Đó là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), diễn ra ngày 20-4. Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm đáp ứng các yêu cầu giải quyết vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành trong thời gian qua. Nhiều ý kiến đóng góp quan trọng đã được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề chất lượng lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).
Nâng chất lượng lao động
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Đồng thời nhấn mạnh việc ban hành luật cần hướng tới việc hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, kỳ vọng dự thảo luật lần này cần thúc đẩy chuyển biến về chất trong hoạt động XKLĐ không chỉ về lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn chất lượng, trình độ lao động. NLĐ đi làm việc ở nước ngoài có kinh nghiệm ở các nước phát triển trở về cống hiến cho đất nước. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng ngoài vấn đề thu nhập, việc làm thì công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn liên quan đến thể diện quốc gia. Một bộ phận nhỏ lao động của chúng ta vẫn chưa tốt, còn vi phạm pháp luật lao động của nước sở tại làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh con người Việt Nam. Do đó, luật phải đặt ra tiêu chuẩn cao hơn. Phải có quy định với những yêu cầu rất cao về tổ chức đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Chúng ta đánh giá cao đóng góp của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài nhưng công tác này phải chất lượng hơn, nền nếp hơn, phải bảo đảm phẩm giá của người Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự thảo luật này phải gắn việc làm trong nước với làm việc ở nước ngoài để sau khi NLĐ hết thời hạn làm việc về nước có thể tìm được việc làm, tiếp tục chính sách BHXH. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải thiết kế trong luật để bảo vệ NLĐ cũng như chính sách cho NLĐ khi quay về nước thay vì chỉ tập trung vào các quy định để đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính tạo sự minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) đưa lao động đi nước ngoài làm việc cũng cần quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi bất chính, vô trách nhiệm, bỏ rơi NLĐ.
Lao động Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài làm việc
Tận dụng nguồn lực lao động xuất khẩu
Ông Vũ Trịnh, Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Tokyo VNJ, cho rằng hoạt động đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc là chủ trương đúng đắn của Chính phủ hướng đến giảm nghèo bền vững. Theo ông Trịnh, trong nhiều năm qua, Việt Nam đưa hàng trăm ngàn lao động sang nhiều nước phát triển để làm việc đã giúp cải thiện đời sống của nhiều hộ nghèo, giúp họ thoát nghèo. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở giải quyết việc làm thì yếu tố bền vững sẽ không lâu bền bởi đa số lao động ra nước ngoài làm việc đều có thời hạn. "Họ sẽ quay về nước khi hết hạn hợp đồng. Nếu chúng ta không tận dụng nguồn nhân lực được đào tạo, rèn luyện và có tác phong công nghiệp này thì đó là sự thất thoát rất lớn về nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, rất nhiều lao động ra nước ngoài làm việc phổ thông nên khi trở về rất khó quay lại thị trường lao động. Do vậy, Chính phủ cần có các biện pháp quy định rõ để phái cử những lao động có tay nghề, được đào tạo trước khi xuất cảnh để khi họ quay về, Việt Nam sẽ có một đội ngũ nhân lực chất lượng cao" - ông Trịnh nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Anh Quang Thanh, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực PITSCO tại TP HCM, cho biết nhiều năm nay các DN XKLĐ luôn trăn trở về chất lượng nguồn lao động đi XKLĐ. Ông Thanh nhấn mạnh con số hàng chục ngàn lao động trở về nước hằng năm khi hết hạn hợp đồng chưa thể đóng góp nhiều về chất lượng, năng suất lao động như kỳ vọng. "Tại sao các em có tay nghề sau khi ra nước ngoài làm việc, hết hạn hợp đồng về nước lại nhanh chóng có được việc làm với thu nhập cao? Đơn giản đó là nhu cầu của thị trường lao động. Lao động có tay nghề, có kỹ năng, có chuyên môn cao sẽ được chào đón. Đó cũng là câu trả lời cho các bạn đi Nhật Bản diện kỹ sư khi trở về nước đa phần làm quản lý cho các DN Nhật tại Việt Nam" - ông Thanh nói. Cả ông Trịnh và ông Thanh kỳ vọng sửa đổi lần này của Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ là bước tiến quan trọng trong lĩnh vực XKLĐ của Việt Nam, từng bước nâng chất hoạt động XKLĐ nhằm bảo vệ NLĐ, xóa bỏ những DN làm ăn không minh bạch, lừa đảo, góp phần làm trong sạch hoạt động XKLĐ.
Ông ĐÀO NGỌC DUNG, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
Hướng đến thị trường thu nhập cao
Nhiều địa bàn tiềm năng, có chất lượng được khai thác trong thời gian gần đây như CHLB Đức, Hungary, Romania... Hai năm qua, chúng ta đưa được 1.066 người sang Đức. Toàn bộ số lao động này do Đức đầu tư tiền cho chúng ta đào tạo trong 3 năm, mức lương của họ bây giờ là 3.000 euro/tháng, tôi đã sang trực tiếp kiểm tra nơi ăn ở, điều kiện làm việc của NLĐ và thấy rất tốt.
Bình luận (0)