Để chủ động nguồn nhân lực, thời gian qua nhiều doanh nghiệp (DN) đã liên kết đào tạo với các trường CĐ, ĐH thông qua hình thức như: đặt hàng đào tạo, các kỳ thực tập, kiến tập... Sự phối hợp này đã trở thành cánh tay nối dài giữa sinh viên (SV) - DN - nhà trường, giúp SV học nghề không mất phí, thậm chí còn có lương, sau khi tốt nghiệp sẽ được bố trí việc làm ngay.
Mở ra cơ hội việc làm cho sinh viên
ThS Trương Quang Trung - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP HCM), cho biết các ngành nghề như cơ điện tử, cơ khí, điện - điện tử, điều khiển và tự động hóa... thường xuyên được các DN đặt hàng đào tạo. Điển hình như từ năm 2014 đến nay, nhà trường đã liên kết đào tạo nhân lực cho Công ty TNHH Schindler Việt Nam dành cho SV năm nhất bậc CĐ. Mỗi khóa sẽ tuyển khoảng 20-25 SV, số lượng nhiều ít còn tùy thuộc vào nhu cầu nhân lực hằng năm của công ty.
Tham gia chương trình, bên cạnh các môn học bắt buộc của trường, SV được học thêm những môn học tự chọn do công ty đưa ra. "SV không phải đóng học phí và ngay khi tốt nghiệp sẽ được DN nhận vào làm việc, với mức lương khá và đãi ngộ tốt" - ThS Trung nói.
TS Đinh Văn Đệ, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cũng nhìn nhận sự hợp tác giữa trường với các DN không chỉ giúp bảo đảm đầu ra cho SV mà còn hỗ trợ DN tuyển dụng được lực lượng lao động có chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh. Nhiều năm qua, nhà trường thường xuyên phối hợp đào tạo với các DN như Công ty TNHH Thép Việt (TP Thủ Đức, TP HCM), Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại PhaNa, Công ty CP Sản xuất Thương mại Đào Tiên...
Ngoài học ở trường, SV còn được học thực hành trực tiếp tại DN, giúp SV sớm tiếp cận với công nghệ và môi trường làm việc hiện đại để khi ra trường không phải bỡ ngỡ. Những SV có học lực khá, giỏi hoặc thực hành tốt sẽ được DN bố trí việc làm và trả lương khi chưa tốt nghiệp. Mối liên kết này đã mở ra cơ hội việc làm cho SV ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Lực lượng lao động tại Công ty CP Cơ khí Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TP HCM) luôn ổn định nhờ quan hệ hợp tác chặt chẽ với các trường nghề
Ba bên cùng có lợi
Không còn cảnh đăng tuyển rồi ngồi chờ ứng viên đến nộp hồ sơ, ngày càng có nhiều DN chủ động tìm đến nhưng nơi có nguồn cung lao động chất lượng cao để tìm kiếm nguồn lao động. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TP HCM), cho biết hằng năm, công ty liên kết đào tạo với một số trường như ĐH Giao thông Vận tải, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Cao đẳng nghề Long An. Đây là cách DN chủ động nguồn nhân lực trong sản xuất.
Hằng năm, DN và các trường sẽ phối hợp tổ chức chương trình "Học kỳ DN". SV tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ 245.000 đồng/ngày. Kết thúc thời gian kiến tập, thực tập, phòng nhân sự công ty sẽ gửi thư mời SV đáp ứng điều kiện ở lại làm việc, với mức thu nhập từ 10-20 triệu đồng/tháng. "Phần đông SV nằm trong chương trình liên kết đều có kết quả học tập, kiến tập tốt, do vậy chúng tôi chào đón họ với những vị trí công việc phù hợp nhất. Sau quá trình liên kết đào tạo với các trường, chúng tôi cho rằng đây là cách làm hay, hiệu quả nhất trong bối cảnh nhiều ngành nghề đang khan hiếm nhân lực có chuyên môn" - ông Hùng nói.
Thường xuyên tham gia các buổi tư vấn kỹ năng phỏng vấn, tuyển dụng và phát triển nghề nghiệp cho SV các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP HCM, ông Phạm Phú Lâm, Giám đốc điều hành Công ty CP Netalink (quận 1, TP HCM), đánh giá SV tham gia liên kết đào tạo thường có tay nghề vượt trội. Liên kết đào tạo là chiến lược "ba bên cùng có lợi" khi mà cả người học, DN và nhà trường đều hài lòng. Người học sẽ không lo thiếu việc làm mà còn nhận được phụ cấp thực tập, DN không lo thiếu nhân sự trong khi nhà trường nâng cao được chất lượng đào tạo.
"SV trong quá trình thực tập hoặc tham gia học kỳ DN đang sở hữu cơ hội "phỏng vấn sớm" để trở thành nhân sự chính thức. Vì thế, trong quá trình trải nghiệm tại DN, hãy chứng minh cho người sử dụng lao động thấy được năng lực chuyên môn cũng như kỹ năng làm việc của mình để có được cơ hội việc làm khi ra trường" - ông Lâm lưu ý.
57% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng
ManpowerGroup Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát xu hướng tuyển dụng quý III và quý IV/2022. Theo khảo sát này, có đến hơn 70% nhà tuyển dụng cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đã khôi phục từ 50% trở lên so với lúc trước dịch Covid-19 và 12% DN thừa nhận vẫn đang chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch. Hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc cũng khiến nhu cầu tuyển dụng trong nhiều nhóm ngành nghề tiếp tục tăng, dù mức tăng có khiêm tốn hơn giai đoạn 6 tháng trước. Triển vọng tuyển dụng được kỳ vọng tăng trong vòng 6 tháng tới, thể hiện rõ nhất trong các lĩnh vực: Sản xuất và chế biến chế tạo; bán sỉ, bán lẻ và thương mại; tài chính - ngân hàng; dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp, xây dựng; dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí và bất động sản. Có đến 50% DN có kế hoạch tuyển dụng các vị trí chuyên viên có ít nhất từ 6 tháng kinh nghiệm trở lên; khoảng 1/4 DN tham gia khảo sát (24%) cần tuyển lao động phổ thông. Cũng theo khảo sát, 57% các DN thuộc nhiều lĩnh vực đang gặp khó khăn trong tuyển dụng. Nhằm giải quyết những thách thức trong tuyển dụng, 22% DN khảo sát có kế hoạch sử dụng dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao trong thời gian tới. Theo sau đó, dịch vụ cho thuê lại lao động cũng được các DN cân nhắc trong chiến lược bổ sung nhân sự của mình, với tỉ lệ lựa chọn là 16%.
Khảo sát xu hướng tuyển dụng tại Việt Nam quý III và quý IV/2022 do ManpowerGroup Việt Nam thực hiện cuối quý II/2022 trên hơn 100 nhà tuyển dụng thuộc 21 ngành nghề khác nhau trên toàn quốc.
Bình luận (0)