xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thời của bán lẻ đa kênh

Thùy Dương - Nguyễn Hải

Để bán hàng đa kênh hiệu quả, doanh nghiệp cần chọn nền tảng số phù hợp dựa trên đánh giá đặc điểm khách hàng và khả năng tiếp cận khách hàng của từng kênh

Hình thức bán hàng đa kênh (kết hợp offline và online) đã được nhiều doanh nghiệp (DN) ứng dụng từ chục năm trước nhưng đa phần chỉ có ý nghĩa làm tăng trải nghiệm cho khách hàng. Khi dịch Covid-19 bùng phát kéo theo hàng loạt hoạt động tiếp xúc trực tiếp bị hạn chế, bán lẻ đa kênh mới thể hiện được vai trò quan trọng.

Bán lẻ online cứu doanh nghiệp trong đại dịch

Trong 4 tháng TP HCM lần lượt trải qua nhiều cấp độ giãn cách xã hội, Công ty TNHH Cỏ May rất khó tiêu thụ hàng loạt sản phẩm như gạo, thủy sản, nấm SMD qua kênh bán lẻ trực tiếp vốn duy trì nhiều năm nay. Ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc công ty, cho biết công ty đã phải nhanh chóng tổ chức bán hàng online. "Rất bất ngờ là doanh số bán hàng của công ty tăng đáng kể, chứng tỏ kênh online phát huy hiệu quả tốt trong khi trước đây chúng tôi không hề quan tâm" - ông Thiện nói.

Đại diện Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood) cho biết công ty có hệ thống bán lẻ rộng khắp các quận, huyện trên địa bàn TP HCM bên cạnh việc phân phối vào kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, để tối ưu hóa hiệu quả và tìm thêm khách hàng mới, Sagrifood đã chọn đưa hàng lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada. "Bước đầu hiệu quả chưa cao nhưng đây sẽ là kênh giúp công ty tăng doanh số trong thời gian tới" - đại diện DN này nhận xét.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chánh Trung (phân phối mỹ phẩm nhãn hiệu Lavigado trên các sàn TMĐT) cho biết kinh doanh mỹ phẩm trong giai đoạn dịch bệnh hết sức khó khăn do khách hàng cắt giảm chi tiêu. Vì vậy, ông không ngại đưa sản phẩm lên 3 sàn "đối thủ" là Lazada, Shopee và Tiki để tăng nhận diện thương hiệu, tăng cơ hội tiếp cận với nhiều tệp khách hàng. 

"Tôi còn lập trang bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tik Tok và chạy đường dẫn về sàn TMĐT. Dù doanh số thu được từ bán hàng trực tiếp trên trang mạng xã hội chỉ chiếm 5% tổng doanh số song đây là kênh quan trọng kéo khách về "điểm chạm" chính là chợ mạng. Hy vọng bằng cách này, doanh số tháng 11 sẽ khá hơn" - ông Trung nói.

Khảo sát của nhiều tổ chức nghiên cứu thị trường cho thấy trong đợt dịch Covid-19 hồi giữa năm nay, sức mua trên các nền tảng bán hàng trực tuyến tăng đến 46% so với trước đó. Với tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường, dự báo mua sắm online sẽ là xu hướng lâu dài và cũng là "chìa khóa" phát triển cho các DN bán lẻ.

Thời của bán lẻ đa kênh - Ảnh 1.

Bán hàng đa kênh không chỉ tăng trải nghiệm cho khách hàng mà còn là “chìa khóa” phát triển của doanh nghiệp bán lẻ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Lựa chọn nền tảng phù hợp

Chỉ chuyển tư duy từ bán hàng offline sang đa kênh là chưa đủ, DN còn phải tìm cho mình một hoặc nhiều nền tảng công nghệ, kênh bán hàng phù hợp với đặc điểm DN, đặc điểm của nhóm khách hàng mục tiêu…

Ông Nguyễn Minh Đức - đồng sáng lập kiêm Giám đốc IM Group, nhà huấn luyện kinh doanh online trên Google - cho rằng để bán lẻ online và rộng hơn là bán lẻ đa kênh đạt hiệu quả tốt, nhà bán hàng cần xác định rõ ưu - nhược điểm của mỗi kênh và có phương pháp tiếp cận phù hợp với từng sản phẩm. 

"Ngoài việc xây dựng một website hoàn chỉnh, DN cần có thêm nhiều kênh khác để tiếp cận khách hàng như YouTube, Facebook hoặc những trang TMĐT xuyên quốc gia như Alibaba, Amazon…, bởi mỗi kênh có tỉ trọng khách hàng khác nhau và không nên bỏ phí. Trong đó, kênh website thường chiếm khoảng 40% doanh thu, các trang TMĐT đóng góp 35% doanh thu và mạng xã hội khoảng 25%" - ông Đức phân tích.

Ông Đức cũng gợi ý những DN không có nền tảng số và nguồn nhân lực công nghệ thì có thể thuê các đơn vị dịch vụ bên ngoài với chi phí thấp để giảm áp lực đầu tư. Những DN nhỏ và nhà bán hàng cá nhân có thể dùng phần mềm bán hàng như CRM, ERP để lưu trữ thông tin khách hàng; sử dụng một số phần mềm của Sapo GO, KiotViet giúp kết nối với website, trang Facebook hoặc sàn TMĐT; xây dựng website bán hàng trước khi lập kênh YouTube, Fanpage…

Ở góc độ DN cung cấp giải pháp công nghệ cho bán hàng đa kênh, ông Huỳnh Lâm Hồ, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty CP Công nghệ Haravan, cho rằng DN bán lẻ khi bắt đầu triển khai bán hàng đa kênh thường có những nhu cầu cơ bản như xây dựng website, chạy quảng cáo, chăm sóc khách hàng, hợp tác với đơn vị có năng lực về giao hàng, thanh toán… Do vậy, để thuyết phục nhà bán lẻ lựa chọn giải pháp công nghệ của mình, DN cung cấp giải pháp cần có một nền tảng hoàn chỉnh, hợp tác với nhiều đối tác cung ứng dịch vụ ổn định, hiệu quả.

Ông Hoàng Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ quảng cáo BRNDY, khuyến nghị DN nên có chiến lược quản trị trang mạng xã hội hiệu quả bởi hiện nay không DN nào có thể tồn tại, phát triển mà không hiện diện trên một kênh mạng xã hội phù hợp với nhóm khách hàng mục tiêu. 

"Đầu tiên, DN phải phân tích và hiểu được đối thủ cạnh tranh trên mạng xã hội, từ đó thiết lập được lộ trình tiếp cận khách hàng phù hợp với ngành kinh doanh, sản phẩm của mình. Thứ hai, có chiến lược truyền thông thương hiệu một cách nhất quán thông qua việc chia sẻ những nội dung có chất lượng liên quan đến sản phẩm. Cuối cùng, không nên bỏ qua tính năng quảng cáo miễn phí hoặc có trả phí để thu hút khách hàng tiềm năng" - ông Quốc góp ý.

3 ưu tiên cho kinh tế số ở Việt Nam

Tại hội thảo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Google tổ chức tuần qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 gây tác động nghiêm trọng, cần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo báo cáo do công ty tư vấn chiến lược AlphaBeta thực hiện, nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại khoảng 74 tỉ USD cho Việt Nam vào năm 2030. Khoản tiền này tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020.

Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng để hướng tới nền kinh tế không cần tiếp xúc, Việt Nam cần tập trung 3 ưu tiên, gồm: nâng cấp kỹ năng số cho người lao động, khuyến khích các DN đổi mới sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng thông tin.


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Thời của bán lẻ đa kênh - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo