Nhận khoản đầu tư 258 triệu USD tại vòng gọi vốn thứ 5, Tiki cam kết sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực vào thị trường Việt Nam thông qua xây dựng hạ tầng, đầu tư công nghệ, chuỗi cung ứng, đào tạo nguồn nhân lực…
Thị trường Việt Nam có gì hấp dẫn?
258 triệu USD rót vào Tiki trong vòng đầu tư này đến từ hàng loạt nhà đầu tư danh tiếng trên thế giới như AIA, Mirae Asset Capital, Taiwan Mobile, Yuanta Fund, STIC Investments. Thương vụ cho thấy nền kinh tế số Việt Nam đã trở thành cái "rốn" hút dòng vốn đổ vào khu vực Đông Nam Á.
"Chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn của nền kinh tế Việt Nam cũng như quá trình chuyển đổi số và sự tăng trưởng của ngành thương mại điện tử (TMĐT)" - Giám đốc Mirae Asset Capital Jikwang Chung nói về thương vụ rót tiền vào Tiki. Một nhà đầu tư khác thì nhận xét: "Chúng tôi nhận thấy lĩnh vực tiêu dùng ở Việt Nam đang tăng trưởng vượt trội với những bứt phá mạnh mẽ về công nghệ".
Trong khi đó, đại diện STIC Investments bày tỏ: "Chúng tôi đã đầu tư vào Tiki từ Series C năm 2018. Niềm tin từ khách hàng về chất lượng sản phẩm và dịch vụ giao hàng là cơ sở vững chắc để chúng tôi tiếp tục đầu tư cho Tiki trong vòng gọi vốn này".
Mới đây, "kỳ lân" công nghệ Việt Nam VNG cũng đầu tư vào Telio - nền tảng TMĐT B2B đầu tiên của Việt Nam - với khoản đầu tư trị giá 22,5 triệu USD. Cùng với khoản đầu tư từ VNG, vòng gọi vốn Pre-Series B của Telio còn có sự tham gia của Quỹ Đầu tư toàn cầu GGV Capital và Quỹ Đầu tư Tiger Global.
Các nhà bán lẻ trực tuyến vào cuộc đua hút vốn và nâng cao trải nghiệm khách hàng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Một thương vụ gây bất ngờ hơn cả là Society Pass - công ty công nghệ có trụ sở tại Mỹ - mua lại sàn TMĐT hàng hiệu Leflair vào hồi tháng 6 vừa qua sau khi sàn này phá sản với hàng loạt lùm xùm liên quan đến công nợ. Quyết định táo bạo của Society Pass được cho rằng dựa trên sự sôi động của thị trường mua sắm online tại Việt Nam mà bản thân Leflair đã từng gặt hái được thành quả. Sau 4 năm kể từ khi ra mắt tại Việt Nam vào năm 2015, Leflair đã mở rộng hoạt động sang Singapore và Philippines, tiếp cận và phục vụ hơn 120.000 khách hàng…
Trong báo cáo "e-Economy SEA 2021", Google, Temasek và Bain & Co xác nhận vốn đầu tư tiếp tục tăng mạnh vào Việt Nam, đặc biệt ở các dịch vụ kỹ thuật số như TMĐT, công nghệ tài chính, công nghệ y tế, công nghệ giáo dục. Google, Temasek và Bain & Co cũng dự báo năm 2025, Việt Nam sẽ giữ ngôi vị "á vương" trong lĩnh vực TMĐT tại Đông Nam Á với quy mô thị trường 39 tỉ USD, tăng 2 bậc so với hiện nay. Khi ấy, Thái Lan sẽ lui về vị trí thứ 3 với quy mô thị trường dự báo 35 tỉ USD, còn Malaysia sẽ tụt từ vị trí thứ 3 xuống thứ 5.
Các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế số đánh giá lợi thế lớn nhất để mở rộng quy mô TMĐT tại Việt Nam chính là dân số lớn, đồng nghĩa với dư địa tăng trưởng lớn. Đặc biệt, tỉ lệ dân số chưa tham gia vào nền kinh tế số của Việt Nam còn đến 29,3% và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng TMĐT giai đoạn 2021-2025 nhanh nhất khu vực với 35%. Ngoài ra, người Việt yêu thích công nghệ và số lượng nền tảng phát triển phong phú cũng là yếu tố giúp TMĐT Việt Nam "ăn điểm".
Vì người tiêu dùng
Tin tưởng vào tiềm năng của thị trường TMĐT Việt, ông Trần Ngọc Thái Sơn - nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Tiki - khẳng định khoản đầu tư 258 triệu USD sẽ được Tiki tập trung hoàn toàn vào thị trường Việt Nam. Cụ thể, công ty cam kết xây dựng hạ tầng, đầu tư công nghệ, chuỗi cung ứng, đào tạo nguồn nhân lực và tạo ra nhiều việc làm hơn nữa. "Điều này thể hiện cam kết lâu dài của Tiki trong việc mang lại lợi ích bền vững cho người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN), biến những tiềm năng của thị trường Việt Nam trở thành hiện thực" - ông Sơn tự tin.
Đại diện Tiki cũng thừa nhận đây là lần đầu tiên sàn bán lẻ trực tuyến này chính thức chia sẻ về thông tin tài chính với mong muốn khẳng định chắc chắn mục tiêu góp sức vào phát triển nền kinh tế số trong nước, đem lại giá trị cho khách hàng, DN thông qua phát triển những công nghệ "make in Vietnam".
Thực tế, khi các công ty bán lẻ trực tuyến có đủ nguồn lực để đầu tư vào công nghệ và tung ra các chương trình ưu đãi, giảm giá thì người tiêu dùng được hưởng lợi đầu tiên. Câu chuyện tốc độ giao hàng trong đợt dịch Covid-19 vừa qua là một ví dụ cho thấy chỉ sàn nào có đủ nguồn lực đầu tư vào công nghệ, logistics… thì mới thỏa mãn được nhu cầu rút ngắn thời gian chờ đợi giao hàng của khách hàng trong bối cảnh mọi ngả đường vận chuyển đều gặp khó khăn. Thời điểm đó, với 5 sortation (trung tâm chia, chọn hàng hóa) vệ tinh được bổ sung tại huyện Hóc Môn, quận Tân Phú, quận 4 và TP Thủ Đức thay vì chỉ có 1 sortation chính ở quận Gò Vấp, Lazada gần như dẫn đầu về tốc độ xử lý đơn hàng tại TP HCM.
Mới đây, sàn này chính thức khởi động chương trình "Ship Ưu Tiên" để ghi nhận nỗ lực từ các nhà bán hàng trong việc rút ngắn thời gian đóng gói và vận chuyển đơn hàng đến tay người tiêu dùng. Theo đó, sàn tạo huy hiệu "Ship Ưu Tiên" cho các nhà bán hàng có khả năng hoàn thành việc xử lý và bàn giao hàng cho đơn vị vận chuyển trong ngày, hướng đến mục tiêu giao hàng đến khách hàng nhanh chóng. Huy hiệu này là công cụ giúp nhà bán hàng và sàn đánh giá hiệu quả hoạt động, định hướng mô hình vận hành phù hợp.
Trong khi đó, Shopee tuy còn gặp nhiều vướng mắc trong việc tăng tốc xử lý đơn hàng do số lượng đơn của sàn này áp đảo nhiều sàn đối thủ xong cũng tăng cường nhiều yếu tố công nghệ vào khâu giao nhận để đạt hiệu quả cao hơn.
Dịch Covid-19 là chất xúc tác
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT, nhìn nhận dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng cũng giúp TMĐT phát triển theo hướng đồng bộ giữa người mua và người bán. Các DN xem cơ hội đưa hàng hóa lên TMĐT là yếu tố sống còn trong đại dịch. "Xu hướng TMĐT xuyên biên giới, xuất khẩu hàng hóa qua kênh bán hàng trực tuyến gia tăng mạnh mẽ... là yếu tố thúc đẩy thị trường, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong và ngoài nước" - ông Dũng lý giải sức hút của TMĐT Việt Nam.
Bình luận (0)