Đều đặn mỗi ngày, anh Nguyễn Văn Cường có mặt tại Công ty TNHH Corsair Marine International (quận 7, TP HCM) để bắt đầu một ngày làm việc. Chứng kiến thao tác nhanh nhẹn của anh, ít ai biết được người công nhân (CN) kỳ cựu này từng trải qua giai đoạn thập tử nhất sinh vì tai nạn lao động (TNLĐ).
Quyết không gục ngã
Cách đây 3 năm, trong lúc anh Cường dọn dẹp vệ sinh tầng hầm máy tàu thì bình gas máy hút bụi bất ngờ phát nổ. Sau tiếng nổ lớn, nhiều đồng nghiệp phát hiện anh bất tỉnh.
Vụ nổ khiến anh Cường bị bỏng nặng với tỉ lệ thương tật 46%. Tỉnh lại trong bệnh viện, anh cảm thấy toàn thân đau rát, hai tay không thể cử động do vết bỏng quá lớn. Thời điểm ấy, đến cả việc vệ sinh cá nhân anh cũng nhờ sự giúp đỡ của vợ.
Thương vợ vất vả, anh tự động viên mình không thể gục ngã. Sự động viên của lãnh đạo và đồng nghiệp tại công ty cũng giúp anh có thêm động lực để vượt qua nỗi đau về thể xác. Hơn 7 tháng kiên trì tập vật lý trị liệu, sức khỏe anh Cường dần ổn định. Ngày lãnh đạo công ty gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe và đề nghị trở lại làm việc, anh Cường rất vui và hạnh phúc. Anh được bố trí làm việc ở bộ phận cũ nhưng công việc nhẹ nhàng hơn, thu nhập mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng.
"Dù sức khỏe giảm sút nhưng tôi cảm thấy mình may mắn vì còn có thể làm việc để nuôi sống bản thân và chăm lo cho gia đình. Sự quan tâm, động viên kịp thời của tổ chức Công đoàn cũng giúp tôi có thêm niềm tin vào cuộc sống" - anh Cường bày tỏ.
Sau tai nạn lao động, anh Nguyễn Văn Cường, công nhân Công ty TNHH Corsair Marine International (quận 7, TP HCM) vẫn giữ được tinh thần lạc quan. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Vụ TNLĐ xảy ra cách đây 18 năm khiến chị Nguyễn Thị Ngọc Liệu (38 tuổi), CN Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) bị dập nát bàn tay trái, tỉ lệ thương tật 50%. Sau hơn 2 tháng điều trị, chị được chuyển từ bộ phận ép keo sang làm thợ phụ của chuyền may. Công việc phù hợp với sức khỏe trong khi thu nhập vẫn được bảo đảm khiến chị vui mừng. Mỗi ngày, chị Liệu theo xe đưa rước CN đi từ Long An lên TP HCM làm việc. Đi sớm về trễ nên việc chăm sóc 2 con nhỏ đều do chồng chị quán xuyến.
Công việc của chồng không ổn định nên chi phí sinh hoạt trong gia đình phụ thuộc vào đồng lương của chị. Sau tai nạn, dù sức khỏe không tốt nhưng chị vẫn cố gắng làm việc để có tiền lo cho con và trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. "Sự kiên trì của bản thân cùng sự yêu thương của chồng con đã giúp tôi vượt qua những thời điểm khó khăn nhất" - chị Liệu bộc bạch. Năm nào cũng vậy, cùng với nhiều đồng nghiệp không may bị TNLĐ, chị Liệu luôn nhận được sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn.
Gia đình là điểm tựa
Đến giờ này, anh Nguyễn Hữu Tân (SN ngụ quận 5, TP HCM), nhân viên của Công ty TNHH TM DV SX Quang Thịnh Hưng (quận 8, TP HCM) vẫn chưa thôi ám ảnh vụ TNLĐ xảy ra cách đây 10 năm.
Khi đó, anh Tân là CN trực tiếp sản xuất của một công ty nhựa đóng tại quận 11, TP HCM. Trong một ca làm việc, do sàn nhà xưởng trơn trượt và không đi giày bảo hộ, anh Tân bị ngã, cánh tay phải bị máy cán nát, gan, phổi cũng tổn thương. Anh được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, khó bảo toàn tính mạng. Bác sĩ đã nỗ lực giữ lại được cánh tay cho anh nhưng không cử động được, tỉ lệ thương tật 74%.
Sau 3 tháng điều trị, anh Tân xin nghỉ việc do sức khỏe suy kiệt. "Lúc ấy, điều tôi lo lắng nhất là các con còn quá nhỏ. Thương vợ vừa phải chăm sóc chồng vừa phải lo cho 2 con nên tôi tự nhủ phải cố gắng mỗi ngày" - anh Tân nhớ lại. Cách đây 6 năm, anh xin vào làm việc tại Công ty TNHH TM DV SX Quang Thịnh Hưng. Tuy lương không cao nhưng anh rất vui vì có thu nhập lo cho vợ con. Nhận khoản hỗ trợ 1 triệu đồng do LĐLĐ quận 5 tặng trong Tháng CN, anh Tân vô cùng xúc động.
Mới đây, LĐLĐ quận Gò Vấp, TP HCM cũng đã họp mặt, tặng quà cho 48 CN bị TNLĐ (tỉ lệ thương tật từ 31% trở lên). Trong số đó, ông Phạm Bá Hà (ngụ phường 13, quận Gò Vấp, TP HCM) là một trong số ít trường hợp có thể tiếp tục làm việc kiếm sống sau khi bị TNLĐ. Trước đây, ông Hà là CN vận hành máy tại Nhà máy Dệt chăn len Bình Lợi (quận Bình Thạnh). Cách đây 20 năm, trong một phút bất cẩn, hai bàn tay ông bị cuốn vào máy dệt, phải tháo khớp 5 ngón tay.
Khi ấy, ông Hà mới 26 tuổi và chưa lập gia đình. Nhìn hai bàn tay không còn lành lặn, ông suy sụp hoàn toàn. Gạt bỏ suy nghĩ bi quan, ông cố gắng tập luyện để sớm hồi phục và quay trở lại với công việc. Thế nhưng do sức khỏe giảm sút nên ông chỉ trụ lại được một thời gian ngắn. Hiện ông đang làm bảo vệ cho một cơ sở sản xuất tư nhân.
Nhìn lại quãng thời gian qua, ông Hà cho biết mình rất may mắn khi có được người vợ luôn thông cảm và yêu thương chồng hết mực. Ông Hà đặc biệt cảm ơn sự quan tâm, chăm sóc của tổ chức Công đoàn, khi hằng năm đều được động viên, tặng quà vào các dịp lễ, Tết.
Bình luận (0)