đúng bản chất thuế TNCN. Đặc biệt, với đối tượng CN trong hoàn cảnh khó khăn do phải nghỉ việc, cơ quan thuế và DN nên linh động hơn về cách thu. "Xác định khoản hỗ trợ này thuộc thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu thuế theo biểu lũy tiến từng phần thì phù hợp hơn. Tức là, tạm trừ thuế trên nền thu nhập chung của NLĐ. Ở đây, nền thu nhập chung của NLĐ hầu như chưa đến ngưỡng phải chịu thuế nên không cần trừ thuế với khoản tiền hỗ trợ thôi việc" - ông Được chỉ rõ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo