Vì sự thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) hoặc sự lơ là của người lao động (NLĐ) dẫn đến tai nạn lao động (TNLĐ). Hậu quả của TNLĐ vô cùng thảm khốc, hoặc mất mạng, hoặc mang thương tật suốt đời. Để giảm TNLĐ, tránh được bệnh nghề nghiệp, UBND TP HCM và đơn vị đoàn thể đã tích cực hưởng ứng Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) lần thứ 2 trong toàn thể DN, NLĐ của TP.
Nỗi đau
Từ một thanh niên trẻ, khỏe, tràn đầy sức sống, anh Lâm Văn Dũng (45 tuổi; ngụ quận 3, TP HCM) từng là công nhân (CN) Công ty TNHH Linfox Logistic Việt Nam, trở thành một người tàn tật. Sự cố kẹt chân vào bộ phận máy của xe vận chuyển nội bộ công ty làm anh Dũng mất đi chân trái, phải cắt bỏ chân qua đầu gối, tỉ lệ thương tật 81%. Với tỉ lệ thương tật này, anh Dũng mất khả năng lao động, sống nhờ vào số tiền trợ cấp 3 triệu đồng/tháng. Không gia đình, không con cái, anh sống với cha mẹ già trên 80 tuổi và các chị em gái. "Khi tai nạn xảy ra, trở thành người tàn phế, tôi chỉ muốn chết nhưng nhìn thấy cha mẹ già, tôi không muốn họ phải đau thêm lần nữa. Hiện nay, gia đình tôi có đến 8 nhân khẩu, thuộc hộ cận nghèo nên rất khó khăn. Tôi chỉ mong số tiền trợ cấp được tăng lên để có thể tự lo cho mình" - anh Dũng tâm sự.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, thăm hỏi và tặng sổ tiết kiệm cho bà Lê Thị Vân Hòa
Mỗi ngày, bà Lê Thị Vân Hòa (62 tuổi; ngụ quận 6, TP HCM; từng là CN Xí nghiệp mì Bình Tây) bắt chiếc ghế ra giữa nhà rồi ngồi nhìn ra đường. Với bà, thế giới chỉ còn là xe cộ và dòng người tấp nập trước nhà. Ngày trước, bà Hòa là phụ nữ có nhan sắc, có một gia đình ấm êm với người chồng giỏi, đứa con trai kháu khỉnh. Năm 1990, đang làm việc, bà bị máy cuốn tay và chân phải. Tỉnh dậy trong bệnh viện, bà thấy mình mất đi cánh tay và một chân, tỉ lệ thương tật 81%. Nhưng nỗi đau đó chưa lớn bằng nỗi đau tinh thần mà bà phải gánh chịu. Sau khi ở bệnh viện về nhà chồng, bà thấy đồ đạc cá nhân của mình đã được xếp gọn ghẽ cùng tờ đơn ly hôn để trên bàn. Bà ký vào đơn rồi ra đi, đứa con trai rứt ruột đẻ ra phải để lại cho nhà chồng. Từ đó, bà sống nương nhờ vào em gái và cháu cùng số tiền trợ cấp 2 triệu đồng/tháng.
Tuyệt đối bảo đảm an toàn
Khi TNLĐ xảy ra, nỗi đau, sự mất mát không chỉ NLĐ gánh chịu mà cả DN cũng gặp nhiều khó khăn. Do vậy, để an toàn cho NLĐ cũng như xây dựng môi trường làm việc tốt, DN phải chủ động trong phong trào này. Ông Bùi Văn Huấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thiên Long - KCN Tân Tạo, cho biết: "Môi trường làm việc an toàn được DN đặt lên hàng đầu. Chúng tôi đặt ra chỉ tiêu phải đạt độ an toàn trong nhà xưởng, máy móc thiết bị, không khí, tiếng ồn phải ở mức cho phép. Hằng tháng, lực lượng an toàn vệ sinh viên của DN phải họp để báo cáo cũng như đề xuất, kiến nghị sửa chữa, bổ sung những điểm chưa phù hợp, những nơi có nguy cơ gây TNLĐ. Mỗi tuần, lực lượng này đều đi kiểm tra nhà xưởng, nhà ăn, dụng cụ bảo hộ lao động, nơi để rác thải… và nhắc nhở những bộ phận chưa làm đúng".
Điều đó cũng được Công ty CP Kinh doanh Thủy sản Sài Gòn (Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn) thực hiện nghiêm túc. Không chỉ trang bị dụng cụ bảo hộ lao động, huấn luyện sử dụng máy móc an toàn, DN còn kiểm tra sức khỏe định kỳ 2 lần/năm cho NLĐ để phát hiện bệnh nghề nghiệp. "Nhân tháng hành động về AT-VSLĐ, công ty vừa kiểm tra sức khỏe cho NLĐ vào cuối tháng 4. Nếu có NLĐ nào mắc bệnh nghề nghiệp, DN sẽ tạo điều kiện, động viên để họ chữa trị. Rất may không NLĐ nào mắc bệnh nghề nghiệp, chỉ vài người bị cao huyết áp, chỉ số đường, mỡ trong máu cao" - bà Lê Thị Thùy Trang, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) công ty, cho biết.
Trước sự cố cháy nổ ở các tòa nhà cao tầng rộ lên gần đây, CĐ ngành Y tế TP HCM đã tổ chức hội thao AT-VSLĐ - phòng chống cháy nổ với chủ đề "Phòng cháy, chữa cháy - Cứu hộ, cứu nạn và thoát nạn trong cơ sở y tế khi xảy ra cháy". Không chỉ được ôn luyện lý thuyết, các thí sinh được thực hành những kỹ năng xử lý khi xảy ra cháy ở tòa nhà cao tầng như báo động cháy, cứu nạn và sơ cứu y tế, chữa cháy, phá và vượt chướng ngại vật, hướng dẫn thoát nạn... Anh Nguyễn Văn Hùng, Bệnh viện Nguyễn Trãi, nhận xét: "Các kiến thức rất thực tế và bổ ích. TP HCM hiện nay, có rất nhiều tòa nhà cao tầng thế nhưng rất ít NLĐ biết được các kỹ năng thoát hiểm, cứu nạn".
Ông Phạm Huy Thông, Phó Ban Quản lý các KCX-KCN TP:
Huấn luyện an toàn cho NLĐ
Trong Tháng hành động về AT-VSLĐ, tôi đề nghị các DN phải thăm hỏi, động viên gia đình CN bị TNLĐ, bị bệnh nghề nghiệp; tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy AT-VSLĐ của DN, tổ chức huấn luyện cho NLĐ. DN phải thường xuyên tổ chức kiểm tra AT-VSLĐ tại DN, bổ sung, làm mới biển báo, rào chắn những khu vực có nguy cơ xảy ra TNLĐ; trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động, đo môi trường lao động và cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ...
NLĐ phải chấp hành nghiêm mọi quy định AT-VSLĐ tại DN nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe cá nhân mình, an toàn cho mọi người xung quanh; tham gia đầy đủ các lớp huấn luyện về AT-VSLĐ, sơ cấp cứu tại DN…
Bình luận (0)