Các chuyên gia khẳng định kỹ năng kỹ thuật số hay kỹ năng sử dụng công nghệ là yếu tố quan trọng nhất mà người lao động (NLĐ) cần có để được việc làm trong năm mới, khi nền kinh tế kỹ thuật số đang bao trùm mọi ngành nghề. Các doanh nghiệp (DN) cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số để bắt kịp với xu thế.
Coi trọng kinh nghiệm, phẩm chất ứng viên
Thị trường tuyển dụng đang có sự phát triển và chuyển mình mạnh mẽ. Sự thay đổi thị phần trong lực lượng lao động từ thế hệ M (sinh từ năm 1980 - 2000) sang gen Z (sinh từ năm 1997 - 2012) cũng là nhân tố các DN cần lưu tâm khi lập kế hoạch tuyển dụng cho năm 2023.
Lên kế hoạch tìm việc sau Tết Nguyên đán, chị Vũ Thị Hồng Nhung (26 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết sẽ có 3 ưu tiên đặt ra với nhà tuyển dụng. Đó là được làm việc kết hợp tại nhà và văn phòng, có chế độ BHYT mở rộng cho gia đình nhân viên và có cam kết lộ trình phát triển nghề nghiệp cho nhân viên.
"Tôi có kinh nghiệm làm trợ lý kinh doanh khu vực Đông Dương cho một tập đoàn công nghệ của Đức nên khả năng chịu áp lực tốt. Tôi chọn nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ. Giờ tôi quay lại làm việc thì những ưu tiên chọn lựa như trên là để có một công việc phù hợp và gắn bó lâu dài" - chị Nhung nói.
Lao động gen Z tham gia ngày càng nhiều vào thị trường lao động
Ở góc độ nhà tuyển dụng, chị Võ Ngọc Hương Nhi, phụ trách tuyển dụng của hệ thống siêu thị WinMart, cho rằng năm 2023, cách tuyển dụng của công ty sẽ có nhiều thay đổi so với trước. Trong đó, công ty sẽ coi trọng kinh nghiệm thực tế và phẩm chất của ứng viên (ƯV); đào tạo nội bộ để sàng lọc, lựa chọn những người có tố chất cho vị trí cao hơn.
Việc xây dựng lộ trình đào tạo cho ƯV trải nghiệm thực hiện các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để phát triển sự nghiệp trong DN cũng sẽ được đẩy mạnh trong năm nay. Cách làm mới này được kỳ vọng sẽ giúp cho hệ thống siêu thị tăng trưởng nhanh trong năm, khi công tác chuyển đổi số được tiến hành song song.
Theo báo cáo của trang web việc làm Indeed (Mỹ), NLĐ thế hệ mới sẽ chiếm phần lớn trên thị trường lao động vào năm nay. NLĐ sẽ ưu tiên chọn cách làm việc từ xa. Điều này càng phù hợp hơn khi NLĐ đang ưu tiên hạnh phúc trong làm việc và phúc lợi phải tốt hơn so với trước dịch COVID-19. Indeed nhận định năm 2023, NLĐ chú trọng ngày càng nhiều vào tính đa dạng, công bằng và hòa nhập khi chọn việc làm.
Thu hút kết hợp sàng lọc
Ông Nguyễn Hải Tùng, sáng lập và điều hành JobHopin (quận 1, TP HCM), cho rằng nhiều xu hướng mới trong tuyển dụng mà các DN cần biết để có kế hoạch thu hút và giữ chân nhân tài trong thời gian tới.
Đầu tiên là xu hướng cải thiện trải nghiệm và xây dựng mối quan hệ lâu dài với ƯV. Thị trường việc làm đang dần nghiêng về phía có lợi cho ƯV nhiều hơn là nhà tuyển dụng. Vì thế, việc xây dựng được trải nghiệm tuyển dụng tốt và mối quan hệ lâu dài với ƯV thực sự trở nên cần thiết, không chỉ trong 2023 mà còn những năm tới. Bên cạnh đó, sự gia nhập ngày càng lớn của lao động gen Z cũng là yếu tố buộc nhà tuyển dụng đặt mối quan tâm nhiều hơn vào nâng cao trải nghiệm ƯV.
Đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình tuyển dụng là xu hướng mới mà ông Tùng khuyên các DN mạnh dạn sử dụng. "Công nghệ tuyển dụng (HR Tech) đang giúp các DN tiết kiệm thời gian, công sức và cả tiền bạc. HR Tech hiện tham gia vào việc thu hút, lọc ƯV chất lượng theo yêu cầu của nhà tuyển dụng, phỏng vấn trực tuyến tự động" - ông Tùng nói.
Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Phó Giám đốc bộ phận tuyển dụng Adecco TP HCM, việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng uy tín là xu hướng tiếp theo mà DN không nên bỏ qua. Để xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng uy tín, DN cần đưa ra mục tiêu về cách thương hiệu được nhận diện trong mắt ƯV. Tận dụng các nền tảng mạng xã hội, nơi hội tụ phần lớn ƯV trẻ để quảng bá thương hiệu tuyển dụng với hình ảnh đẹp, clip chuyên nghiệp, trẻ trung, năng động nhưng chỉn chu.
Tham gia các ngày hội việc làm lớn, nhất là tại các trường đại học cũng là cách quảng bá thương hiệu tuyển dụng hiệu quả. "Một khi xây dựng được văn hóa DN tốt, khiến nhân viên hài lòng, gắn bó dài lâu. ƯV hiện không đặt nặng công việc dựa trên mức lương mà họ quan tâm nhiều hơn đến môi trường làm việc" - ông Chương nhấn mạnh.
Khuyến khích làm việc từ xa
Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương đánh giá những năm dịch bệnh, giãn cách xã hội nhân viên nhiều lĩnh vực, nhất là nhóm ngành công nghệ có thể hoàn thành tốt công việc mà không cần tới văn phòng. Một bộ phận không nhỏ NLĐ đã quen dần với phương thức làm việc từ xa (remote work) và làm việc kết hợp (hybrid work) và họ kỳ vọng phương thức làm việc này được các DN giữ như một chính sách tuyển dụng ưu việt. Với lao động gen Z, họ không thích ràng buộc nên xu hướng làm việc từ xa được họ kỳ vọng hơn cả.
Bình luận (0)